Dân vùng ngập lụt từ chối đến khu tái định cư vì xây dựng quá lâu
(Baonghean.vn) - Khu tái định cư dành cho người dân vùng ngập lụt dù đã được bàn giao cho địa phương hơn một năm nay nhưng vẫn chưa có người dân nào đến ở. Nguyên nhân là vì dự án này được triển khai từ hơn 10 năm trước, sau thời gian dài, nhiều hộ dân đăng ký đã tự xây hoặc cơi nới nhà cửa.
Ký ức chạy lụt
Trung tuần tháng 12, chúng tôi có mặt tại xóm 9, xã Xuân Lam (trước đây là xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên). Đây là xóm có gần 200 hộ dân, sinh sống lâu đời trên một ốc đảo nằm giữa sông Lam. Ấn tượng đầu tiên khi vượt qua cây cầu sắt bắc qua sông Lam để vào xóm là những con đường bê tông chạy khắp ngõ ngách trong xóm và nhiều ngôi nhà cao tầng kiên cố nằm san sát nhau.
“Ốc đảo này giờ thay da đổi thịt rồi, không như ngày xưa nữa đâu”, ông Lê Văn Năng (61 tuổi) khoe. Xóm 9 nằm trên bãi bồi khá trù phú, được sông Lam bồi đắp sau những trận lũ. Đất đai màu mỡ, thuận tiện cho canh tác nông nghiệp, nhưng đổi lại, người dân ở đây cũng thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt suốt bao đời nay. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước từ trên thượng nguồn sông Lam đổ về, ốc đảo này nhanh chóng bị nhấn chìm.
Ốc đảo xóm 9 nay đã mọc lên nhiều nhà cao tầng, không còn muốn đi tái định cư. Ảnh: Tiến Hùng |
“Mỗi lần như thế, chúng tôi lại phải khăn gói tháo chạy, vào ở nhờ nhà người quen bên trong đê. Có những khi chạy không kịp thì trèo lên nóc nhà, chờ lũ rút. Hầu như năm nào cũng vậy”, ông Năng nhớ lại. Trận lũ lịch sử đối với người dân xóm 9 xảy ra năm 1968. Thời điểm ấy, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm hoàn toàn trong dòng lũ, chỉ còn trơ trọi phần nóc.
Trước tình trạng đó, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng quy mô dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất ở xã Hưng Lam (huyện Hưng Nguyên). Theo đó, dự này sẽ có 100 lô đất ở (mỗi lô 315 m2) nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê; trong đó, phần lớn là dành cho cư dân xóm 9. Khu tái định cư nằm ngay bên đường ven đê Tả Lam, có vị trí giao thông khá thuận tiện. Hạ tầng khu tái định cư gồm đường bê tông, mương thoát nước, điện sinh hoạt; kinh phí đầu tư hơn 24,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách của huyện, xã để di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện 24 tháng.
Sau khi có dự án, UBND xã đã thông báo cho người dân ở 4 xóm nằm ngoài đê. Sau đó, có 100 hộ dân đã đăng ký đến khu tái định cư với hy vọng thoát khỏi cảnh chạy lũ.
Khu tái định cư bàn giao cho địa phương đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có ai đến ở. Ảnh: Tiến Hùng |
Di dời khẩn cấp nhưng 10 năm mới xong
Dù là dự án khẩn cấp, người dân cứ mòn mỏi chờ đợi hết năm nay đến năm khác. Mãi đến cuối năm 2021, dự án tái định cư mới hoàn thành, bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khu tái định cư vẫn bỏ hoang, chưa có một hộ dân nào đến ở. Một số khu vực, người dân còn tận dụng để trồng rau.
“Chúng tôi đã đăng ký và chờ đợi. Nhưng chờ quá lâu, năm nào tiếp xúc cử tri dân cũng phản ánh nhưng lãnh đạo địa phương cứ hứa mà dự án vẫn không xong nên chúng tôi phải tự lo cho mình”, ông Dư Văn Linh, một trong những hộ dân từng đăng ký đến khu tái định cư nói. Theo ông Linh, trước đây người dân ở vùng ngoài đê sông Lam thường bị ngập lũ do nhà cửa còn thấp nên cuộc sống rất khổ sở. Năm 2018, ông Linh đã xây lại ngôi nhà mới khang trang, nâng nền cao thêm 80cm để ứng phó với lũ.
Khu tái định cư được tận dụng trồng rau. Ảnh: Tiến Hùng |
Tương tự, nhiều hộ dân khác ở xóm 9 cũng đua nhau xây nhà cao tầng để thoát cảnh phải chạy lũ. Những tuyến đường bê tông cao ráo cũng được đầu tư, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. “Chờ tái định cư lâu quá, nhà tôi đã xây mới cao ráo, đất vườn 1.000m2, trong khi đến khu tái định cư phải trả lại đất ở cũ và nơi ở mới chỉ có 300m2 đất nên đương nhiên là chúng tôi không thể đi”, ông Dự Văn Thủy, một hộ dân khác ở xóm 9 cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho hay, dự án khẩn cấp nhưng mãi đến năm 2020 chủ đầu tư mới bắt đầu đắp đất, làm mặt bằng. Do khu tái định cư này xây quá lâu, người dân không thể chờ đợi được nên hầu hết người dân đăng ký di dời đã tự xây lại nhà và nâng cao nền để thích ứng với lũ. “Chúng tôi chưa khảo sát từng hộ, nhưng qua nắm tình hình thì bây giờ chỉ còn khoảng 10 hộ là còn nhu cầu đến khu tái định cư”, ông Phận nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Phận, dù đã bàn giao cho địa phương từ hơn 1 năm trước, một số hạng mục của khu tái định cư vẫn chưa hoàn thiện. Những hạng mục này gồm các tuyến mương thoát nước, cột điện nằm quá xa nhau.
Hệ thống mương nước của khu tái định cư đổ trực tiếp xuống ruộng của dân. Lo sợ ảnh hưởng đến sản xuất, người dân dùng gạch xây bịt lại, khiến cho khu này hiện nay không thể thoát nước ra bên ngoài. Ảnh: Tiến Hùng |
Theo ghi nhận của phóng viên, khu tái định cư này cũng đã được xây dựng những tuyến mương thoát nước nội bộ. Nhưng những tuyến mương này lại đổ ra ruộng của người dân. Cho rằng, khi đưa vào sử dụng, nước từ những tuyến mương này đổ xuống ruộng lúa làm ảnh hưởng đến sản xuất, người dân đã dùng gạch bịt hết lối ra. Vì thế, nếu khu tái định cư đi vào hoạt động cũng không có lối thoát nước.
Đại diện chủ đầu tư, ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, do nguồn vốn được bố trí quá nhỏ giọt nên dự án tái định cư này phải kéo dài. “Chúng tôi đã đề nghị địa phương tổ chức họp dân để khảo sát nguyện vọng của họ. Nếu người dân không có nhu cầu nữa thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có giải pháp. Có thể là đấu giá khu tái định cư”, ông Lương nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, theo quy định hiện nay thì khu tái định cư dành cho việc di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai không được chuyển sang đất ở đấu giá. Tại thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, có 2 khu tái định cư tương tự nhưng người dân không đến ở vẫn phải bỏ hoang từ nhiều năm qua, trong khi chính quyền địa phương chưa biết xử lý ra sao vì không thể bán đấu giá.