Đảo chính ở Thái Lan: Hai đánh một, ai chột ai què?

(Baonghean) - Thứ 6 ngày 30 tháng 5, người đứng đầu chính quyền quân sự đang nắm quyền tại Thái Lan, tướng Prayut Chan-O-Cha đã thông báo một "lịch trình kéo dài 1 năm 3 tháng để tiến đến bầu cử". Điều này đồng nghĩa với việc bầu cử dân chủ sẽ không diễn ra ở Thái Lan trong vòng 1 năm tới, một thông tin "buồn" cho phe sơmi đỏ ủng hộ Thaksin cũng như các quốc gia phương Tây không ngừng lên tiếng thúc giục Thái Lan nhanh chóng tái thiết lại nền dân chủ.

"Lộ trình" của chính quyền quân sự bao gồm giai đoạn đầu tiên - "hoà giải" quốc gia trong vòng 2 hoặc 3 tháng. Sau đó, giai đoạn thứ 2: cải cách, với một chính quyền nắm quyền được chỉ định chứ không qua bầu cử. Cuối cùng là giai đoạn 3: bầu cử quốc gia. Kế hoạch này rất giống với ý đồ của phe đối lập chính quyền vừa bị lật đổ. Vậy là sau 7 tháng biểu tình, phe đối lập đã thành công trong việc lôi kéo quân đội can thiệp và đi những nước cờ cuối của cuộc đảo chính.
Tướng Prayut Chan-O-Cha, người đứng đầu chính quyền quân sự tại Thái Lan hiện nay.
Tướng Prayut Chan-O-Cha, người đứng đầu chính quyền quân sự tại Thái Lan hiện nay.
Trước đó vài ngày, liên minh châu Âu - đối tác thương mại quan trọng của Thái Lan đã gây sức ép lên chính quyền quân sự nắm quyền bằng tuyên bố, một "kế hoạch tái thiết chế độ dân chủ chi tiết và cụ thể" mới có thể đảm bảo được sự "tiếp tục hỗ trợ" của liên minh châu Âu, trong đó có nhắc đến việc triệu tập các nhân vật chính trị và hàn lâm. Tuy nhiên nếu tổ chức bầu cử thì chắc chắn phe sơmi đỏ sẽ được lợi, đồng nghĩa với việc cựu thủ tướng vừa bị bãi nhiệm Yingluck Shinawatra được lợi. "Trừ khi bắt giam hết 16 triệu cử tri đảng Thaksin, chính quyền quân sự sẽ không có cách nào thắng thế trong một cuộc bầu cử dân chủ dù là trong tương lai gần hay xa hơn một chút", bà Eugenie Merieau - chuyên gia nghiên cứu chính trị Thái Lan và giảng viên tại Trường Khoa học chính trị Paris nhận định.
Tuy nhiên, theo nhiều quan sát thì các động thái can thiệp của quân đội trong lần đảo chính này quyết liệt hơn cuộc đảo chính năm 2006 đã lật đổ Thaksin Shinawatra rất nhiều. Bằng chứng là việc xét xử các nhân vật bị bắt giữ trong cuộc đảo chính trước diễn ra tại toà án dân sự, còn lần này, các tội danh được xác lập là "tội ác chống lại an ninh quốc gia", được xét xử tại toàn án quân sự, chủ toà được tướng Prayut - một nhân vật siêu bảo hoàng - chỉ định, các bị cáo không có luật sư. Dưới góc nhìn quốc tế thì các phiên toà xét xử nhân danh bảo vệ chế độ quân chủ này thực chất là một cuộc thanh trừng những người sơmi đỏ, bất kể vai vế của họ trong phong trào phản kháng đảo chính cao thấp thế nào.
Nhưng kể cả thế đi chăng nữa thì rõ ràng phe đảo chính cũng đang bế tắc trong việc giành được lợi thế trong bầu cử. Hiện mục tiêu của sơmi vàng là kiểm soát Quốc hội, thay đổi điều kiện, cách thức bầu cử, nhưng theo bà Eugenie thì dù làm mọi cách, cũng không thay đổi được sức nặng của 16 triệu lá phiếu ủng hộ Thaksin. Đó là lý do vì sao tướng Prayut đưa ra lộ trình trì hoãn việc bầu cử và tái thiết lại nền dân chủ.
Nhìn lại lịch sử Thái Lan, có thể thấy đảo chính là "truyền thống" của quốc gia này. Kể từ cuộc đảo chính đầu tiên vào năm 1932 bởi tướng Phibun Songkhram lật đổ chính quyền quân chủ tuyệt đối, đến nay đã có tổng cộng 19 cuộc đảo chính với 12 cuộc thành công, tính cả cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 vừa qua. Sau thế chiến thứ 2, Thái Lan liên tiếp diễn ra đảo chính, tất cả đều có sự can thiệp của quân đội và các tướng chỉ huy đảo chính sau đó đều trở thành độc tài. Đặc biệt, năm 1973 và 1976, quân đội đã nổ súng tàn sát người biểu tình ủng hộ dân chủ. Sau sự kiện đẫm máu đó, quân đội tuyên bố vai trò của mình là bảo trợ cho chế độ quân chủ. Quân đội đã dọn đường cho vua Bhumibol Adulyadej có một vai trò chính trị to lớn và trở thành nhân tố "cân bằng" của xã hội Thái Lan, một mô hình khiến người ta liên tưởng đến đạo Bà La Môn. Mãi cho đến cách mạng dân chủ năm 1992, người đứng đầu nhà nước mới Wimol Wongwanich tuyên bố quân đội không được can thiệp vào chính trị.
Năm 2001, Thaksin Shinawatra lên nắm quyền, với tham vọng bị cho là "muốn làm vua" đã khiến "con sư tử đang ngủ say" nổi giận. Năm 2006, Thaksin bị lật đổ, nhưng quân đội phải thừa nhận là đã sai lầm trong việc giải quyết "hậu - Thaksin", không những không giải quyết triệt để được "mối hoạ" mà còn khiến cho phong trào sơmi đỏ ủng hộ Thaksin ngày càng mạnh mẽ. Vậy là quân đội bảo hoàng không những thất bại trong việc xây dựng hình tượng gắn kết xã hội của nhà vua mà còn trực tiếp biến Thaksin thành tác nhân chia rẽ xã hội Thái Lan. Từ đây xã hội phân chia làm 2 phe sơmi đỏ ủng hộ Thaksin và sơmi vàng của phái bảo hoàng. Mâu thuẫn này không dịu đi sau khi em gái Thaksin lên nắm quyền mà càng ngày càng gay gắt hơn. Như vậy, cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 vừa qua là sự bùng nổ của cuộc đấu tranh giữa 2 bộ phận của xã hội Thái Lan, nối dài từ vết rạn nứt năm 2006 mà Thaksin được xem là nguyên nhân, hay đúng hơn là cái cớ.
Quay trở lại với cục diện hiện tại, rõ ràng quân đội đã thất bại trong việc tạo dựng hình ảnh trung lập giữa cuộc chiến đỏ - vàng. Mặc dù quân đội đã bắt giữ đồng thời người đứng đầu của 2 phái, Suthep Thaugsuban và Jatuporn Prompan nhưng với lộ trình tuyên bố ngày 30 tháng 5 về một cuộc bầu cử bị trì hoãn và một vị tướng siêu bảo hoàng như Prayut nắm quyền thì có thể thấy sơmi vàng đứng sau giật dây cho màn kịch này. Việc phát hiện ra những kho giấu vũ khí của phe sơmi đỏ ở Isan, Đông Bắc Thái Lan gây nghi ngại về bùng phát bạo lực giữa 2 phe. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Eugenie thì Thaksin không muốn nội chiến, nên tất cả tuỳ thuộc vào khả năng vận động phong trào độc lập khỏi sự chỉ đạo của Thaksin. Trong đó, những thành phần sơmi đỏ cao tuổi đã từng bị quân đội truy đuổi vào những năm 70, phải lẩn trốn trong những trại du kích trong rừng nên việc phải cầm vũ khí lên và tàn sát là một ý tưởng khiến họ ghê sợ. Tuy nhiên, với các sơmi đỏ trẻ tuổi không sống qua những năm tháng cũ, chủ yếu ở phía Đông và Đông Bắc Thái Lan, thì một cuộc nội loạn có vũ trang có thể là một ý tưởng có sức hấp dẫn không nhỏ.
Một khả năng khác không thể không nghĩ đến, tướng Prayut có thể là một nhân tố bí ẩn cần phải dè chừng. Một vị tướng siêu bảo hoàng với tuyên bố muốn về hưu mà nay lại đứng ra nắm quyền, có vẻ như ông ta đang đứng về phía sơmi vàng nhưng liệu sao có đổi ngôi? Nếu như quân đội chỉ là công cụ mà sơmi vàng muốn lợi dụng sức mạnh vũ lực để lật đổ chính quyền thì bây giờ, chính sơmi vàng có lẽ cũng phải dè chừng "con sư tử thức giấc" này. Vậy là có tới 3 thế lực tranh giành quyền lực nhưng xã hội Thái Lan thì chỉ chia thành 2 phe: ủng hộ Thaksin và ủng hộ đảo chính. Có nghĩa là quân đội hoàn toàn có thể đổi vị trí của mình, hoặc - khó nhưng chưa hẳn là không thể - dẹp bỏ cả hai phe phái kia và một mình thâu tóm quyền lực. Điểm yếu và điểm mạnh trọng yếu của quân đội là chế độ quân chủ: còn quân chủ thì còn quân đội, còn quân đội thì còn quân chủ. Có khi nào ở Thái Lan sẽ diễn ra một cuộc cải cách chính trị toàn diện, nếu không, chia rẽ sâu sắc trong xã hội sẽ là tiền đề tất yếu cho những cuộc khủng hoảng như thế này về sau.
Nấm Linh Chi

tin mới

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

(Baonghean.vn) - Theo Forbes, bom lượn KAB đã trở thành "vũ khí thần kỳ" thực sự của Nga. Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine phàn nàn rằng, họ không có biện pháp nào đối phó. Có thể máy bay chiến đấu F-16 sẽ hỗ trợ Kiev, nhưng phải chờ đợi cho đến khi chúng xuất hiện đủ số lượng.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

(Baonghean.vn) - “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh” - lời khẳng định này của thư ký báo chí Tổng thống Nga, Dmitry Peskov gần như được hiểu là một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Điện Kremlin, không phải chỉ đánh giá xung đột ở Ukraine, mà cả tình hình ở Nga nói chung.

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh xung đột hiện nay, nếu 2.000 binh lính Pháp được cử đến Ukraine, sẽ chỉ như “một giọt nước trong đại dương”. Hơn nữa, nếu thực sự phương Tây nỗ lực muốn xoay chuyển tình hình, thì họ liệu có tuyên bố công khai và tích cực về việc gửi quân tới Ukraine như vậy?

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

(Baonghean.vn) - Vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall vùng ngoại ô Moskva tối 22/3 trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Liên quan vụ việc, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nêu quan điểm trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế hôm nay có những thông tin sau: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở Nga đều là người nước ngoài; Ukraine tập kích loạt tên lửa vào Crimea; Mỹ thông qua dự luật 1,2 nghìn tỷ USD ngăn chính phủ đóng cửa; Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

(Baonghean.vn) - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Đại tá đã nghỉ hưu Douglas McGregor cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây - CIA và MI6, có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại khu phức hợp Crocus ở ngoại ô Moskva, và những kẻ tấn công liên quan đến các phần tử chiến đấu ở phía Ukraine.

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

(Baonghean.vn) - Châu Âu như được thức tỉnh, sau một thời gian lơ là đầu tư phát triển quốc phòng, và bị phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ. EU cố gắng chuẩn bị cho một tương lai, trong đó Tổng thống Putin, và rất có thể là ông Donald Trump sẽ đóng vai trò quan trọng. 

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

(Baonghean.vn) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, viện trợ đường bộ thông qua các cửa khẩu là biện pháp tốt nhất để có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại Gaza.