Đào tạo nghề gắn bố trí việc làm ở Trường Trung cấp nghề Yên Thành

16/05/2017 09:19

(Baonghean) - Trường Trung cấp nghề Yên Thành tiền thân là Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề huyện Yên Thành (tiếp đó là Trường Trung cấp nghề công - nông Yên Thành), được thành lập năm 2009. Mặc dù hoạt động chưa đầy 10 năm, nhưng Trường đã khẳng định là một trong những cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh.

Thông qua đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học viên, nhà trường góp phần tích cực vào định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho các em. Thầy Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Yên Thành cho biết: Nhờ bám sát kế hoạch phân luồng ở địa phương và kiên trì theo đuổi nguyên tắc trong tuyển sinh, đào tạo nghề nên, nhà trường luôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, làm cơ sở để giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ nhà trường nhận được tín nhiệm cao trong phụ huynh cũng như các em học sinh là nhờ có sự phối hợp với các trường học và chính quyền địa phương. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch phân luồng, tùy đối tượng là học sinh THCS hoặc THPT để nhà trường có giải pháp chủ động vào cuộc tư vấn cho các em.

Lao động nữ nông thôn ở huyện Yên Thành học nghề may xuất khẩu.
Lao động nữ nông thôn ở huyện Yên Thành học nghề may xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Hải

Song song với đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng tiêu chí của một trường trung cấp nghề. Nhờ vậy, nhà trường không chỉ có cơ sở vật chất khá khang trang, khuôn viên rộng trên 2,6 ha, thiết bị nhà xưởng thực hành đầy đủ theo quy định mà có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trong đó 20 giáo viên đồng thời là kỹ sư.

Là một người gắn bó với sự nghiệp đào tạo nghề nhiều năm, thầy Trần Văn Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: điểm yếu lớn nhất của lao động Nghệ An nói chung, nhất là con em lao động nông thôn nói riêng là ý thức kỷ luật lao động chưa cao. Học viên học nghề là làm thợ nên ngoài yêu cầu về sức khỏe thì ý thức kỷ luật là yêu cầu trước tiên. Tay nghề yếu qua quá trình học và làm nhiều sẽ thành thạo, nhưng nếu ý thức kỷ luật kém thì rất khó đào tạo, từ đó khó có cơ hội tìm việc làm và lập nghiệp. Trên thực tế, có những học viên đã đào tạo ra nhưng vì ý thức kỷ luật kém nên quá trình sử dụng, doanh nghiệp cũng sẽ thải loại…

Nhận rõ điểm yếu này, nên hàng năm, cùng với làm tốt công tác vận động, tuyển sinh đầu vào thì một trong những yêu cầu đầu tiên đối với học sinh khi vào trường là ý thức chấp hành kỷ luật. Để giữ vững chất lượng, mặc dù cần học viên nhưng trường chỉ tuyển dụng các em có ý thức kỷ luật tốt; quá trình đào tạo, tiếp tục rèn luyện ý thức kỷ luật và sẵn sàng xử lý kỷ luật nếu vi phạm kỷ luật. Không những thế, dù là trường nghề, nhưng rất có nề nếp, học sinh không được ra ngoài tùy tiện.

Nhờ giữ vững phương châm này nên nhà trường được các bậc phụ huynh rất tin tưởng. Không chỉ con em Yên Thành mà nhiều em từ các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương… cũng đến học. Hiện nay, bình quân mỗi năm trường đào tạo khoảng 1.600 - 1.800 học viên, trong đó từ 600-800 chỉ tiêu trung cấp; số còn lại đào tạo ngắn hạn thông qua kênh đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

nghề hàn
Nhờ có mối liên kết tốt với các đối tác, doanh nghiệp nên 100% học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, thu nhập khá. Ảnh Nguyễn Hải

Để giữ vững uy tín, và thương hiệu trong đào tạo nghề, một mặt nhà trường giữ vững quan hệ với đối tác truyền thống, đồng thời không ngừng tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng về việc làm của các em. Việc giữ các mối quan hệ tốt với đối tác sử dụng lao động không chỉ giúp học viên của trường có nhà xưởng để thực tập mà còn giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá để làm cơ sở tiếp nhận lao động nếu có nhu cầu.

Về phía nhà trường, việc các em thực tập tốt còn được doanh nghiệp trả một ít tiền công lao động hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại cho các em và nếu thừa thì bù đắp một phần kinh phí đào tạo. Ngoài ra, đối với các lĩnh vực lao động chất lượng cao để xuất khẩu như nghề hàn công nghệ cao, kinh phí đào tạo lớn, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lao động để tổ chức liên kết đào tạo chuyên sâu hơn…

Với nỗ lực lớn, từ năm 2015 đến nay, Trường Trung cấp nghề Yên Thành đã đào tạo được trên 2.000 công nhân may, trong đó 1.000 lao động cho dự án may mặc của Nhật Bản tại huyện và trên 1.000 công nhân may cho các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngoài mối quan hệ với các doanh nghiệp, đối tác, nhiều doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hải Phòng... đều liên hệ với trường để đặt hàng.

Thầy Trần Văn Tuấn vui vẻ nói: Khóa học tới (300 học viên) đến tháng 7 mới tốt nghiệp nhưng nhà trường đã nhận được đơn hàng đăng ký tuyển trên 400 lao động từ Công ty Amecc (Hải Phòng) và Lilama 18, thu nhập bình quân trên 6 triệu đến 10,5 triệu đồng/người/tháng.

Giờ học thực hành môn gò hàn của thầy trò Trường Trung cấp nghề Yen Thành
Giờ học thực hành môn gò hàn của thầy trò Trường Trung cấp nghề Yên Thành. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhờ có mối liên kết tốt với các đối tác, doanh nghiệp nên 100% học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ổn định, thu nhập khá. Để làm tuyển sinh, đồng thời động viên các em, gần đây nhà trường chủ động tổ chức lễ bế giảng, trao chứng chỉ nghề cho các em song hành với lễ bàn giao lao động cho các doanh nghiệp, có đại diện Sở LĐ - TB&XH, đại diện huyện và cha mẹ học viên; đồng thời đại diện doanh nghiệp tuyển dụng về thăm và trực tiếp phát biểu tại lễ tiếp nhận lao động tạo được niềm tin và sự an tâm lớn cho nhân dân địa phương.

Với thành tích và sự chủ động, sáng tạo trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, liên tục trong năm 2012 và 2014, Trường Trung cấp nghề Yên Thành và Hiệu trưởng nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; từ 2012 đến nay, trường liên tục là là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua đào tạo nghề của tỉnh.

Ông Hoàng Sĩ Tuyến - Trưởng Phòng đào tạo nghề, Sở LĐ - TB&XH tỉnh cho hay: mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở Trường Trung cấp nghề Yên Thành là cách làm hay, sáng tạo và được tỉnh đánh giá cao. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để Đề án phân luồng học sinh và đào tạo nghề của tỉnh phát huy hiệu quả và đi vào thực chất.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Đào tạo nghề gắn bố trí việc làm ở Trường Trung cấp nghề Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO