Chiều 12/7, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, 22 đại biểu thuộc các đơn vị bầu cử: TP. Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa và các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn tiến hành phiên thảo luận tại Tổ 1.
Dự phiên thảo luận có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử TP. Vinh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh; cùng đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, một số sở, ngành, địa phương.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 - Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Duy |
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm như: kết quả tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, đặc biệt là thu hút đầu tư đạt được trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu cũng nêu lên nhiều kiến nghị, giải pháp xuất phát từ tình hình thực tiễn nhằm thúc đẩy kết quả thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nguyễn Thị Kim Chi - Tổ đại biểu thị xã Cửa Lò cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước nếu phát hiện ra sai phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại thảo luận Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
Dẫn thực tế thời gian qua một số cán bộ, đảng viên, chuyên viên, nhân viên bị khởi tố, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi nói rằng, đây là điều đáng buồn nhưng rất cần thiết vì trong thực tế, dù không phải tất cả nhưng vẫn còn những cơ quan chưa thể hiện được sự tương tác, phối hợp; điều đó khiến cho hệ thống khi thực hiện nhiệm vụ chung, công việc chung bị chậm trễ.
Nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn nhận, đạo đức công vụ qua thước đo hài lòng, chỉ số, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đại biểu đơn vị thị xã Cửa Lò nêu quan điểm: Chính chúng ta phải thay đổi chúng ta và chúng ta phải tự xem lại mình. Nếu những vụ việc xử lý vừa qua chưa đủ sức răn đe thì thời gian tới phải tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa.
Có như vậy, thì với những cơ chế, chính sách của Trung ương, Chính phủ dành cho tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mới có thể có được bước đi và đạt được những kết quả tốt hơn thời gian tới, đáp ứng được sự trông chờ của người dân, sự mong muốn của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi tham gia thảo luận tại tổ 1. Clip: Thành Cường |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cũng nêu ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định 06/2018 của Chính và Thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ; dự thảo Nghị quyết về việc tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, đối với dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, đại biểu nhận định đây là nghị quyết vô cùng cần thiết, mong muốn đại biểu đồng thuận để thông qua Kỳ họp này. Nếu nghị quyết được ban hành, đại biểu cũng nhấn mạnh điều rất quan trọng là 3 sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính tích cực làm việc với các địa phương để dành biên chế hàng năm cho đối tượng này, để đến năm 2025 cùng với nhiều giải pháp khác, các giáo viên này được tuyển dụng vào viên chức.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về việc tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng còn hơi chung chung, trong khi đây là nhu cầu rất bức thiết. Theo đó, đại biểu đề nghị cần có quyết sách mạnh mẽ hơn, như: cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn, việc làm; cơ chế để giữa người lao động, doanh nghiệp bắt tay chặt chẽ đào tạo nghề có địa chỉ tuyển dụng; tránh đào tạo chung, chung dẫn đến “việc cần thì không có người, người cần thì không có việc”.
KIẾN NGHỊ 3 GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Đến từ Tổ đại biểu thị xã Thái Hòa, đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa nêu ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm còn chậm hơn so với cùng kỳ.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Thị ủy Thái Hòa phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
Theo đại biểu có 3 nguyên nhân: Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện các nội dung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 nên khối lượng công việc triển khai các dự án đầu tư công rất nhiều dẫn đến quá tải từ các địa phương đến các sở, ngành; đồng thời giá nguyên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ lập duyệt, phê duyệt các dự án, cũng như khởi công các công trình; năng lực, chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dự án chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Duy |
Theo đại biểu Phạm Tuấn Vinh thời gian tới để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công: Bên cạnh sự chủ động của các chủ đầu tư, đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư công. Liên sở: Tài chính, Xây dựng cần cập nhật thường xuyên giá nguyên vật liệu, thông báo kịp thời nhằm giúp thuận lợi hơn trong quá trình phê duyệt các dự án.
Đại biểu Phạm Tuấn Vinh tham gia thảo luận tại tổ 1. Clip: Thành Cường |
Đặc biệt, theo đại biểu Phạm Tuấn Vinh cần xây dựng bộ máy ban quản lý dự án các địa phương, ban, ngành thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề này, đại biểu đến từ Thái Hòa đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc giao tự chủ cho ban quản lý dự án các địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, đại biểu huyện Nam Đàn phát biểu thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
“Giao tự chủ về biên chế, chúng tôi rất lúng túng vì không có hướng dẫn nào cả. Mà UBND cấp huyện thì không đủ thẩm quyền để giao biên chế viên chức cho các ban quản lý dự án mà phải tỉnh giao”, đại biểu Phạm Tuấn Vinh nói và thúc giục tỉnh sớm hướng dẫn vì thực tế hiện nay mỗi huyện, địa phương đang làm một cách. Trong khi, muốn làm tốt làm công tác đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công thì bộ máy phải vững, phải yên tâm về mặt công việc.
Liên quan đến công tác, quy hoạch và triển khai các dự án đô thị trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Tuấn Vinh cho rằng, các dự án thay đổi bộ mặt đô thị, đáp ứng nhu cầu nhân dân, tuy nhiên đề nghị các bên liên quan cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các khu đô thị vì hiện còn chậm; đồng thời đại biểu cũng đề nghị cần có quan điểm dứt khoát được hay không được việc nhập thửa các lô đất ở các khu đô thị vì hiện nay có nơi được, nơi không được thực hiện.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - đại biểu TP. Vinh phát biểu tại thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Thành Cường |
Về các giải pháp trong thời gian tới, đại biểu HĐND tỉnh Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ nông dân trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng giá, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực rất quan trọng.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - đại biểu TP. Vinh cũng nêu ý kiến xung quanh việc thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái văn hóa tâm linh; dự án hỏa táng và tăng cường vai trò của các tôn giáo trong giáo dục đạo đức.
Cũng tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu cũng đề cập ý kiến về nhiều nội dung khác như: có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành Du lịch hiện nay; mất cân bằng giới tính; tạo sân chơi bổ ích, an toàn cho học sinh trong dịp hè, tránh đuối nước; đồng hành hơn nữa với cơ sở trong việc giải quyết cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập xã; xử lý xe quá khổ, quá tải; hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới cần kịp thời hơn;...
Đồng chí Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Tổ trưởng Tổ 1 kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy |
Các ý kiến thảo luận đã được đại diện các sở, ngành liên quan dự họp trả lời làm rõ. Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, Tổ trưởng Tổ 1 cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình bày tại phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 13/7.