Đạo diễn Anh Tú:"Từng có ý định bỏ nghề nhưng nghề đã không bỏ tôi"

02/01/2015 12:27

Hình dung về Anh Tú - người nghệ sỹ tài hoa của làng kịch nghệ Hà thành, tôi vẫn nghĩ về chân dung một tín đồ mộ đạo. Gặp anh những ngày này, giữa bộn bề nỗi lo khi khép lại năm cũ để mở ra một chặng đường mới, sau “tiếng thở phào” nhẹ nhõm lại thấy anh như cố nén “tiếng thở dài” đầy ưu tư…

Nghệ sỹ Anh Tú cùng người bạn diễn-nghệ sỹ Lê Khanh ở một cảnh trong vở kịch
Nghệ sỹ Anh Tú cùng người bạn diễn-nghệ sỹ Lê Khanh ở một cảnh trong vở kịch "Rừng trúc" (Ảnh: NVCC)

“Tổ nghề đã không từ chối tôi”

Anh Tú “thở phào” bởi ngoảnh đầu nhìn lại, một năm qua, sân khấu đã đỏ đèn nhiều hơn, khán giả đến rạp đông hơn và làng kịch Bắc cũng có nhiều vở diễn ấn tượng hơn ("Bệnh sỹ,” “Vòng phấn Kavkaz,” “Những người con Hà Nội”…).

Những đêm công diễn các vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ hầu như không còn ghế trống. Bên cạnh những vở chính kịch, sân khấu Hà Nội cũng rộn rã các chương trình hài và vở diễn dành cho thiếu nhi.

“Dù đó chưa phải là những vở diễn thực sự tầm vóc, tạo nên ‘mốc son’ như một số tác phẩm ở thời kỳ đỉnh cao của sân khấu Hà Nội vài ba thập niên trước nhưng cũng là những tín hiệu cho thấy sân khấu dần thoát khỏi tình trạng ủ ê. Người nghệ sỹ được làm nghề, sống bằng nghề nhiều hơn,” người nghệ sỹ ấy trải lòng.

Với Anh Tú, sân khấu vẫn luôn là một… thánh đường. Ở đó, những nghệ sỹ như anh được định danh là tín đồ với đức tin vào sự nhiệm màu, đến để trải lòng và khám phá bản thân.

“Tôi đã từng có ý định bỏ nghề nhưng nghề đã không bỏ tôi. Chẳng những thế, ‘Tổ nghề’ còn bao dung, mang cho tôi nhiều ưu đãi,” Anh Tú bộc bạch. Vị đắng do mình tạo ra đã giúp anh thấm thía nhiều bài học.

Mới đó mà đã gần bốn thập kỷ, anh và những đồng nghiệp cùng thế hệ (như Lê Khanh, Chí Trung, Lan Hương, Đức Hải…) gắn bó với ánh đèn sân khấu, làm nên một cột mốc mà lịch sử kịch nói sẽ còn mãi nhắc nhớ. Hiện giờ, mỗi người đều có “sân chơi” riêng, định vị mình bằng những dấu ấn khác biệt trong đời sống nghệ thuật.

Nếu như Lan Hương say sưa với kịch hình thể thì Đức Hải cho thấy sức bền của một danh hài hóm hỉnh… Còn Anh Tú, sau những ngã rẽ, lối vòng, anh trở về, phát huy tối đa nội lực ở những vở chính kịch nhiều tầng cảm xúc.

Từ sân khấu chính thống mang đậm tính hàn lâm, Anh Tú từng “rút một chân” ra để lấn bước sang kinh doanh. Đó là thời điểm giữa những 90 của thế kỷ trước. Thế nhưng, sự đa cảm nghệ sỹ trong anh không phù hợp với công việc luôn đòi hỏi sự tỉnh táo của lý trí này. Việc kinh doanh nhanh chóng… đổ bể.

Khi thất bại, sân khấu lại chính là nơi đón anh về, giúp anh thăng hoa với những vai diễn tầm cỡ.

Khán giả ái mộ loại hình nghệ thuật này hẳn chưa quên hình ảnh Lý Chiêu Hoàng-Trần Cảnh trên sân khấu những năm cuối thập kỷ 90 trong vở kịch “Rừng trúc.” Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai dòng họ Lý-Trần đã được chừng 10 năm.

Giữa những biến động lịch sử dữ dội, người ta thấy, bên cạnh một Lý Chiêu Hoàng quyết liệt mà đằm thắm (được Lê Khanh hóa thân đầy thuyết phục) là một Trần Cảnh với những hoang mang, giằng xé nội tâm cực độ (do Anh Tú thể hiện một cách đầy ám ảnh).

Cùng với đó, giới làm nghề cũng tin rằng, khó có ai thay thế được Anh Tú trong những vai diễn có chiều sâu tính cách, thể hiện xung đột tâm lý dữ dội như vai Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. “Vai diễn ấy như được ‘đo ni đóng giày’ cho Anh Tú,” vị đạo diễn gạo cội - nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành chia sẻ.

Cái danh, cái tình trong cuộc đời này đều do sân khấu mang lại cho anh. Cũng bởi lẽ ấy mà giữa bối cảnh sân khấu phía Bắc suốt thời gian dài ở trạng thái “ngủ gật,” thi thoảng có một cú hích, một cái “giật tóc” cho tỉnh (nhưng chưa thực sự đủ mạnh), anh vẫn vững vàng xác tín riêng.

“Với tôi, việc gắn bó với ánh đèn sân khấu không chỉ là một nghề mà nó là cái nghiệp,” Anh Tú trải lòng.

Nghệ sỹ Anh Tú giản dị giữa đời thường (Ảnh: NVCC)
Nghệ sỹ Anh Tú giản dị giữa đời thường (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ… mô phạm

Từ tâm niệm ấy, Anh Tú cần mẫn trong vai trò người truyền “lửa.” Bước qua những sóng gió, trải nghiệm những va đập của cả đời sống và nghệ thuật, anh mải miết với những sáng tạo mới, chăm chút cho những vở diễn với vai trò của một đạo diễn.

Nếu có dịp xem Anh Tú “thị phạm” diễn viên trẻ, người ta rất dễ nghĩ là anh con người cứng nhắc, thậm chí là độc đoán. Anh cầu toàn đến từng chi tiết nhỏ. Một ánh mắt thiếu biểu cảm, một cái vung tay thừa thãi hay bất cứ một sự “chệch hướng” nào so với kế hoạch ban đầu… cũng có thể làm anh nổi giận đùng đùng.

Hỏi rằng, anh không sợ vẻ gay gắt đó sẽ chặn đứng sự sáng tạo riêng của diễn viên, Anh Tú chỉ bảo, anh luôn có những nguyên tắc làm việc của riêng mình theo kiểu: đã có “người nói” thì phải có “người nghe.” Anh sẵn sàng là “người nghe” thu nhận những sẻ chia và trao đổi của diễn viên, học trò ở những phút “trà dư tửu hậu.”

Từ thực tế làm nghề của mình, Anh Tú thấm thía giá trị của sự khổ luyện. “Nghệ thuật đích thực không chấp nhận sự dễ dãi - dù là nhỏ nhất,” tín đồ mộ đạo ấy tâm niệm.

Và cũng từ thực tế làm nghề ấy, anh như nén một tiếng… thở dài khi nghệ sỹ và công chúng vẫn gặp nhau ở những sàn diễn, rạp hát cũ kỹ. Cộng với đó là nỗi trăn trở về đội ngũ nghệ sỹ trẻ đủ kiên trì, nhiệt huyết bám trụ với nghề ngày một thưa vắng.

Người viết bỗng có cảm giác anh giống một thầy giáo nghiêm khắc, một người dẫn đường tận tụy, hơn là một nghệ sỹ với những “bốc đồng,” “nổi loạn” thường thấy...

Trước sự tò mò “Anh Tú không sợ ‘nhạt’ ư?” (khi mang danh một nghệ sỹ mà anh lại chẳng khoác cho mình những bộ trang phục lộng lẫy hay kỳ quái, cũng chẳng thu hút người xung quanh bằng những phát ngôn mang vẻ ‘xù xì’...), anh chỉ bảo: đơn giản thôi - chúng không phải mình và cũng chẳng hợp với mình!

Anh mang đến cho người đối diện cảm giác tin cậy và ân cần, chu đáo qua chất giọng ấm áp và ánh nhìn thẳm sâu./.

Theo Vietnamplus

Mới nhất
x
Đạo diễn Anh Tú:"Từng có ý định bỏ nghề nhưng nghề đã không bỏ tôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO