Đào tạo thạc sĩ phòng, chống tham nhũng - nên hay không?
Vừa qua, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Sau khi công bố, chương trình này đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như những ý kiến trái chiều của dư luận.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn |
Tâm huyết của các nhà khoa học và quản lý, lãnh đạo
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, phòng chống tham nhũng (PCTN) được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do đó công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực là biện pháp nền tảng lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng. Khoa Luật là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên, tổ chức giảng dạy, nghiên cứu về phòng chống tham nhũng một cách chính thức có hệ thống và sẽ bắt đầu từ năm 2018. Chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông...
GS. Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, đổi mới và có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh công tác chống tham nhũng của các quan chức nhà nước, hiện nay còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của chính sách pháp luật làm tổn hại đến người dân. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cho sự tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Tất cả đã đặt ra yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng”.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Vũ Công Giao, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Về đội ngũ giảng dạy, nòng cốt là các giáo sư, tiến sĩ đang là giảng viên của khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, ngoài ra còn có các giáo sư nước ngoài, các giáo sư, tiến sĩ giảng viên của các trường đại học khác tại Việt Nam, các chuyên gia đang làm việc cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, nội dung chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng rất có ý nghĩa, hoàn toàn phù hợp với chiến lược PCTN và chương trình đào tạo giáo dục về PCTN mà Việt Nam đã tổ chức triển khai thực hiện gần 10 năm nay.
Tuy vậy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, nên mở rộng đầu vào cho những người muốn tham dự chương trình đào tạo này. “Nghiên cứu và đào tạo về PCTN về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công. Cái đó không phải chỉ là đặc quyền của các luật gia mà nhiều người của các ngành khác cũng muốn tham dự”, ông giải thích.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Thực tiễn đã chứng minh nền quản trị công hiện nay của chúng ta, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, các vụ việc vụ án liên quan đến tham nhũng trong các lĩnh vực khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Còn TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đây là một chương trình đào tạo đầy ý nghĩa, thể hiện một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến không thể thành công một sớm một chiều. Một cố gắng cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội trong điều kiện không phải không thiếu ý kiến băn khoăn về một chuyên ngành mới.
“Đây cũng chính là quan điểm cơ bản trong đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước. Việc đào tạo thạc sĩ Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng cũng không nằm ngoài mục tiêu bền vững đó. Không phải tự nhiên mà ý tưởng mở chuyên ngành này đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia quốc tế và hỗ trợ của nhiều nước phát triển, được đánh giá là minh bạch, trong sạch nhất”- TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Những băn khoăn về một chuyên ngành đào tạo
Trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết ông cảm thấy hơi lạ khi nghe thông tin này trên báo chí và băn khoăn những thạc sĩ về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng này khi đào tạo xong sẽ làm gì và nơi nào sẽ nhận?
Luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định: Đây là căn bệnh cố hữu của người có quyền, người có quyền mới tạo ra nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, người nên học về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước. Nên đào tạo, nghiên cứu, thành lập các khoa liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các trường đảng, trường cán bộ, hành chính. Trong các trường ấy mở khoa phòng, chống tham nhũng thì có lý hơn. Phải quán triệt, hệ thống lại về phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, từ cán bộ đảng đến cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, mặt trận... “Muốn giảng thành một chuyên đề thì người giảng phải có lý luận, đòi hỏi người giảng phải giỏi và được đào tạo”, Luật sư Trần Quốc Thuận đề xuất.
Cũng cho ý kiến về chương trình đào tạo này, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết ông chưa rõ chương trình này sẽ dạy những gì. “Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý. Không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn”, PGS.TS Võ Kim Sơn bày tỏ quan điểm.
Cũng theo PGS.TS Võ Kim Sơn, nếu dạy phòng chống tham nhũng tức là dạy cho người ta biết pháp luật phải xử lý nghiêm, hiệu quả, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, giám sát xem người ta có nhận phong bì hay không... thì những chuyện đó đều đã nói nhiều mà thực tế làm không được bao nhiêu.
“Muốn phòng, chống tham nhũng thì phải dạy kiểu khác, chứ không phải dạy theo kiểu hàn lâm thế này”, PGS.TS Võ Kim Sơn nói.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở hẳn chương trình đào tạo sau đại học về phòng, chống tham nhũng là không cần thiết. Vì theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, nội dung về phòng, chống tham nhũng đã có ở nhiều môn học về pháp luật, xây dựng đảng, chính trị học. “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này trong chương trình đào tạo”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, đi sâu vào nghiên cứu về phòng chống tham nhũng hầu hết là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, về công tác tổ chức và kiểm tra, do đó đối tượng cần đào tạo nên thuộc nhóm này.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, các hành vi tham nhũng trong luật phòng chống tham nhũng 2005 đã được chuyển hóa vào trong các điều luật của Bộ luật Hình sự 1999 cũ và Bộ luật Hình sự mới 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, có thể thấy việc đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng về cơ bản là nằm trong đào tạo chuyên ngành luật hình sự nói chung. “Do đó, việc đào tạo về Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng nên được thực hiện trong nội bộ các trường Đảng, trường bồi dưỡng cán bộ sẽ mang lại hiệu quả thực tiễn hơn”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu cần thiết đào tạo thạc sĩ phòng, chống tham nhũng thì nên bổ sung chuyên sâu thêm vào chuyên ngành thạc sĩ luật học, vì như vậy sẽ thực tế hơn. "Cứ mở ngành, đào tạo tràn lan rồi không biết các thạc sĩ phòng chống tham nhũng sẽ làm ở đâu và cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận”, luật sư Nguyễn Anh Thơm băn khoăn.
Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bất cứ cơ quan nào tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng đều đáng khuyến khích. Nhưng mở chương trình đào tạo thạc sĩ phòng chống tham nhũng thì “có vẻ là mượn cái lạ để phô trương”.
Ông lý giải, nội dung đào tạo phòng chống tham nhũng đã được đưa vào chương trình giáo dục công dân ở cấp phổ thông với nội dung giảng dạy về đạo đức, lối sống, pháp luật. “Do vậy, nên có các chuyên đề, chứ không cần thiết phải có chương trình đào tạo riêng về thạc sĩ phòng chống tham nhũng. Những ai học ngành Luật đều sẽ hiểu tội phạm tham nhũng là thế nào, hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật biểu hiện ra sao”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy việc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo, mà cả đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức và người dân. Những băn khoăn, ý kiến chưa giống nhau là điều bình thường, dễ hiểu và nó cũng cho thấy sự quan tâm, tham gia tích cực của cả xã hội vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”.
Tuy nhiên, việc đào tạo thạc sĩ Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng là nội dung mới cần được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong điều kiện ở Việt Nam Đảng ta là Đảng lãnh đạo và cầm quyền, Đảng lãnh đạo toàn diện trực tiếp cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là đồng chí Tổng Bí thư. Mô hình tổ chức này vừa qua đã hoạt động rất có hiệu quả, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, như việc ban hành các quy định của Đảng về nêu gương; kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đảng là cơ sở quan trọng để cơ quan đào tạo nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta./.