Đất khó “đẻ” ra tiền

08/10/2013 01:02

(Baonghean) - Thanh Liên (Thanh Chương) vốn là vùng đất đồi vệ khô cằn, nhưng dưới bàn tay của chàng trai Nguyễn Sỹ Phượng, đất cũng phải “quy phục” để “đẻ” ra tiền. Anh cũng là người đầu tiên đưa giống bưỡi Diễn, vốn là cây trồng khó tính về vùng Thanh Chương.

Ông Nguyễn Bá Qúy - Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương thúc giục chúng tôi nên về thăm trang trại của anh Nguyễn Sỹ Phượng, xóm Liên Yên, xã Thanh Liên để thấy được sự mạnh dạn, táo bạo của người Thanh Chương như thế nào khi dám đầu tư trên vùng đất khó để làm giàu. Chúng tôi hào hứng lên đường để gặp chàng thanh niên với biệt danh “Phượng bưởi Diễn” nức tiếng cả huyện.

Khi chúng tôi đến, anh Phượng đang chăm sóc vườn bưởi để chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới. Cả vườn bưởi rộng mênh mông, xen kẽ là hàng trăm gốc nhãn đang xanh tốt. Giữa vùng đất nghèo khó này, trang trại của anh Phượng thật xứng đáng để người ta ngưỡng mộ. Ấy thế mà, khi chúng tôi đặt vấn đề, anh Phượng lại xua tay: “Có chi mô mà tìm hiểu hả anh. Hiện đang trong giai đoạn xây dựng nên thành quả cũng chưa đạt được nhiều…”.

Dạo một vòng khắp trang trại, anh Phượng cho biết: “Mảnh đất này vốn là mô hình trồng nhãn của huyện, nhưng do không có hiệu quả nên trả về cho xã quản lý để làm đất công ích. Vợ chồng tôi thấy đất bỏ hoang rất phí, trong khi đời sống còn nghèo nên quyết chí vay mượn anh em, bạn về, cộng thêm vốn liếng của gia đình, thuê lại 2 ha và đầu tư hơn 150 triệu đồng để trồng bưởi, nuôi cá, rau màu và chăn bò. Hiện trang trại có 700 gốc bưởi và hơn 300 gốc nhãn, 2 sào ao cá, 3 con bò”.

Anh Hồ Sỹ Phượng bên vườn bưởi Diễn của mình.
Anh Hồ Sỹ Phượng bên vườn bưởi Diễn của mình.

Từ đâu mà anh có quyết định táo bạo như vậy? Anh Phượng cười giòn cho biết: “Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn nên tôi sớm phải bươn chải làm thuê để kiếm sống. Rồi tôi tham gia học lớp Trung cấp nghề ươm cây cảnh, sau đó ra Hà Nội làm thuê. Trong thời gian đó, tôi biết đến giống bưởi Diễn nức tiếng này. Đây là giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không lớn và có thể làm giàu được. Tôi quyết định mang theo giống bưởi này về để trồng trên vùng đất của quê nhà với mong muốn thay đổi cách làm, cách nghĩ của người dân”.

Đây là giống cây trồng ở miền Bắc nên khi mới đưa về, anh Phượng gặp không ít khó khăn do khí hậu, chất đất có phần khác biệt. Hơn nữa, vùng đất mà anh Phượng thuê là đất đồi vệ, khô cằn, giá trị dinh dưỡng thấp. Cây bưởi Diễn rất kén đất, phải là đất thịt nặng và đất sét có độ phì nhiêu cao, mới hợp. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trồng không dễ như anh nghĩ. “Lúc mới trồng tuy tỉ lệ sống cao nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên bưởi thường xuyên bị sâu bệnh, phát triển chậm. Tôi phải ra Hưng Yên để tìm sách đọc và học hỏi kinh nghiệm của người dân ngoài đó. Sau 3 năm chăm sóc với biết bao công sức, vườn bưởi của gia đình tôi mới cho ra quả và bắt đầu có thể kinh doanh với số lượng lớn. Đến nay, cây bưởi bắt đầu cho những mùa quả ngọt - anh Phượng cho biết thêm.

Nhờ giống bưởi chất lượng, ngon và ngọt nên khi có thu hoạch, nhiều người dân trong huyện đã đến xem và mua về ăn. Tiếng lành đồn xa, bưởi Diễn của gia đình anh được nhiều người biết đến nên việc tìm đầu ra khá thuận lợi. Trước Tết, nhiều người đã đến trực tiếp tại vườn hoặc điện thoại để đặt hàng. Nhưng điều đó với anh Phượng chưa phải là mục đích cuối cùng. Anh Phượng kể rằng, trong thời gian sống ở Hưng Yên, anh thấy giống bưởi được tiêu thụ rất mạnh tại Hà Nội. Khi bưởi của gia đình đã có bán, anh liên hệ ra ngoài để tìm kiếm đầu ra ổn định. Nhưng ngặt nỗi, do diện tích ít nên sản lượng thu hoạch còn thấp. Trong khi phía nhà tiêu thụ yêu cầu phải đạt khoảng 15 tấn mới mua hàng.

Hiện nay, trong 700 gốc bưởi của gia đình anh có 400 gốc đã cho thu hoạch. Trung bình, mỗi gốc cho khoảng 30 - 40 quả. Với giá bán hiện nay 15.000 đồng/quả, mỗi năm anh Phượng thu hoạch khoảng 8 tấn bưởi, trừ chi phí, anh Phượng thu về khoảng 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm anh còn thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ trồng nhãn, rau màu và nuôi cá, bò. Với tinh thần vượt khó, mạnh dạn làm giàu trên quê hương, anh Phượng đã được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của. Đây là sự ghi nhận kết quả phấn đấu của chàng thanh niên trên vùng đất khó. Anh là tấm gương để các bạn đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo.

“Tôi đang rất muốn mở rộng diện tích để trồng khép kín 2 ha bưởi nhưng do thiếu vốn nên ý định đó chưa thực hiện được. Khi có điều kiện, tôi sẽ xây dựng vườn ươm và thực hiện chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức trồng bưởi Diễn cho người dân trong huyện để bà con học tập và nhân rộng” - anh Phượng chia sẻ.

Với vai trò là Bí thư Đoàn của xóm, anh Phượng đã thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn để tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh niên trong xóm tham gia trồng bưởi. Anh cũng hy vọng trong thời gian tới, anh và các bạn trẻ sẽ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện giúp nhau làm kinh tế, làm giàu trên quê hương của mình.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
Đất khó “đẻ” ra tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO