Danh thơm nghề mộc Quỳnh Hưng

01/05/2016 16:08

(Baonghean) - Nhắc đến đồ gỗ mỹ nghệ Quỳnh Hưng, hẳn nhiều khách hàng gần xa đều có lời khen ngợi, bởi sản phẩm đạt chất lượng tốt, kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện. Điều này thể hiện phẩm chất lẫn công sức lao động của những tay thợ lành nghề lâu năm ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). Nhờ thế, năm 2011, UBND tỉnh công nhận làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng là hai làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cấp tỉnh.

Nghề mộc ở xã Quỳnh Hưng  (Quỳnh Lưu) tạo việc làm cho gần 600 lao động.
Nghề mộc ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) tạo việc làm cho gần 600 lao động.

Quỳnh Hưng là xã thuần nông, có đến 35% số dân theo Đạo Thiên chúa. Xã từ lâu nổi tiếng là nơi sản sinh ra những người thợ mộc lành nghề, chịu khó, với đôi tay khéo léo và khối óc sáng tạo đã làm nên những sản phẩm đồ gỗ “chinh phục” thị hiếu khách hàng xa gần. Từ những năm 1978 ở xã đã hình thành nên những ngôi làng chuyên sản xuất đồ gỗ. Đến nay, cả hai làng nghề Thuận Giang và Nam Thắng đều được đầu tư máy công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Hàng năm, làng nghề tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp địa phương thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhiều sản phẩm được khách hàng tin dùng như bàn ghế, tủ, lục bình....
Nhiều sản phẩm được khách hàng tin dùng như bàn ghế, tủ, lục bình....

Đến thăm Làng nghề Thuận Giang, nơi có 181 lao động làm nghề mộc. Tại đây, với đủ lứa tuổi lao động, mỗi người chăm chỉ một việc: Người thì đục đẽo, khoan khắc; người thì chạm trổ, dùi mài... khẩn trương, nhộn nhịp. Làng nghề Thuận Giang hình thành từ lâu đời, nhưng từ năm 2005, nghề mộc ở Thuận Giang mới bắt đầu phát triển, khởi đầu bằng việc các gia đình làm nghề tìm tòi mẫu mã, điêu khắc tinh luyện để về phát triển nghề trong làng.

Họ lặn lội ra tận các tỉnh phía Bắc để tham quan, học hỏi, rồi về làng, truyền dạy cho nhau. Dần dần, những tay thợ bắt đầu tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, chất lượng gỗ tốt. Tiếng lành đồn xa, giờ đây, đồ gỗ mỹ nghệ Thuận Giang không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, bền chắc về chất liệu mà giá cả cũng rất hợp lý; liên tiếp nhận được đơn hàng khắp cả nước.

Anh Lâm Hoa, chủ cơ sở xưởng gỗ xóm Thuận Giang chia sẻ: Người thợ phải luôn trăn trở từng đường chạm trổ tinh xảo, biết sáng tạo, ứng dụng độc đáo trong các sản phẩm mỹ nghệ, như thế mới giữ được chữ tín và níu chân khách hàng lâu dài. Nghề mộc phát triển, thu hút được đông đảo khách hàng đến tham quan và mua sắm, người dân có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Đồng thời giúp cho chị em trong xã và một số lượng lớn lao động là thanh niên làm thợ điêu khắc; giảm bớt nỗi lo mất trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.

Còn chị Tô Ngọc, làng nghề Nam Thắng, trải lòng: Nghề mộc thật sự giúp chị em trong xã góp phần nâng cao cuộc sống gia đình, có điều kiện chăm lo con cái ăn học. So với sản xuất nông nghiệp, thu nhập gần 5 triệu đồng/ tháng/ người từ nghề mộc là rất khá.

Thợ tiện thu nhập 5- 7 triệu đồng/ tháng.
Thợ tiện thu nhập 5- 7 triệu đồng/ tháng.

Đồng chí Phạm Trung Thiên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết: “Doanh thu từ nghề mộc mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Tạo việc làm cho gần 600 lao động tại chỗ. Đây là một nghề đem lại thu nhập kinh tế khá ổn định cho các gia đình, mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống, đưa tổng thu nhập bình quân đầu người của xã Quỳnh Hưng lên 29 triệu đồng/năm. Xã cũng đã quy hoạch khu sản xuất làng nghề ra xa khu dân cư; vùng sản xuất đã quy hoạch thuộc xóm 1, như thế để các xưởng mộc an tâm phát triển nghề, sản xuất thêm nhiều mặt hàng cao cấp và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.

An Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Danh thơm nghề mộc Quỳnh Hưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO