Đằng sau kế hoạch luận tội Tổng thống 'vào phút chót'

Chi Nguyễn 12/01/2021 08:45

(Baonghean.vn) - Đảng Dân chủ xúc tiến luận tội Tổng thống Donald Trump khi chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa là ông Trump hết nhiệm kỳ và quá trình này thậm chí chỉ hoàn tất sau khi ông đã mãn nhiệm. Nỗ lực này không nhằm gián đoạn thời gian cầm quyền của ông Trump mà được cho phục vụ những tính toán xa hơn.

Khi phe Dân chủ “ngửa bài”

Nỗ lực gây sức ép với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump của đảng Dân chủ ngày càng mạnh mẽ trong bối cảnh ông Trump chỉ còn tại nhiệm trong hơn 1 tuần nữa.

Trong phiên họp ngày 11/1 đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ xúc tiến kế hoạch luận tội ông Trump, lấy lý do cốt lõi là những cáo buộc đương kim tổng thống kích động vụ bạo loạn của một nhóm phần tử quá khích tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1.

Động thái này diễn ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence và nội các của ông Trump kích hoạt Tu chính án 25 trong Hiến pháp nhằm phế truất Tổng thống.

Như vậy, có nghĩa nếu không có bất kỳ sự phản đối nào của một nghị sỹ đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, nghị quyết về việc luận tội sẽ được đem ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 12/1. Một khi nghị quyết được thông qua, ông Pence sẽ có 24 tiếng đồng hồ để hành động.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, ông Pence đã bác bỏ ý tưởng dùng Tu chính án 25 và cho rằng, đây không phải là một phương án khả thi. Trong trường hợp ông Pence nhất quyết không hành động để phế truất ông Trump, Hạ viện sẽ triển khai thủ tục luận tội.

Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ hai vào ngày 12/1. Ảnh: NBC News
Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ hai vào ngày 12/1. Ảnh: NBC News

Dù với kịch bản nào, rõ ràng những động thái của phe Dân chủ nhằm mục đích không để vị Tổng thống thứ 45 “hạ cánh” một cách dễ dàng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thẳng thắn nói trước các phóng viên rằng, Quốc hội cần “hành động khẩn cấp” vì “bất kỳ ngày nào” còn lại trong nhiệm kỳ của Trump “có thể là một màn trình diễn kinh dị cho nước Mỹ”.

Cần nhấn mạnh rằng, việc xúc tiến quá trình luận tội diễn ra khi chỉ còn vài ngày nữa là ông Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Tiến trình này dù diễn ra suôn sẻ cũng không thể kết thúc trong thời gian ông Trump còn tại vị. Bởi Hạ viện có thể đẩy nhanh các thủ tục đưa ông Trump ra luận tội, nhưng Thượng viện đang trong kỳ nghỉ nên cơ quan này chỉ có thể nhận được thông báo và điều khoản luận tội từ Hạ viện khi nhóm họp trở lại vào ngày 19/1.

Sau đó, theo quy tắc luận tội, Thượng viện sẽ chỉ bắt đầu xem xét vào 13 giờ ngày hôm sau, tức ngày 20/1. Khi đó, ông Trump không còn là Tổng thống. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có thể luận tội một Tổng thống khi mãn nhiệm về mặt hiến pháp hay không. Đó là chưa kể việc luận tội sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Nếu phải xét xử ông Trump, Thượng viện sẽ không giải quyết được các công việc quan trọng khác, như phê chuẩn nhân sự trong nội các của ông Biden hay các dự luật cấp bách như tăng mức hỗ trợ vượt Covid-19 cho người dân.

Một cuộc biểu tình trước khi Tổng thống Donald Trump bị luận tội hồi tháng 12 năm 2019. Ảnh: AP
Một cuộc biểu tình trước khi Tổng thống Donald Trump bị luận tội hồi tháng 12 năm 2019. Ảnh: AP

Những tính toán sâu xa

Nếu các thủ tục diễn ra theo đúng kế hoạch, ông Donald Trump sẽ đi vào lịch sử Mỹ là Tổng thống đầu tiên đối mặt với 2 lần bị luận tội trong một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, việc luận tội có lẽ không chỉ là câu chuyện cá nhân bởi thực tế ông Trump có bị phán quyết có tội hay không nhiều khả năng chỉ diễn ra khi ông đã là “cựu Tổng thống”.

Cái giá ông phải trả nếu bị phán xét là bị cấm tranh cử trong tương lai, tước bỏ mọi quyền ưu tiên về an ninh và lương bổng dành cho một cựu tổng thống. Tuy nhiên, có vẻ như những điều này không mấy quan trọng với một vị tỷ phú như ông Trump và dường như cũng không phải mục đích cuối cùng mà phe Dân chủ muốn theo đuổi khi tiến hành luận tội ông. Theo giới quan sát, có nhiều lý do quan trọng cho nỗ lực luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai.

Trước tiên, việc luận tội Tổng thống Trump - một lần nữa sẽ cho phép các nhà lập pháp gửi một thông điệp về sự cần thiết phải có trách nhiệm giải trình từ tổng thống về những hành động có khả năng gây ra những hậu quả lâu dài. Do vai trò rõ ràng của ông Trump trong việc lôi kéo người ủng hộ gây bạo loạn Đồi Capitol, nhiều nhà lập pháp Hạ viện thấy đây là một trường hợp rõ ràng để luận tội.

Nhìn lại trường hợp luận tội ông Trump cách đây 1 năm, có một sự khác biệt khá lớn. Một số Hạ nghị sĩ cho rằng, năm 2019 người ta nhìn thấy một tổng thống đang đe dọa làm xói mòn các chuẩn mực Dân chủ. Nhưng nay, họ thấy mối đe dọa này trở thành hiện thực với cáo buộc ông Trump “kích động bạo loạn”, nghĩa là vi phạm nghiêm trọng lời thề của tổng thống trong việc “giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp”.

Đó là chưa kể đảng Dân chủ cũng có thể đề cập đến cuộc điện thoại gần đây của ông Trump với Thư ký tiểu bang Georgia, ông Brad Raffensperger, khuyến khích ông này “tìm” hơn 11.000 phiếu bầu để lật ngược kết quả cuộc bầu cử.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra tối hậu thư yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 trong Hiến pháp nhằm phế truất Tổng thống hoặc sẽ tiến hành luận tội ông Trump. Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra tối hậu thư yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 trong Hiến pháp nhằm phế truất Tổng thống hoặc sẽ tiến hành luận tội ông Trump. Ảnh: AP

Thứ hai, nỗ lực luận tội ông Trump của đảng Dân chủ còn nhằm thu hẹp sự ủng hộ của cử tri với ông và mở đường cho chính quyền mới của ông Biden. Mặc dù trong cuộc bầu cử vừa qua, số phiếu của cử tri ủng hộ ông Trump lên đến hơn 74 triệu - con số cao kỷ lục đối với một ứng cử viên của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, sau sự kiện bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1, uy tín và sự ủng hộ với ông chủ Nhà Trắng đã suy giảm đáng kể. Sáu cuộc thăm dò được thực hiện sau cuộc bạo loạn cho thấy, khoảng một nửa số người Mỹ tin rằng Trump nên bị phế truất, trong số này có cả những cử tri đã bỏ phiếu cho ông vào ngày 3/11.

Và nay với tiến trình luận tội, dù có bị kết tội hay không, những cáo buộc nhằm vào ông Trump chắc chắn sẽ làm giảm niềm tin của cử tri vào nhà lãnh đạo này dù ông không còn tại vị. Về lý thuyết, sự ủng hộ của cử tri đối với một cựu tổng thống không mang nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, tình huống hiện nay lại hoàn toàn khác. Càng nhiều người “quay lưng” với Trump, những lời phàn nàn của ông về gian lận bầu cử càng kém giá trị. Tất nhiên, cục diện như vậy sẽ tạo lợi thế cho chính quyền mới của ông Biden trong việc hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ cũng như xoa dịu bớt những lời xì xào về “gian lận bầu cử”.

Vì thế, dù muộn màng và có thể không mang lại kết quả như mong muốn, phe Dân chủ sẽ không bỏ qua cơ hội luận tội ông Trump cho đến phút chót. Về phần mình, sau một nhiệm kỳ đầy thách thức, dù Tổng thống Trump bị phế truất trước thời hạn hay đối diện với màn luận tội, một điều chắc chắn ông sẽ phải đối mặt với viễn cảnh không dễ chịu sau khi rời nhiệm sở và cơ hội tranh cử năm 2024 dành cho ông cũng thu hẹp dần.

Mới nhất
x
Đằng sau kế hoạch luận tội Tổng thống 'vào phút chót'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO