"Dân vận khéo" ở bản Hòa Bình
(Baonghean.vn) Bản Hòa Bình (xã Châu Bình, Quỳ Châu) có 62 hộ, 242 khẩu, chủ yếu là bà con ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) lên tái định cư xây dựng kinh tế mới từ những năm 1978. Những năm trước đây, do sản xuất chủ yếu thuần nông, đầu tư thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong bản còn nhiều hộ nghèo và một số hộ thiếu đói. Trước thực trạng đó, chi bộ bản đã thảo luận, tìm giải pháp tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng đời sống văn hóa mới.
(Baonghean.vn) Bản Hòa Bình (xã Châu Bình, Quỳ Châu) có 62 hộ, 242 khẩu, chủ yếu là bà con ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) lên tái định cư xây dựng kinh tế mới từ những năm 1978. Những năm trước đây, do sản xuất chủ yếu thuần nông, đầu tư thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong bản còn nhiều hộ nghèo và một số hộ thiếu đói. Trước thực trạng đó, chi bộ bản đã thảo luận, tìm giải pháp tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Trong đó, ngoài việc xác định "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", công tác vận động quần chúng được xem là một nhiệm vụ quan trọng để tạo những bước chuyển biến mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phong trào xóa đói giảm nghèo có sức lan tỏa sâu rộng, các gia đình trong bản chủ động học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trồng cây gì, nuôi con gì để tạo được sản phẩm hàng hóa có giá trị, cho thu nhập cao.
Trong bản xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại thu nhập khá. Điển hình như mô hình nuôi lợn nái của ông Nguyễn Văn Hải cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm; mô hình nuôi gà cỏ, ngan, vịt thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm của ông Phan Kim Trọng; mô hình nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Trọng Sáu mỗi năm xuất chuồng gần 2 tấn... Ông Sáu tâm sự: Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng nhờ chi bộ, ban cán sự bản tuyên truyền vận động, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi để xoá đói giảm nghèo. Đến nay mô hình chăn nuôi lợn thịt đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Không chỉ lĩnh vực chăn nuôi, đối với cây trồng, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên năng suất, chất lượng tăng cao hơn so với trước đây. Chỉ tính riêng trong năm 2010, toàn bản thu hoạch hơn 1.000 tấn mía nguyên liệu cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, thu từ sắn hơn 100 triệu đồng, ngô hơn 200 triệu đồng, lạc gần 100 triệu đồng. Ngoài sản xuất nông nghiệp, một số hộ còn kinh doanh dịch vụ như mở xưởng cưa, xưởng mộc, thời gian nông nhàn thì đi làm xây dựng, làm mộc ở các vùng lân cận.Nhờ "dân vận" khéo, nhân dân trong bản không chỉ giúp nhau ngày công trong sản xuất hay xóa nhà tranh tre tạm bợ, mà còn đoàn kết tương trợ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của bản Hòa Bình đã giảm xuống còn gần 50%, thấp hơn bình quân chung của cả huyện là 57,1%.
Khi đời sống vật chất khấm khá, kéo theo sự phát triển của đời sống tinh thần. Hiện tại, bản Hòa Bình không chỉ có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền mà còn thành lập được 4 CLB "Không sinh con thứ 3", "Bà nội bà ngoại", phổ biến tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình. Nét nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở đây là thực hiện các quy ước: Không uống rượu say, không hút thuốc lá trong đám cưới; thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình. 15 năm qua, trong bản không có gia đình sinh con thứ 3, hiện tại, không có người nghiện hút, không có người mắc vào các tệ nạn xã hội, bản được công nhận danh hiệu Bản Văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh. Đồng chí Phan Bá Chiến - Bí thư Chi bộ bản Hòa Bình cho biết: "Muốn dân vận thành công phải lấy dân làm gốc. Tất cả mọi việc trong bản từ việc to đến việc nhỏ đều được công khai xin ý kiến của nhân dân. Khi được bàn và thông suốt rồi thì họ rất hăng hái, tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách để xây dựng bản làng no ấm, hạnh phúc".
Gia Huy