Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin
Việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là quan điểm chủ đạo, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay.
Lê Văn Cương • 17/01/2025
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”(1). Việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là quan điểm chủ đạo, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay. Đây là vấn đề rất lớn và khó, bài này chỉ có mục tiêu khiêm tốn là đưa ra một số nhận thức bước đầu về hai vấn đề: 1. Tại sao phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin? và 2. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin như thế nào?
C. Mác và Ph. Ăng-ghen công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào năm 1848. Đây là cương lĩnh chính trị của những người cộng sản trên toàn thế giới. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã luận chứng một cách khoa học và tính tất yếu khách quan của quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản.
Đảng Cộng sản Việt Nam phải vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn Việt Nam vì các lý do sau đây:
- Một là, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, trên cơ sở nhận thức đúng đắn quy luật phát triển của xã hội loài người từ xã hội cộng sản nguyên thủy đến chủ nghĩa tư bản, đã nêu ra những nguyên lý chung nhất về quá trình chuyển biến có tính tất yếu khách quan từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Đây là những vấn đề chung nhất, là “kim chỉ nam”, Mác và Ăng-ghen, Lênin không bao giờ chỉ ra những vấn đề cụ thể mà những người cộng sản các nước phải giải quyết. C. Mác đã nhiều lần khẳng định: Chủ nghĩa của chúng tôi không phải là giáo điều, chỉ chứng minh tính tất yếu khách quan từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, trên cơ sở định hướng này (kim chỉ nam) những người cộng sản các nước phải tự xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng của nước mình trong từng giai đoạn lịch sử.
- Hai là, những luận điểm khoa học cơ bản trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được Mác và Ăng-ghen rút ra trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc, toàn diện sự vận động của nền kinh tế tư bản phát triển ở Anh (là chủ yếu), Pháp, Đức, Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Lênin đã vận dụng, phát triển sáng tạo và bổ sung vào chủ nghĩa Mác phù hợp với thực tiễn nước Nga, một nước tư bản phát triển trung bình ở châu Âu (thấp hơn Anh, Pháp, Đức).
Về trình độ phát triển, Anh, Pháp, Đức, Nga là các nước tư bản phát triển, hơn thế, là các đế quốc. Ngược lại, đến trước 2/9/1945, Việt Nam là thuộc địa của Pháp (Chưa có tên trên bản đồ thế giới) với nền nông nghiệp lạc hậu là phổ biến, công nghiệp chưa phát triển.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Anh, Pháp, Đức, Nga, giai cấp công nhân trở thành lực lượng lao động công nghiệp đông đảo, là lực lượng chính trị to lớn ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột tàn bạo của giới chủ tư bản. Ở Việt Nam, lực lượng công nhân công nghiệp còn rất nhỏ bé.
Trong điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước khác xa so với Anh, Pháp, Đức, Nga, việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là một tất yếu khách quan, là con đường độc đạo duy nhất mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện.
- Ba là, kinh tế, khoa học, công nghệ và quan hệ quốc tế hiện nay đã khác xa so với cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, toàn cầu hóa chưa phát triển, chưa có các định chế kinh tế, chính trị quốc tế (WB, IMF, WTO, Liên hợp quốc…), chưa có mạng xã hội và các vấn đề địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược chưa trở thành đại vấn đề của cả thế giới và quan hệ đến an ninh và phát triển của các nước. Nói cách khác, mối quan hệ quốc tế của các quốc gia tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (phát triển theo định hướng XHCN) khác xa so với thời kỳ C.Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lênin xây dựng học thuyết. Do đó, các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam phải vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cần sự hợp tác của hàng trăm nhà khoa học trong nhiều năm mới có thể luận chứng khách quan khoa học và có sức thuyết phục vấn đề này. Bài viết này có mục tiêu hết sức khiêm tốn là bước đầu nhận diện khái quát sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện trên các lĩnh vực sau: 1. Trong xây dựng Đảng; 2. Trong xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng; 3. Trong xây dựng lực lượng cách mạng; 4. Trong chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang; 5. Trong xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế; 6. Trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
- Một là, sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Đảng.
Tốt nhất, bắt đầu từ Điều lệ Đảng Cộng sản.
Đảng Cộng sản Nga (tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô) được Lênin xây dựng từ năm 1903. Điều lệ Đảng Cộng sản Nga (1903) xác định: Đảng Cộng sản Nga là đội tiên phong của giai cấp vô sản Nga. Nội dung cơ bản của điều này - bản chất giai cấp của đảng - được giữ lại trong mọi lần sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Nga (Liên Xô) từ năm 1903 đến tháng 12 năm 1991.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(2), và “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân...”(3).
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng...”(4).
Để cụ thể hóa Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao: “Xây dựng các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”, và “Hoạt động của Đảng và Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân. Sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng”(5).
Những vấn đề trên không có trong Điều lệ Đảng Cộng sản Nga (Liên Xô) và không có trong các văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đảng Cộng sản Nga do Lênin sáng lập vào năm 1903 (kéo dài đến tháng 12/1991) và Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập năm 1930 có cùng bản chất cách mạng và khoa học nhưng được thể hiện khác nhau trong điều lệ Đảng và các văn kiện quan trọng của Đảng - đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Việt Nam.
- Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong xây dựng đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng.
“Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, giành độc lập và dân tộc và thực hiện dân chủ, rồi mới tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội, giải phóng con người... Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế”(6).
Hạt nhân xuyên suốt của đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 95 năm qua là sự thống nhất giữa lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa chủ quyền và lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong sáng.
Đó là đường lối chung xuyên suốt của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay và tiếp tục đến mai sau. Trên cơ sở đường lối chung đó, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng chiến lược, sách lược phù hợp với tình hình trong nước, ngoài nước nhằm huy động mọi lực lượng vào nhiệm vụ trung tâm để giành thắng lợi. Việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng là nguyên nhân chủ yếu làm cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong điều kiện hết sức khó khăn.
- Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong xây dựng lực lượng cách mạng.
“Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh mới của tất cả những người Việt Nam yêu nước, yêu độc lập, tự do, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, nghề nghiệp, tín ngưỡng, dân tộc... dựa trên nền tảng vững chắc là liên minh công nông và trí thức, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(7).
Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945 - 1975) và chống xâm lược nước ngoài (tháng 2 - 3/1979), dân tộc Việt Nam phải đối đầu với các thế lực ngoại bang to lớn hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Trong điều kiện trăm bề khó khăn khi đối đầu với kẻ thù to lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa “tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào, và trước đây đã theo ai, chúng ta hay thật thà cộng tác, vì dân, vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân tộc trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(8), và Người kêu gọi: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công!
Trong bài “Nên học sử ta”(9), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.
Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.
Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây- Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tin khẳng định:
“Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”(11).
Từ Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh sáng lập (19/5/1941), Mặt trận Liên Việt (7/3/1951) đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay thể hiện đỉnh cao của việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng lực lượng để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
- Bốn là, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang.
Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị đã khẳng định: “Để lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và đánh bại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân ta không thể tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường, chiến tranh quy ước bằng quân đội chính quy, mà phải tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, phát triển ngày càng cao, phát huy truyền thống cả nước đánh giặc, toàn dân là binh của dân tộc ta lên một chất lượng mới - chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”(12).
Trong hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin không có khái niệm “chiến tranh nhân dân”. Chiến tranh nhân dân là sự phát triển sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự bổ sung, phát triển sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào hệ thống lý luận Mác-Lênin.
“Chiến tranh nhân dân” có giá trị vượt thời gian và không gian. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine hiện nay là mở đầu của một bước nhảy vọt của chiến tranh sử dụng trí tuệ nhân loại (AI) và vũ khí không người lái (trên không và trong nước).
Ngay cả trong chiến tranh, khi các bên sử dụng AI, thì những luận điểm cơ bản của chiến tranh nhân dân vẫn còn có giá trị.
Không chỉ các nước đang phát triển, mà các cường quốc quân sự cũng có thể vận dụng những vấn đề lý luận cơ bản của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến tranh hiện đại.
Với chiến tranh nhân dân, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng các “đế quốc to” (lời Hồ Chí Minh) giành độc lập.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đến cuối năm 1991, Đảng Cộng sản Liên Xô xây dựng Hồng quân và Hải quân hùng mạnh làm nhiệm vụ chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Đảng Cộng sản Liên Xô xây dựng KGB và lực lượng cảnh sát.
Khác với Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân có quan hệ máu thịt với nhân dân. Sự hậu thuẫn, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân làm cho quân đội và công an tự tin hơn, nhân lên sức mạnh vật chất, tinh thần của lực lượng vũ trang.
Với điểm tựa của nhân dân, Quân đội Nhân dân Việt Nam “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, và Công an Nhân dân trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng xả thân bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự phát triển theo định hướng XHCN.
- Năm là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong xây dựng và thực thi đường lối, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế.
Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam có hai chủ trương ở tầm chiến lược lâu dài: 1. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2. Hội nhập kinh tế quốc tế.
Giai đoạn 1919 - 1924, Đảng Cộng sản Nga và Lênin chủ trương thực hiện “chiến sách kinh tế mới” với nội dung cơ bản là sử dụng các nhân tố “thị trường” để phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đến đầu những năm 30 thế kỷ XX, về cơ bản, Liên Xô từ bỏ chính sách kinh tế mới của Lênin, thực hiện kế hoạch hóa kinh tế tập trung quan liêu. Trong thời bình, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung không có hiệu quả.
Từ năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, triển khai đường lối đổi mới với hai trục: 1. Trong nước phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2. Hội nhập kinh tế quốc tế.
Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước và nhân dân có thể huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước phát triển kinh tế nâng cao đời sống của tuyệt đại đa số người dân.
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.
Từ năm 1986 đến 2024, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, thế giới nói chung đã trải qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng: 1. Cuối những năm 90 thế kỷ XX (bắt đầu từ Thái Lan vào năm 1997), các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc...) lâm vào khủng hoảng trầm trọng, Việt Nam không rơi vào khủng hoảng; 2. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ vào tháng 8/2009. Dư luận cho rằng cuộc khủng hoảng 2009 - 2010 tàn phá kinh tế thế giới tương đương với cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933. Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không rơi vào khủng hoảng.
Điều đó chứng tỏ: Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Thực chất, đây là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
- Sáu là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn “xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, đặt cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam trong cục diện chung của thế giới, trong xu thế cách mạng của thời đại. Đánh giá đúng chiến lược của các nước lớn có liên quan...”(13).
Cùng với việc “xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới”, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “thêm bạn, bớt thù” trong quan hệ quốc tế.
Trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc và Liên Xô đối đầu và xem nhau như kẻ thù. Trong điều kiện đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn duy trì hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, và tranh thủ được sự hậu thuẫn, giúp đỡ to lớn và hiệu quả của cả Liên Xô và Trung Quốc.
Sau khi Liên Xô tan rã, hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ (1991), trên cơ sở nhận thức đúng đắn những chuyển biến lớn của thời kỳ mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt điều chỉnh chính sách đối ngoại, từng bước xóa bỏ thế bị bao vây, cấm vận, cô lập và hội nhập vào thế giới. Tháng 7/1995, Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện trên có ý nghĩa lịch sử và mang tính bước ngoặt trong chiến lược, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong khi duy trì, củng cố các mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và các cường quốc chủ chốt trong Liên minh châu Âu, mở rộng quan hệ với các nước Mỹ La-tinh, châu Phi và châu Đại Dương (chủ yếu với Australia và New Zealand). Nhờ đó, chúng ta đã thành công trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trên thế giới nói chung.
Trong một thế giới đầy biến động, bất thường, bạn thù không rõ ràng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tỉnh táo, sáng suốt mở rộng hợp tác quốc tế, tạo ra đan xen lợi ích với các cường quốc hàng đầu thế giới, không “bỏ trứng vào một giỏ”, chọn lọc tham gia các tập hợp lực lượng để tạo ra thế và lực bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Do đó, các cường quốc, các trung tâm sức mạnh (Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản...) đều đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam và muốn củng cố quan hệ chiến lược với Việt Nam.
Đó là kết quả của sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hoạt động đối ngoại.
Từ thực tiễn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 2021), Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra những vấn đề có tính quy luật là “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(14).
Mười mối quan hệ lớn phản ánh các quy luật biện chứng khách quan trong thời kỳ quá độ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam nói riêng và cũng đúng đối với tất cả các nước đang phát triển lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây là sự đóng góp mới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời kỳ mới.
* * *
Không vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin mà thực hành chủ nghĩa giáo điều xơ cứng chắc chắn sẽ thất bại.
Nhờ sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng “các đế quốc to” (lời Hồ Chí Minh) giải phóng dân tộc, xây dựng hình ảnh là tấm gương sáng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Thành công của Việt Nam đã tạo ra cú hích, cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc.
Nhờ sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đạt được thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xác lập được vai trò, vị thế và uy tín ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, trên trường quốc tế nói chung.
Mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và mọi người dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước có quyền tự hào với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Tự hào với dân tộc anh hùng và với Đảng quang vinh; đồng thời nhận rõ cơ hội, vận hội mới và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Đó là hành trang của chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc.
Hà Nội, tháng 1/2025
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản CT-ST, HN, 2021, T1, tr.180
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản CTQG, HN, 2011, tr.4
3. Sđd, tr.7, tr.5
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Nhà xuất bản CTQG, HN, 2006, tr.281 và 304
6. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: “Chiến tranh cách mạng Việt Nam: 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học”, Nhà xuất bản CTQG, HN, 2000, tr.182-183
7. Sđd, tr.207
8. Sđd, tr.218
9. Bài này đăng trên báo Việt Nam độc lập số 117, ngày 1/2/1942
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, HN, 1995, T3, tr.217
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, HN, 1995, T4, tr.217-218
12. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: “Chiến tranh cách mạng Việt Nam: 1945 - 1975 - Thắng lợi và bài học”, Nhà xuất bản CTQG, HN, 2000, tr.245
13. Sđd, tr.226
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản CT-ST, HN, 2021, T1, tr.119