Đàn tập tinh

09/01/2014 21:11

(Baonghean) - Người dân vùng cao sống gắn bó núi rừng. Núi rừng đem lại cho họ cái ăn, cái mặc. Núi rừng cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Từ một nhành cây, tấm lá đều có thể cất lên những giai điệu của cuộc sống. Nói cách khác, từ những chất liệu đơn giản của rừng núi, các bậc nghệ nhân của bản làng đã chế tác nên một loại nhạc cụ độc đáo, thể hiện sự tài hoa và tinh tế của đời sống tâm hồn, tình cảm. Đó là cây đàn tập tinh...

Để chế tác đàn tập tinh, việc làm trước tiên của nghệ nhân là vào rừng tìm lóng cây nứa thật, có đường kính và chiều dài càng lớn càng tốt để làm thân đàn. Theo kinh nghiệm của bà con vùng cao, lóng nứa thường được lấy vào dịp tháng Giêng và tháng Hai âm lịch là tốt nhất. Vì nứa ở thời điểm này ít bị mối mọt, lại chắc và bền, có tiếng vang. Lóng nứa lấy về được giữ nguyên cả 2 mắt, người chế tác dùng dao vát một đường trên bề mặt tinh nứa để làm mỏng một phần thân. Sau đó, khoét một lỗ nhỏ nằm chính giữa phần bề mặt đã được vát mỏng rồi tiếp tục dùng mũi dao nhọn và sắc tách 4 dây tinh nứa nằm sát 2 bên đường vát mỏng ban đầu. Tách xong, dùng 4 cật nứa nhỏ chèn 2 đầu dưới 4 dây tinh nứa để làm đà tăng độ căng cho dây. Tiếp sau, cắt một khối nứa mỏng thành hình bầu dục đặt lên lỗ nhỏ khoét sẵn trên bề mặt đã được vát mỏng. Vậy là cây đàn tập tinh đã được hoàn thành.

Để sử dụng đàn tập tinh, người chơi cần thêm một thanh nứa nhỏ, chiều dài khoảng 20-30cm. Người chơi dùng tay cầm thanh nứa gõ vào khối nứa hình bầu dục nằm trên thân đàn hoặc gõ chung quanh thân đàn sẽ phát ra âm thanh vui tai. Độ vang của âm thanh phụ thuộc vào lực gõ và vị trí gõ. Thông thường khi ta gõ vào khối nứa hình bầu dục hoặc gõ trên phần tinh nứa được vát mỏng âm thanh vang hơn, tựa như là tiếng trống. Còn khi ta gõ vào những phần khác trên thân đàn, âm thanh thường đanh và ngắn. Nhưng nếu chỉ mới dùng động tác gõ thôi vẫn chưa thành cây đàn tập tinh, vì trên thân đàn còn có 4 sợi dây được kéo căng bằng 4 chiếc đàn. Để 4 sợi dây đàn này phát ra âm thanh, người chơi phải dùng bằng tay để gảy. Nếu như khi gõ, âm thanh tiếng đàn phát ra như tiếng trống thì khi gảy âm thanh ngân dài tựa như là tiếng chiêng.

Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp với cây đàn tập tinh.
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp với cây đàn tập tinh.

Đàn tập tinh
Đàn tập tinh

Thực ra, khi chế tác đàn tập tinh, đồng bào Thái đã có ý định thay thế nhạc cụ trống - chiêng trong những hoàn cảnh nhất định. Chẳng hạn, khi đang trên nương, trên rẫy, lúc đêm xuống, ánh trăng vằng vặc giữa đại ngàn. Mọi người có nhu cầu tụ tập để chuyện trò, sau đó cùng ca hát và nhảy múa. Không ai mang theo trống chiêng lúc lên rẫy, để có nhạc cụ phát ra âm thanh thay thế tiếng cồng chiêng, người ta đã chế tác ra cây đàn tập tinh. Về độ vang ngân, cây đàn tập tinh không thể sánh được với trống chiêng, nhưng trong hoàn cảnh này, nó đã giúp cho những “nghệ sỹ núi rừng” có một đêm vui với ánh trăng khuya, với tiếng suối chảy hòa âm với tiếng gió ngàn, làm nên một bản nhạc đắm say cùng trời đất. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng reo hò còn có tác dụng xua đuổi các loài thú đến phá hoại mùa màng, gọi các loài chim chóc, muông thú hiền lành, gần gũi tìm về góp vui bằng tiếng hót và những vũ điệu đặc trưng của giống loài. Vì thế, tiếng đàn tập tinh đã giúp cho tâm hồn con người hòa nhịp và gắn bó với thiên nhiên, với núi rừng.

TIN LIÊN QUAN

Trước đây, người Thái thường hay tổ chức làm lễ cầu mùa. Lễ thường được làm ngay trên nương rẫy, ngay khi mùa gieo hạt được bắt đầu. Và trong buổi lễ không thể không có tiếng đàn tập tinh. Nó như là tiếng vọng của đất trời, giai điệu của núi rừng, là nhịp điệu của mùa màng, của sự sinh sôi nảy nở, của ước vọng ấm no. Từ nương rẫy, cây đàn tập tinh theo bước chân của những “nghệ sỹ núi rừng” về với các bản làng. Vào mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ tết, cùng với tiếng cồng chiêng, khèn bè, sáo, pí, tiếng đàn tập tinh cùng gõ nhịp và hòa âm, góp phần làm cho không khí bản làng thêm ngập tràn niềm vui. Đàn tập tinh có thể đệm cho những khúc hát khắp, lăm, nhuôn, xuối. Cũng có thể gõ nhịp cho những điệu vũ rộn ràng.

Như đã nói, đàn tập tinh là sự hội tụ “2 trong 1”, tức nó là sự “tích hợp” của trống và chiêng. Do đó, đòi hỏi người sử dụng phải thật sự nhuần nhuyễn, một lúc chơi đàn bằng cả 2 tay. Điều này không phải ai cũng làm được mà phải trải qua quá trình luyện tập lâu dài để có sự phối hợp, điều chỉnh nhịp nhàng. Nhưng nếu chơi đàn tập tinh chưa thuần thục, người chơi có thể tách ra thành 2 bộ phận để 2 người cùng chơi. Tức là lúc ấy sẽ không còn sự “tích hợp” nữa, mà người chế tác làm thành 2 bộ phận trống- chiêng riêng rẽ, trên 2 lóng nứa khác nhau. Như thế, một người có thể gõ trống, người kia dùng tay để gảy dây mô phỏng tiếng chiêng.

Xin nói thêm, thời gian gần đây, bà con người Thái đã có những cải biến nhất định trong việc chế tác đàn tập tinh theo xu hướng ngày càng bền đẹp, nâng cao chất lượng âm thanh. Chẳng hạn, 4 sợi dây tinh nứa giờ có thể được thay bằng 4 sợi dây phanh xe đạp. Tưởng chừng không có gì để nói nhưng thực chất đây là một sự “đột phá” lớn. Vì so với tinh nứa, dây phanh gọn nhẹ và bền hơn, tiếng vọng dài hơn, ít bị đau ngón tay khi gảy.

Có lẽ, so với nhiều loại nhạc cụ khác, cây đàn tập tinh khá đơn giản về nguyên liệu, cách chế tác và cả cách sử dụng nên nó thực sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường. Mỗi loại nhạc cụ thường có một bài hát ngợi ca về công năng, tác dụng cũng như sức quyến rũ của mình. Bởi đó chính là “điệu hồn”, là nơi để con người thể hiện những cung bậc cảm xúc. Và cây đàn tập tinh cũng vậy, nó đã được nghệ nhân Lương Văn Nghiệp - một “nghệ sỹ” của vùng đất Mường Qụa (Con Cuông) thể hiện bằng những giai điệu vui tươi, ngập tràn niềm vui: “Cây đàn tập tinh đã từ bao đời, chọn từ cây nứa, cây nứa trên lưng đồi, cây nứa bên suối ngàn được đem về làm nên cây đàn. Trẻ già, gái trai đàn hát vui tập tinh. Tiếng đàn tập tinh vang vọng núi đồi, cầu cho nương lúa, nương ngô xanh tươi; cầu cho cây rừng ngút ngàn xanh thắm; con hươu, con nai, đàn chim vui sum vầy. Tiếng đàn tập tinh vọng ngôi nhà sàn, gọi tình con trai, con gái làm duyên, gọi mùa Xuân tới hội vui bản mường...”.

Có thể nói, vùng Môn Sơn - Mường Qụa (Con Cuông) là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng của văn hóa Thái, trong đó có hệ thống nhạc cụ cổ truyền. Tại đây, có những nghệ nhân chuyên chế tác và sử dụng đàn tập tinh một cách khéo léo và nhuần nhuyễn như Lương Văn Nghiệp, Vi Văn Thuyền, Vi Trung Đoàn, Lương Văn Thủy... Trong đó, ông Lương Văn Nghiệp (bản Cằng, xã Môn Sơn- tác giả bài hát trên) được đánh giá là chuyên nghiệp nhất. Với ông, các loại nhạc cụ dân tộc Thái, trong đó có cây đàn tập tinh đã trở thành bầu bạn, nó cùng ông lên rẫy, ra đồng và theo bước chân ông đến với hội làng, hội bản. Thời trai trẻ, khi hành quân qua rừng Trường Sơn, ông đã từng chế tác đàn tập tinh và tấu lên chuỗi âm thanh rộn ràng, tha thiết. Ai nấy đều khâm phục sự khéo léo và tinh tế của chàng trai người Thái nơi miền Tây xứ Nghệ. Giai điệu của tập tinh đã nâng bước ông và đồng đội trên con đường vạn lý đầy gian nan, vất vả để đến ngày chiến thắng!

Tường Anh

Mới nhất
x
Đàn tập tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO