Dân sống khổ bên Nhà máy xi măng Sông Lam

Tiến Hùng 08/11/2018 14:39

(Baonghean.vn) - Mặc dù theo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ phê duyệt, các hộ dân trong bán kính 600 mét từ hàng rào nhà máy sẽ phải di dời nhưng sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân vẫn đang "mắc kẹt" trong khu vực này. Hàng ngày, họ phải đối diện với bụi bẩn, tiếng ồn và cả bùn đất chảy từ nhà máy này xuống.

Sau trận mưa sáng 8/11, bùn đất từ công trường Nhà máy xi măng Sông Lam lại đổ xuống nhà của nhiều hộ dân thôn Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương. "Ngày nóng thì bụi bẩn, còn mưa thì bùn đất chảy ào ào vào nhà. Chưa kể tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, chịu không nổi", chị Hoàng Thị Sáu (45 tuổi), nói. Ảnh: Tiến Hùng
Công trường nhà máy xi măng cao hơn nhà dân khoảng 5 mét, chính vì thế, mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực này lại chảy xuống nhà dân, kéo theo chất thải. Ảnh: Tiến Hùng
Bùn chất từng lớp dày trong nhà dân. Chị Hoàng Thị Sáu là một trong 158 hộ dân vẫn bị "mắc kẹt" trong nhà máy này. Mặc dù theo đánh giá tác động môi trường, họ phải được di dời đến vị trí khác. Hàng ngày phải đối diện với bụi bẩn, tiếng ồn. Ảnh: Tiến Hùng

Theo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào tháng 2/2016, đối tượng chịu tác động của dự án nằm trong phạm vi bán kính cách lò nung của nhà máy 900 mét, tức cách hàng rào công trình 600 mét. Theo khoảng cách này thì có gần 200 dân sẽ phải di dời để triển khai dự án. Tuy nhiên, sau đó dự án này lại chỉ di dời 32 hộ, trong đó 20 hộ dân nằm trong diện tích mở rộng của dự án và 12 hộ dân phải di dời vì được xác định sẽ ảnh hưởng do bụi, tiếng ồn. 158 hộ còn lại bỗng dưng bị chủ đầu tư "bỏ quên". Ảnh: Tiến Hùng

Sau khi phát hiện những hộ dân bị "bỏ quên" này, từ đầu năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã liên tiếp có 2 công văn, xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của Nhà máy xi măng Sông Lam. Tuy nhiên đến nay, 158 hộ dân ở xóm Đô Sơn này vẫn phải sống chung với bụi bẩn, tiếng ồn. Ảnh: Tiến Hùng

Bụi bao phủ khu vực nhà máy, trong khi nhiều hộ dân hiện nay chỉ cách hàng rào nhà máy khoảng vài mét. Trong văn bản trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An ngày 7/8/2018, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng số hộ dân phải di dời được chủ dự án xác định, cung cấp trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ trung thực của số liệu, tài liệu này. Ảnh: Tiến Hùng
Nhiều hộ dân sống cách bờ rào nhà máy khoảng vài mét, trong khi theo đánh giá tác động môi trường thì trong vòng bán kính 600 mét đã phải di dời. Nhà máy Xi măng Sông Lam của Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày. Mỗi năm, nhà máy sẽ cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 297 ngày 04/2/2016 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2016. Ảnh: Tiến Hùng

Mới nhất

x
Dân sống khổ bên Nhà máy xi măng Sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO