“Dàn vũ khí khủng khiếp của Nga chỉ là phóng đại“
Đó là lời khẳng định của ông Richard Aboulafia - Phó giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan cố vấn Hàng không và Quốc phòng Teal Group, Mỹ.
Trong Thông điệp liên bang được Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc hôm 1/3, ông đã nhắc tới hàng loạt vũ khí công nghệ cao "độc nhất vô nhị", sở hữu các tính năng đủ để "xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ của kẻ thù".
Ngoài những loại đã được công bố trước đó như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat hay ngư lôi hạt nhân Status 6 thì vũ khí thu hút nhiều sự chú ý nhất chính là tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân chưa rõ tên gọi.
Phương tiện trên của Nga nếu thành hiện thực sẽ có tầm bắn không giới hạn, mang theo đầu đạn cực lớn và vận tốc bay rất nhanh, vô cùng khó khăn để có thể đánh chặn nó, đây sẽ là một trong những vũ khí có khả năng "thay đổi cuộc chơi" của Nga.
Minh họa tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân của Nga |
Bên cạnh những nhận định cho rằng thực chất vũ khí mới của Nga chỉ là sao chép ý tưởng tên lửa SLAM thuộc Dự án Pluto mà Mỹ đã triển khai trong giai đoạn thập niên 1950 - 1960 thì còn có những ý kiến khác tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của nó.
Một sĩ quan tình báo Hoa Kỳ giấu tên cho biết, Mỹ đã bí mật quan sát và theo dõi kết quả hàng loạt vụ thử tên lửa hành trình có khả năng đầu đạn hạt nhân của Nga. Ông này khẳng định tất cả các cuộc thử nghiệm đã diễn ra đều thất bại.
Cần lưu ý rằng đây mới chỉ là tên lửa sử dụng động cơ thông thường, sẽ là khó khăn gấp bội với tên lửa trang bị động cơ hạt nhân.
Chưa dừng lại ở đó, ông Richard Aboulafia - Phó giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan cố vấn Hàng không và Quốc phòng Teal Group, Mỹ còn nói mạnh hơn rằng:
"Không ai biết có bao nhiêu phần sự thật trong đó, vũ khí công nghệ cao của Nga chỉ là lời phóng đại với mục đích nhằm giải quyết vấn đề nội bộ và tăng sức trong cuộc bầu cử vào ngày 18/3 tới".
Minh họa cơ chế hoạt động của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat |
Không chỉ riêng tên lửa hành trình động cơ hạt nhân mà tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới RS-28 của Nga cũng bị các chuyên gia Mỹ nghi ngờ, cần nhớ lại rằng hầu hết các vụ thử tên lửa Bulava từ tàu ngầm của Nga đều đã thất bại, cho thấy người Nga đang cố tìm lại ánh hào quang Xô Viết xưa.
Sau khi bày tỏ sự "mỉa mai" với dàn vũ khí mới của Nga, người Mỹ đã không quên phô trương uy thế của mình, bà Sarah Sanders - phát ngôn viên Nhà Trắng tự tin cho biết "Hệ thống phòng thủ của Mỹ không xếp thứ hai sau bất kỳ ai" và họ đủ khả năng để giải quyết mọi mối đe dọa đã và sẽ xuất hiện trong tương lai.