Đảo chiều những toan tính chiến lược ở Idlib (Syria)?

Hồng Anh 24/02/2020 07:08

Giữa lúc chiến sự Idlib leo thang, người Kurd trở thành một nhân tố chính trong tính toán của cả Nga và Mỹ để thay đổi động thái của Ankara.

Chiến sự leo thang đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị chao đảo giữa cảnh báo cứng rắn của Nga và sự hối thúc hành động từ Mỹ trong bối cảnh nước này duy trì sức ép buộc quân đội Syria rút lui khỏi các địa điểm trong khu vực giảm xung đột ở Idlib. Giữa lúc bế tắc, người Kurd tại Syria đang trở thành một nhân tố chính trong tính toán của cả Nga và Mỹ để thay đổi động thái của Ankara.

Quân đội Syria tấn công nhóm phiến quân tại Idlib. Ảnh: AMN.

“Quân bài” mặc cả

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang xem xét các lựa chọn để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch quân sự tại Idlib. Trong một động thái làm hài lòng Ankara, Washington đã cảnh báo người Kurd tránh xa cuộc xung đột. Về phần mình Nga dường như đang muốn kéo người Kurd can dự vào cuộc xung đột, dù khá kín tiếng vào thời điểm này, theo một cách thức vượt ra ngoài việc khôi phục đối thoại giữa người Kurd và Damascus.

Thời gian gần đây, người Kurd lo ngại rằng, Nga, trong một nỗ lực nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Syria có thể cho phép Ankara kiểm soát thành phố Kobani của người Kurd nằm ở khu vực biên giới để đổi lấy sự nhượng bộ của nước này tại Idlib. Lo ngại này không phải là không có căn cứ, xét đến quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Moscow và Ankara trên chiến trường Syria thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến đảo chiều, khi quan hệ Nga-Thổ bị rạn nứt sau vụ tấn công khiến nhiều binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng hồi đầu tháng 2, người Kurd cảm thấy rằng Nga có thể mở cánh cửa cho họ ở một mức độ mà họ chưa bao giờ tưởng tượng ra.

Theo cây bút Fehim Tastekin của tờTurkey Pulse, lập trường của người Kurd có thể được tóm tắt như sau: muốn duy trì quan hệ đối tác với Mỹ, tiếp tục coi sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa chính và trong khi xem Nga là bên bảo đảm các cuộc đàm phán với chính quyền Damascus. Người Kurd vẫn luôn nhớ rằng các lợi ích chiến lược của Nga có thể khiến họ thích nghi với Thổ Nhĩ Kỳ như những gì đã xảy ra năm 2018 khi mà họ chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản Afrin.

Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên trong cách tiếp cận của người Kurd đã thay đổi kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ở đông bắc Syria vào tháng 10/2019. Quan điểm cho rằng chính phủ Syria mới là lực lượng chính giúp giải quyết vấn đề người Kurd đã trở thành một lựa chọn mang tính chiến lược chung cho chính quyền tự trị do người Kurd lãnh đạo ở phía bắc và phía đông Syria. Vào cuối tháng 12/2019, phía Nga có cuộc gặp với các đại diện người Kurd tại căn cứ không quân Khmeimim, sau đó Moscow đã thu xếp một cuộc đối thoại giữa các đại diện của chính phủ Syria và người Kurd tại Damascus. Cuộc đối thoại đã dẫn đến thỏa thuận thành lập các ủy ban chung với tầm nhìn tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với trong tương lai.

Thay đổi chiến lược của người Kurd

Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib đã dẫn đến nhiều thay đổi trong lựa chọn chiến thuật của người Kurd. Tờ Al-Monitor dẫn một số nguồn tin cho biết, người Kurd đang hợp tác với quân đội Syria thực hiện một số hoạt động tại tỉnh Aleppo, tây bắc Syria, cụ thể là các khu vực dọc theo ranh giới với Afrin. Việc mở rộng cuộc tấn công của quân đội Syria theo hướng Afrin có thể bao gồm cả sự tham gia của người Kurd.

Hai mặt trận tiềm năng khác đang nổi lên ở thời điểm hiện tại là Tel Rifaat, nơi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã triển khai sau khi rút khỏi Afrin vào năm 2018 và Manbij – nơi quân đội Nga và Syria đang tiếp quản kể từ sau khi Mỹ rút quân. Trong khi đó, phía đông sông Euphrates nơi đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của nước này là nhóm phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) kiểm soát cùng các khu vực gần đó là Tel Tamer và Ain Issa nằm trên đường cao tốc M4 nối Latakia và Aleppo cũng được coi là những khu vực chủ chốt nơi giao tranh có thể diễn ra. Trên thực tế, tại các địa điểm này vẫn xuất hiện những cuộc xung đột lẻ tẻ, nhưng nằm trong tầm kiểm soát. Dẫu vậy, trong trường hợp giao tranh bùng nổ giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, chúng có thể trở thành “chiến trường đỏ lửa”.

Dù các cuộc tuần tra chung Nga-Thổ dọc biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria đã được nối lại sau khi bị tạm hoãn do vụ tấn công khiến một số binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idlib đầu tháng 2, nhưng thỏa thuận mà 2 nước đạt được tại Sochi đang có nguy cơ sụp đổ. Điều này đồng nghĩa với việc Nga - bên bảo trợ cho lệnh ngừng bắn sẽ không còn hành động để kiềm chân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và quân đội Syria trong khu vực.

Không thể bỏ qua nhân tố Mỹ

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhận định này có vẻ hơi sớm vào thời điểm hiện tại, bởi cần phải nhắc đến một nhân tố khác là Mỹ. Mỹ đã cảnh báo người Kurd rằng họ sẽ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ nước này nếu chiến đấu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. “Một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh, YPG được thông báo một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ không lựa chọn họ thay vì Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột”, nhà báo Murat Yetkin của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 18/2.

Theo nhà báo này, chiến dịch Mùa Xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2019 dường như đã hoàn thành 2 mục tiêu gồm thiết lập sự hiện diện quân sự của nước này ở đông bắc Syria và chứng minh rằng Mỹ sẽ không đứng ra bảo vệ người Kurd.

Liên quan đến tình hình Idlib, nhà báo Yetkin cho biết, các lực lượng Mỹ sẽ không can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Idlib nhưng họ sẽ hỗ trợ Ankara trên nhiều lĩnh vực từ cung cấp thông tin tình báo đến các trang thiết bị đặc biệt khi nước này cần.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ triển khai hai khẩu đội phòng thủ tên lửa Patriot tới biên giới phía Nam nước này để tiện trừng phạt bất cứ cuộc tấn công nào của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn trong tương lai. Tờ Al-Monitor dẫn một số nguồn tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng điều động tới 45.000 binh sỹ tới khu vực trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi “cả Nga lẫn Syria đều không có khả năng thực hiện điều này”.

Bài học nhãn tiền

Có thể nói tình hình tại Idlib hiện nay đang diễn biến rất phức tạp nơi mà hợp tác, mâu thuẫn và xung đột giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, giữa Nga và Mỹ tồn tại song hành. Tuy nhiên, vai trò của Nga với tư cách là trung gian hòa giải và bảo đảm cho các cuộc đàm phán, đã trở nên lớn hơn (đối với người Kurd) sau khi Mỹ thể hiện sự ủng hộ Chiến dịch Mùa xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn nữa, rạn nứt sâu sắc giữa Moscow và Ankara đồng nghĩa với việc Nga sẽ để mắt nhiều hơn đến sự hợp tác với người Kurd và điều đó có thể mang đến một giải pháp có lợi cho người Kurd. Căng thẳng leo thang ở Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phát triển “theo kịch bản tồi tệ nhất”, ông Elena Suponina, chuyên gia về Trung Đông, nói với hãng tin Bloomberg. Theo chuyên gia này, bằng cách yểm trợ trên không cho quân đội Syria, Nga đã chứng minh họ sẵn sàng đáp trả gay gắt nếu Thổ Nhĩ Kỳ không kiềm chế.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về triển vọng hợp tác giữa Nga với người Kurd, bởi không loại trừ khả năng Nga không muốn dấn thân vào một cuộc đối đầu toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ vì quan hệ Nga-Thổ có “tầm quan trọng chiến lược” và gắn chặt với lợi ích của mỗi bên. Thêm vào đó, Nga cũng đã chứng kiến bài học nhãn tiền từ Mỹ. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ - quốc gia bắt tay với hai đối thủ không đội trời chung là Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã khiến Washington cùng lúc mất đi hai đồng minh quan trọng và sớm đánh mất ảnh hưởng của nước này tại Syria./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Đảo chiều những toan tính chiến lược ở Idlib (Syria)?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO