Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Uẩn khúc sau cái tên Gulen

25/07/2016 22:24

(Baonghean.vn) - Theo tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đằng sau “giật dây” cuộc đảo chính ngày 15/7 là giáo sỹ người Thổ Nhĩ Kỳ đang định cư ở Mỹ, ông Fethullah Gulen. Ankara đã gửi hồ sơ đề nghị Chính phủ Mỹ dẫn độ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Reuters
Giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Reuters

Biết được tin này, Fethullah Gulen đã phủ nhận sự dính líu của ông cũng như "Phong trào Gulen" tới cuộc đảo chính, còn phía Mỹ đang nghiên cứu hồ sơ do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới.

Tuy nhiên sự việc có thể diễn biến phức tạp hơn khi có những ý kiến cho rằng Gulen không đơn giản là một nhà hoạt động độc lập trong tư tưởng đối lập chính quyền của mình. Ông Lawrence Wilkerson, cựu Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ thời Ngoại trưởng Colin Powell, còn mạnh bạo đưa ra nghi vấn về mối quan hệ giữa Gulen với đương kim Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan.

Xuất thân của Fethullah Gulen

Fethullah Gulen là một nhà thuyết giáo nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thời hoàng kim nhất của giáo sỹ Fethullah Gulen là năm 1977, giáo trường của ông ở Istanbul từng được đón tiếp Thủ tướng Suleyman Demirel và Bộ trưởng Ngoại giao Ihsan Chalangil.

Năm 1978, đích thân tổng thống tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Turgut Ozal, đến nghe Fethullah Gulen thuyết giáo ở thành phố Izmir. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Fethullah Gulen tạm thời rời bỏ công việc thuyết giáo trong 6 năm. Năm 1986, Fethullah Gulen bị bắt về tội vi phạm lệnh cấm đi ra ngoài khi ông đến viếng Thánh địa Meka.

Năm 1999, bị buộc tội “kêu gọi thiết lập chế độ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ” và bị truy sát, Fethullah Gulen sang Mỹ tị nạn. Để được cư trú chính trị và định cư ở Mỹ, Fethullah Gulen nhận được sự bảo lãnh của nhiều quan chức Mỹ, trong số đó đáng chú ý có 3 cái tên là George Phidias, Morton Abramovitz-nguyên Đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Graham Fuller.

George Phidias từng phục vụ 31 năm trong CIA, từng giữ chức Phó Giám đốc CIA. Sau khi rời khỏi CIA, ông chuyển sang làm việc tại Trường tình báo quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Morton Abramovitz cũng có mối quan hệ gắn bó với CIA. Năm 1989, Tổng thống Mỹ W.H.Bush bổ nhiệm Morton Abramovitz làm Đại sứ của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Graham Fuller cũng là nhân viên của CIA. Từ những năm 1980, ông đã từng tham gia chiến dịch tổ chức các lực lượng khủng bố chống lại Quân đội Liên Xô ở Afghanistan.

Năm 1986, Graham Fuller được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia trực thuộc CIA. Năm 1988, khi chiến tranh ở Afghanistan kết thúc, Graham Fuller ra khỏi CIA và chuyển sang hoạt động trong Công ty RAND - có quan hệ gắn bó với Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA, Cục điều tra liên bang Mỹ, Văn phòng tổng thống và Lầu Năm Góc.

Phong trào Gulen là gì?

Theo thông tin chính thức chúng ta được biết, "Phong trào Gulen” là do Fethullah Gulen thành lập, và nó còn được gọi theo một cái tên khác là “Đế chế Gulen”. Theo ước tính của các cơ quan điều tra ở Mỹ, tài sản của “Đế chế Gulen” vào khoảng 50 tỷ USD. Hiện nay số lượng các dự án do "Phong trào Gulen" tài trợ đã lên tới con số hàng ngàn, trong đó có trên 2.000 trường học, 7 trường Đại học ở 9 nước trên 5 châu lục và 2 bệnh viện hiện đại.

Người dân đứng chắn trước xe tăng của quân đảo chính. Ảnh: AP
Người dân đứng chắn trước xe tăng của quân đảo chính. Ảnh: AP

Phong trào Gulen đã xây dựng mạng lưới các trường học Hồi giáo, xí nghiệp thương mại, ngân hàng và các loại quỹ được tài trợ từ vô số nguồn tài chính khác nhau trên khắp thế giới không ai có thể kiểm soát được. Fethullah Gulen từng tuyên bố: "Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng và phát triển thế giới quan Hồi giáo".

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Phong trào Gulen còn được gọi là “Hizmet”, có mạng lưới hoạt động gồm 85.000 nhà thờ, hơn 90.000 giáo sỹ hoạt động, hàng ngàn trường trung học của người Hồi giáo và khoảng 4.000 chương trình chính thức của nhà nước giảng dạy về kinh Koran.

Phong trào Gulen ở Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng rất lớn và xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, lập pháp, an ninh, quân sự, văn hóa, giáo dục, y tế. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi tổ chức này là “Nhà nước song song”, ý nói phong trào chính trị này có ảnh hưởng ghê gớm đến nền chính trị, an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nối tiếng là một nhà lãnh đạo cứng rắn và nắm chắc quyền lực - kể cả đối với phe quân đội, không khó hiểu khi ông Erdogan mạnh tay "thay máu" hệ thống chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, y tế sau cuộc đảo chính bất thành. Dù đứng sau lưng cuộc đảo chính là thế lực nào thì chắc chắc một điều: sự kiện này đã vô tình tạo cho ông Erdogan cơ hội quá thuận lợi để nhổ bỏ "cái gai trong mắt".

Hiện Mỹ vẫn chưa lên tiếng đáp trả yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Gulen về nước. Mọi động thái lúc này hướng về Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc Mỹ phải thể hiện rõ quan điểm, lựa chọn của mình. Sau tất cả, có thể giáo sỹ Gulen cũng chỉ là một con tốt nhỏ bé trên bàn cờ mà thôi?

Đại tá Lê Thế Mẫu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Uẩn khúc sau cái tên Gulen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO