‘Dân dĩ thực vi tiên’
(Baonghean.vn) - Ngẫm lại câu nói của người xưa: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”; lại càng thấm thía sâu sắc ý tứ bậc tiền nhân.
Mới đây, ông David Beasley - Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của Liên hợp quốc và là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới hỗ trợ và giải quyết nạn đói, cảnh báo hiện có 345 triệu người ở 82 quốc gia có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói. Con số này cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19; 50 triệu người khác đang bị suy dinh dưỡng cấp tính và ở ngưỡng cửa của nạn đói. Cuộc khủng hoảng lương thực đang siết chặt 19 “điểm nóng về nạn đói” trên thế giới và dự kiến danh sách các điểm nóng này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh.
Nhiều quốc gia có nguy cơ thiếu đói. Ảnh minh họa: Getty Images |
Hạn hán và lũ lụt, xung đột vũ trang, những thách thức và hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm ảnh hưởng đến sản lượng, gián đoạn các chuỗi cung ứng, đẩy giá lương thực ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tổ chức nông lương thế giới (FAO) nói rằng, thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng 5 chữ “F”: Thiếu lương thực (Food), thiếu thức ăn chăn nuôi (Feed), thiếu nhiên liệu (Fuel), thiếu phân bón (Fertilizer), thiếu tài chính (Finance). Do đó, không ngẫu nhiên mà Chủ đề của ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2022 được FAO chọn là: “Không để ai bị bỏ lại phía sau. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”.
Để đối mặt với tình trạng trên, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đang tất bật xoay xở để lo cái ăn cho dân. Ở Ấn Độ, nơi đến nay người dân vẫn bị ám ảnh bởi nỗi đau hằn sâu từ “Nạn đói đầu lâu” khủng khiếp kéo dài suốt nhiều năm trong thế kỷ XVIII, Chính phủ đã nhanh chóng hành động. Quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân, hiện đứng thứ 2 thế giới về nhân khẩu, dự kiến sẽ vượt Trung Quốc năm 2023 để đứng đầu thế giới về dân số, không ngần ngại ban hành lệnh cấm xuất gạo và lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực, khiến thế giới càng thêm lo lắng vì đây vốn là quốc gia xuất khẩu lương thực. Đâu chỉ người Ấn, trong bối cảnh “cái ăn, cái mặc” đang dày xéo nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở lục địa châu Phi, mà cả ở nhiều nước lâu nay được cho là sung túc hơn, chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp lên ngôi và đang ở mức cao nhất cũng là tất lẽ dĩ ngẫu.
Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực. Trong ảnh: Hoạt động xuất khẩu gạo tại cảng Kakinada Anchorage Port của bang Andhra Pradesh (Ấn Độ). Ảnh minh họa: Reuters |
Con số hơn 30 quốc gia đã hạn chế hoặc đưa ra các lệnh cấm xuất khẩu nông sản làm thắt chặt hơn nữa nguồn cung lương thực đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu chứng minh điều đó. Thậm chí, thị trường hơn tỷ dân Trung Quốc cũng được cho là sẽ nhập khẩu kỷ lục khoảng 6 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Việt Nam chúng ta với khoảng 100 triệu dân, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, trong đó yêu cầu quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước; tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc.
Điều đáng mừng là dù đối mặt với vô vàn khó khăn do thiên tai, giá cả đầu vào tăng cao, đặc biệt là phân bón, song năm nay, nông nghiệp tiếp tục thu được những mùa vàng. Sản lượng lúa thu hoạch vẫn sẽ đạt trên 43 triệu tấn nên ngoài phục vụ nhu cầu lương thực cho gần 100 triệu “miệng ăn” trong nước, Việt Nam có thể xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN |
Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay sẽ đạt và vượt kế hoạch, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu.
Không chỉ lúa gạo, hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc đạt sản lượng tăng cao so với các năm trước, vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu, dự kiến năm nay, xuất khẩu nông sản cả nước sẽ đạt 50 tỷ USD. Trong kết quả chung của cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh đóng góp rất lớn vào nông nghiệp cả nước cả về quy mô và giá trị, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao.
Nhìn báo đài đưa tin hàng ngày, nhiều nơi trên thế giới đang “toát mồ hôi” để lo cái ăn cho dân, bỗng ngẫm lại câu nói của người xưa: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu”; lại càng thấm thía sâu sắc ý tứ bậc tiền nhân. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trước tiên nông nghiệp luôn và phải luôn đóng vai trò bệ đỡ, “hậu phương” vững chãi nếu muốn “dân cường, nước thịnh”. Chợt thấy vững tâm hơn khi nông nghiệp Việt Nam đã và đang gánh vác rất tốt sứ mệnh tiên quyết đó cho đất nước.
Những cánh đồng vuông vức được phủ màu vàng ươm của lúa chín. Ảnh: Hải Vương |