Đất và người bên dãy Pu Loi

Công Kiên 06/01/2018 14:35

(Baonghean.vn) - Nép mình bên dãy Pù Loi hùng vĩ, bao đời nay bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) vẫn giữ được bản sắc riêng với những cây cổ thụ, những nếp nhà sàn. Về đây, lại được chứng kiến khí thế lao động sản xuất mới của bà con để xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Ngày mưa, con đường dẫn vào bản Thái Minh trở nên gian nan. Dẫu vậy, bản cổ nơi cư trú của gần 170 hộ đồng bào Thái này với những nét văn hóa mang đậm bản sắc vẫn có sức hút đến lạ. Thời điểm này, bà con đang vào vụ thu hoạch mía nguyên liệu, khắp các tuyến đường nhộn nhịp các loại xe vào vận chuyển, cùng rộn rã tiếng nói cười...

Đường vào bản cổ Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Ảnh: Công Kiên
Đường vào bản cổ Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Ảnh: Công Kiên

Cổng chào của bản Thái Minh khá đặc biệt, không phải ở nét kiến trúc mà ở vị trí đắc địa. Phía trước là hồ rộng, mùa hè nở đầy hoa sen, hoa súng. Phía sau là cây đa cổ thụ tỏa bóng sum suê. Tiếp đến là những mái nhà nhuốm màu rêu phong nép mình dưới tán cây xanh tốt.

Cây đa bên cổng chào có từ rất lâu, không ai còn nhớ rõ năm tháng, chỉ biết người già nhất bản bảo rằng từ khi lớn lên đã thấy nó có dáng hình như thế. Nghĩa là cây đa ấy đã có hàng trăm năm tuổi và chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống ở đây.

Ông La Văn Minh là một trong những bậc cao niên của bản Thái Minh, đã cận kề tuổi bát tuần nhưng vẫn còn rất minh mẫn, nhớ gần như hết thảy những sự kiện lớn của bản. Hiện ông Minh đang dựng lại gia phả cho các dòng họ người Thái cư trú ở Tiên Kỳ, vì ông nắm rõ được 7 đời gần nhất, từ đó vẽ thành các chi họ, giúp hậu thế hình dung được phần nào nguồn cội tổ tiên mình...

“Bản Thái Minh nói riêng, xã Tiên Kỳ nói chung khi xưa là căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi. Nghĩa quân tiến từ Thanh Hóa vào theo đường thượng đạo, chọn vùng đất này tập hợp quân lương, luyện tập binh sỹ để hạ thành Trà Lân của giặc Minh” - ông Minh cho hay. Vào khoảng năm 1423, tức gần 6 thế kỷ trước, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào miền Tây Nghệ An để làm chỗ đứng chân lâu dài, từ đó sẽ trở ra giải phóng Thăng Long.

Trên đường tiến quân, chủ tướng Lê Lợi và quân sỹ đã làm nên chiến thắng vang dội ở trận Bồ Đằng (huyện Quỳ Châu ngày nay). Mục tiêu tiếp theo là hạ thành Trà Lân (nay thuộc xã Bồng Khê - Con Cuông), là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng; vừa là thủ phủ, vừa là một căn cứ quân sự trọng yếu của địch.

Lê Lợi chọn vùng đất Tiên Kỳ (cách thành khoảng 15 km) làm hậu phương chiến lược, tuyển thêm binh sỹ, luyện tập võ nghệ, được nhân dân trong vùng chi viện lương thảo để tiến hành vây hãm địch trong thành.

Sau 2 tháng vây hãm, cắt đường chi viện của địch, đến cuối năm 1424 quân giặc ở thành Trà Lân rơi vào cảnh đói khát, bệnh tật, tướng nhà Minh là Cầm Bành buộc phải kéo 1.000 quân ra đầu hàng. Hạ xong thành Trà Lân, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục tiến về xuôi, hạ một loạt thành địch rồi tiến quân ra Bắc, giải phóng kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của nhà Minh.

Người dân xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) dâng lễ vật tế Vua Lê Lợi và các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn. Ảnh: Công Kiên
Hạ xong thành Trà Lân, nhân dân Tiên Kỳ tổ chức lễ hội mừng chiến thắng trên núi Pù Pán - nơi chủ tướng Lê Lợi đặt căn cứ chỉ huy. Bà con người Thái lấy nếp rẫy và mổ lợn để làm bánh moọc để khao quân, gửi gắm tấm lòng biết ơn và chan chứa tình yêu thương.

Từ đó đến nay, vào dịp 20/8 âm lịch, bà con người Thái ở Thái Minh vẫn duy trì hội Bươn Xao (tiếng Thái nghĩa là “ngày 20”). Các gia đình đều làm bánh moọc và mang lên núi Pù Pán làm lễ tế rồi cùng vui hội với những câu hát, điệu múa mê say, trai gái vào hội ném còn, người già ngồi tâm tình bên ché rượu. Ngày hội Bươn Xao trở thành nét văn hóa truyền thống mang đậm nét đẹp bản sắc của đồng bào Thái ở Tiên Kỳ.

Ông La Văn Minh hướng ánh mắt về dãy Pù Loi và tiếp tục câu chuyện: “Trên núi có hang rất lớn, đi từ ngày này sang ngày khác cũng không cùng. Trong hang có suối chảy không bao giờ cạn, 55 năm trước tôi đã từng vào đó tìm nguồn nước trong mùa nắng hạn, giúp dân bản có nước gieo cấy ruộng đồng”.

Câu chuyện diễn ra vào năm 1963, đúng vào năm hạn hán nghiêm trọng, khe suối cạn kiệt, con cá, con cua nằm chết đầy bờ, cánh đồng Thái Minh nứt nẻ, trong khi trời vẫn nắng chang chang, nguy cơ đói khát đang hiện hữu ngày một rõ rệt. Dân bản vô cùng lo sợ, mấy lần tổ chức lễ cầu mưa, mất nhiều trâu, bò tế lễ nhưng vẫn không có lấy một giọt nước. Già bản chợt nhớ ra từng nghe người xưa nói trên Pù Loi có một con suối lớn không bao giờ cạn, nhưng lên đó sẽ vô cùng nguy hiểm bởi đường đi hiểm trở, nhiều thú dữ, chưa kể đến những câu chuyện rùng rợn được thêu dệt từ xa xưa. Dân bản muốn cử người lên Pù Loi thăm dò nguồn nước, lên được tận nơi đã khó, đưa được nước về bản còn khó hơn lên… trời. Vậy ai sẽ đi?

Một nhóm thanh niên trai tráng bản Thái Minh đã cùng họp bàn và quyết định sẽ cùng nhau lên Pù Loi tìm nguồn nước cứu sống bản làng. Họ gồm: Lương Văn Hậu (SN 1927), La Văn Mỹ (SN 1925), Vi Văn Phát (SN 1934), La Văn Minh (SN 1939) và Vi Văn Hiếu (SN 1943).

Đội quân 5 người leo lên vách đá dựng, luồn lách giữa những bụi rậm, đi mãi, đi mãi, rồi đến được một cửa hang. Vào hang, bật đèn pin, tay lăm lăm dao, dàn hàng ngang, thận trọng dò từng bước một. Càng vào sâu càng lạnh, bắt đầu nghe tiếng nước chảy, rọi đèn thấy ánh nước phản chiếu, lại gần thấy dòng suối nước đầy, 5 người ôm nhau hò reo. Rồi lại lần xuôi theo con suối, đi một quãng rất xa thấy dòng nước đột ngột đổ xuống một hang sâu hun hút rồi biến mất...

Cuộc hành trình ấy kéo dài trong 3 ngày, dân bản mừng rỡ đón chào những “người hùng” trở về. Nghe kể lại cuộc hành trình, bà con lại bàn nhau tìm cách đưa nguồn nước từ trong hang về cánh đồng của bản. Phương án được thống nhất là mang một lượng lớn rơm rạ, quần áo cũ, túi ni lon lên bịt vị trí nước chảy xuống hang sâu. Việc này lại được giao cho 5 thanh niên kể trên.

Những “người hùng” của bản Thái Minh lại lên đường, mang theo niềm hy vọng của cộng đồng làng bản. Mấy ngày sau, một dòng nước mát chảy từ núi đá ra cánh đồng Thái Minh, bà con cùng reo vui, tiếng cồng chiêng, khèn bí vang vọng cả núi rừng. Hang có dòng suối được bà con đặt tên là hang Mó.

Phụ nữ bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) làm gối. Ảnh tư liệu
Phụ nữ bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) làm gối. Ảnh tư liệu

Ngày nay, cánh đồng Thái Minh vẫn quanh năm tốt tươi vì được tưới tắm bởi nguồn nước từ hang Mó, giúp bà con có được cuộc sống no đủ. Cùng với đó, cây mía, cây ngô, cây keo và việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đã cho bà con có nguồn thu nhập khá để xây dựng nhà cửa, sắm sửa tiện nghi. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được phụ nữ Thái Minh duy trì, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn, có thêm nguồn thu nhập, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa. Năm 2016, bản được công nhận danh hiệu Làng nghề dệt thổ cẩm.
Được biết, huyện Tân Kỳ đang có ý tưởng xây dựng bản Thái Minh thành điểm du lịch cộng đồng với điểm nhấn là thắng cảnh hang Mó, nghề dệt thổ cẩm và các phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Hy vọng ý tưởng này sẽ sớm thành hiện thực để bè bạn gần xa biết đến Thái Minh - bản cổ bên dãy Pù Loi hùng vĩ.

Mới nhất

x
Đất và người bên dãy Pu Loi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO