Đào tạo nhân lực - Công việc hàng ngày của Toyota Việt Nam
(Baonghean.vn) - Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển, do đó lực lượng lao động Việt Nam cần phải được đào tạo có kỹ năng tốt hơn nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Thách thức này được Toyota Việt Nam giải quyết bằng cách tập trung đào tạo nguồn nhân lực cả bên trong và bên ngoài một cách bền bỉ suốt nhiều năm qua.
Lễ ký kết chuyển giao chương trình đào tạo kỹ thuật sửa chữa thân xe và sơn của Toyota. Ảnh: PV |
Quan điểm “dù thiết bị có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là yếu tố then chốt” của Toyota thể hiện ở chỗ công ty này luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện trên toàn hệ thống, đến các đại lý và nhà cung cấp. Bên cạnh đó, coi trọng con người còn thể hiện ở việc phát triển các cá nhân và tập thể xuất sắc có thể tuân thủ triết lí của công ty, khuyến khích và truyền cảm hứng cho nhân viên vươn tới sự hoàn hảo.
Đây cũng là nguyên lý số 10 trong 14 nguyên lý hoạt động của Toyota toàn cầu. Tại Việt Nam, Toyota đặc biệt coi trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện trên toàn hệ thống từ nhà máy, đến các đại lý, nhà cung cấp và cả xã hội như trách nhiệm của một “người anh lớn” trong ngành công nghiệp ô tô.
Thân xe Innova để thực hành kỹ năng sửa chữa sơn. Ảnh: PV |
Phát triển nguồn nhân lực nội bộ
Đối với đào tạo nội bộ trong sản xuất, Trung tâm Đào tạo Sản xuất của Toyota Việt Nam theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu hoạt động từ năm 2008, đưa Toyota trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô có trung tâm đào tạo sản xuất bài bản, chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Tất cả giảng viên đều là những chuyên gia đã được đào tạo, đánh giá, kiểm tra khắt khe và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Toyota khu vực. Đồng thời cơ sở vật chất, thiết bị cũng phải trải qua đánh giá nghiêm ngặt của tập đoàn mới được đưa vào vận hành phục vụ công tác đào tạo.
Tại đây, trung tâm không những đào tạo những kỹ năng cơ bản cho người lao động trước khi bắt tay vào công việc thực tế mà còn liên tục đào tạo nâng cao kỹ năng mềm, chất lượng tay nghề người lao động và cấp quản lý để bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2018, Toyota Việt Nam đã đạt được thành tích xuất sắc trong Hội thi tay nghề Toyota Châu Á Thái Bình Dương, xếp thứ 4 trên tổng số 10 quốc gia tham dự với 4 giải Vàng, 4 giải Bạc, 1 giải Đồng. Điều này minh chứng cho nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản xuất của Toyota Việt Nam.
Học cụ của Toyota hỗ trợ nhân viên nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Ảnh: PV |
Đối với hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại đại lý, Toyota thường xuyên triển khai các hoạt động, chương trình đào tạo cho toàn bộ các nhân viên tuyến đầu của đại lý, kỹ thuật viên dịch vụ về kiến thức, kỹ năng chuyên môn.
Bên cạnh đó, tinh thần hiếu khách Omotenashi nổi tiếng của Nhật Bản cũng được đào tạo, thực hành và trở thành văn hóa, tác phong của mỗi nhân viên khi phục vụ khách hàng tại tất cả đại lý, chi nhánh của Toyota trên toàn quốc.
Hơn nữa, Toyota luôn tạo điều kiện khuyến khích nhân viên của hệ thống Đại lý Toyota nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn để phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong đó, Hội thi Tay nghề Toyota là một ví dụ điển hình. Trong suốt 20 năm qua, hội thi này đã chứng minh cho quyết tâm của Toyota trong hoạt động phát triển nhân sự và là yếu tố nền tảng để công ty này tạo dựng được lòng tin và lấy được nụ cười từ khách hàng.
Các doanh nghiệp tham quan Trung tâm đào tạo kỹ thuật Toyota. Ảnh: PV |
Vai trò của một doanh nghiệp FDI lâu năm trong ngành công nghiệp ô tô
Về phía nhà cung cấp, ban đầu, Toyota nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp Việt về 5S, an toàn, quản lý chất lượng giúp họ bổ sung về mặt kinh nghiệm cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng để trở thành nhà cung cấp phụ tùng linh kiện toàn cầu. Toyota đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, chuyển giao về 5S, bí quyết sản xuất của Toyota (TPS), quản lý chất lượng (QCC). Qua hoạt động này, Toyota đã góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nhà cung cấp Việt, từ đó giúp họ nâng cao chất lượng sản xuất, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, với vai trò là một nhà sản xuất ô tô, một doanh nghiệp FDI lâu năm trong ngành, Toyota Việt Nam vẫn luôn bền bỉ nỗ lực đóng góp cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam từ những ngày đầu thành lập đến nay. Sinh viên kĩ thuật ngành ô tô các trường đại học, cao đẳng cả nước không còn xa lạ với các chương trình hỗ trợ đào tạo Kĩ thuật Toyota (T-TEP) hay khóa học Monozukuri.
Doanh nghiệp tham quan nhà máy Toyota trong chương trình Monozukuri. Ảnh: PV |
Nếu như T-TEP giúp cho các trường nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên lành nghề, học viên có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam, cũng như đóng góp vào nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì Monozukuri hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như sinh viên kỹ thuật có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu hơn về Hệ thống sản xuất (TPS) và những bí quyết thành công của Toyota.
Qua các hoạt động đào tạo nhân sự cả bên trong lẫn bên ngoài của Toyota Việt Nam có thể thấy rằng để nền kinh tế có thể phát triển nhanh hơn và mang tính cạnh tranh cao hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền địa phương các cấp, mà còn phụ thuộc vào nội lực của chính doanh nghiệp. Đó không phải là hoạt động mang tính nhất thời mà cần đầu tư dài hơi, áp dụng hàng ngày. Tận dụng tốt các bài học và kinh nghiệm từ Toyota Việt Nam, doanh nghiệp Việt hoàn toàn tự tin, nâng cao sức cạnh tranh trên khu vực và quốc tế.