“Đất học”, “quê hương thầy đồ” và sự dạy, học ngày nay

Không thể nói người Nghệ thông minh hơn các vùng quê khác nhưng người Nghệ chăm học, chịu khó học  hơn nhiều vùng quê khác. Sách Nghệ An Ký do Bùi Dương Lịch (1757-1828) viết vào khoảng năm thứ 10-thứ 20 của thế kỷ thứ 19 có ghi: Người phương Bắc khen người Nghệ An “thuần, giản mà hiếu học”.

Đó là do điều kiện thiên nhiên của Nghệ An quá khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, giao lưu hàng hóa chậm phát triển. Con đường thoát khỏi cảnh nghèo đói là đi học. Bệnh sỹ lại thúc đẩy nhiều người đi học, thậm chí mang cá gỗ giả làm cá thật để có thể xin nước mắm chấm “cá” ăn để đi học, đi thi. Nhà nghèo mấy cũng phải chắt chiu, tích góp cho con em đi học.

Học để làm quan. Nhưng số người được làm quan không thể nhiều. Không làm được quan thì làm thầy đồ. Ông “đồ Nghệ” nổi tiếng cả nước và có mặt ở nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam. “Ông Đồ Nghệ lấy cô hàng nước mắm” (người tỉnh Bình Định) – thơ Xuân Diệu.  Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chủ tịch, dạy học ở Phan Thiết (Bình Thuận), Cao Lãnh (Đồng Tháp) …Học trở thành phong trào ở nhiều vùng quê. Đã có nhiều bài viết về 5 vùng đất học Nghệ An. Nói là 5 vùng nhưng cũng chiếm hết vùng đồng bằng, trung du-bán sơn địa của tỉnh nhà.

Lối học của cả nước xưa nặng về khoa cử, học trò lo trau dồi kinh sử. Học thuộc “tứ thư, ngũ kinh”, học trò người Nghệ học đến mức người đời gọi là “ học gạo”, tức là học đi học lại, bào mòn chữ đến nát cả giấy, học cho đến thuộc làu làu; tức là học nhồi nhét, cốt là để đi thi mà thiếu khả năng sáng tạo, cùng lắm cũng chỉ là để đối đáp với vua chúa Trung Quốc khi phải đi sứ sang Tàu.

Cách học nhồi nhét, cộng hưởng với khí chất bộc trực thẳng thắn, không hoa mỹ, thậm chí thiếu đi chút mềm dẻo cần thiết nên người Nghệ An thường bảo thủ, thậm chí nhiều người bị cho là “gàn”. Tuy nhiên, nếu gạn đục, khơi trong, ta sẽ thấy trong sự “gàn” ấy có nhân tố tích cực đó là tư duy phản biện. Cũng vậy, khi dân gian nói: Thanh Hóa đa mưu, Nghệ An đa sự, Hà Tĩnh đa tình thì trong “đa sự” ấy cũng hàm chứa ít nhiều tinh thần phản biện. Cần phát huy tinh thần này nhưng rất cần khắc phục mặt tiêu cực của tính gàn, sự bảo thủ. Đây là một lực cản cho khả năng thích ứng và sáng tạo.

Cũng trong sách nói ở trên, Bùi Dương Lịch viết: “Văn chương Nghệ An phần nhiều mạnh mà cứng cỏi, ít bóng bẩy (hoa lệ). Vì rằng văn chương là tiếng nói của lòng, khí chất (con người) như thế nên phát ra lời văn cũng như thế. Bởi khí chất như thế nên không chuộng những sự hoa sức (bên ngoài).

Cũng giống như tình trạng chung của cả nước, phương châm giáo dục thời bấy giờ là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không nên hiểu các từ “lễ”, “văn” một cách hạn hẹp. “Văn” không chỉ là chuyện văn chương, chữ nghĩa. Khổng Tử ngày xưa từng nói: “Văn dĩ tải đạo”; Gorky viết: “Văn học là nhân học”. Chẳng thế mà cậu bé Aliosa, sau khi đọc một tác phẩm văn chương, cậu thấy mình bị ám ảnh, tâm hồn xốn xang đến mức cậu phải soi trang sách dưới ánh mặt trời xem trong đó có gì làm mình rung động đến thế!

Cũng vậy, “lễ” không chỉ là chuyện “lễ nghĩa” mà là câu chuyện về nhân cách sống. Nhưng phải nói rằng “lễ” vẫn làm cho người ta cảm nhận là nặng về lễ phép, lễ độ, thiên về sự phục tùng, tuân theo mà thiếu đi sự khuyến khích khả năng sáng tạo, tư duy phản biện.

Nhu cầu học là thế, tất yếu sinh ra cách dạy như thế nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Ngày nay, việc dạy và học đã có những biến đổi trên quê hương những “thầy đồ”: Học không chỉ để làm cán bộ-công chức (theo kiểu làm quan cũ) mà để làm nghề, lập nghiệp. Vì vậy đã có sự thay đổi sâu sắc trong cách dạy và học.

Từ yêu cầu mới tất yếu dẫn đến cách dạy và học mới: Học để hiểu, dạy cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản  để có cơ sở học tiếp và vận dụng trong công việc ở những ngành nghề khác nhau tuy theo năng lực từng em và nhu cầu của thị trường lao động.

Người Nghệ đi khắp nơi, làm việc trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau: công nhân kỹ thuật, kỹ sư, dạy học, viết văn, nhà khoa học, làm thương mại, nhà quản lý (quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp…. Thực tế đó là một minh chứng cho sự thay đổi trong cách dạy và học ở Nghệ An cũng như ở cả nước trong thời gian qua, nhất là từ khi thống nhất đất nước.

Trong sự thay đổi chung này, Nghệ An vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, cần cù chịu khó trong học tập. Nghệ An luôn đứng trong tốp đầu về thành tích học tập của cả nước.  Nghệ An cũng là tỉnh có nhiều học sinh giỏi cấp Quốc gia và quốc tế. Đó là thành tựu của giáo dục Nghệ An và là điều đáng tự hào!