Dấu chân tình nguyện ở vùng đất khó

29/07/2017 12:21

(Baonghean) - Cái nắng đổ lửa của mùa hè chẳng thể nào ngăn được bước chân trèo đèo, lội suối về với những bản làng xa xôi của xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp để triển khai thực hiện những công trình, phần việc của tuổi trẻ rất thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Khó khăn không ngại bước

Tại xã Châu Thành, đội thanh niên tình nguyện (TNTN) 6 trường đại học, cao đẳng tập trung tổ chức các hoạt động tình nguyện tại các bản Na Án, Chăm Hiêng, bản Cô và trung tâm xã. Vì các khu cách nhau trung bình 4-5km, địa hình, đường giao thông còn khó khăn nên đội phải di chuyển liên tục, chứ không được ở tập trung một địa điểm” - Vũ Hải Tùng, Đội trưởng Đội TNTN Đại học Y khoa Vinh chia sẻ.

Địa bàn rộng, phải di chuyển liên tục trên địa hình đồi núi, phương tiện đi lại duy nhất của các tình nguyện viên là đôi chân. Những chuyến trèo đèo, lội suối ngày đầu khiến cho đôi bàn chân mỏi nhừ, nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai đếm lần lượt bao nhiêu con suối đã đi qua, bởi tâm trí họ đã dành chỗ cho những nỗi niềm tại Châu Thành, vùng đất còn nhiều khó khăn, vất vả.

Trên con đường dẫn vào nhà văn hoá bản Chăm Hiêng gập ghềnh sôi nổi những tiếng trêu đùa, nói cười biến công trường rộn ràng một màu áo xanh tình nguyện. Tại đây, hơn 30 sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Vinh đang tham gia xây dựng sân bóng chuyền. Dưới cái nắng gay gắt, những bạn trẻ vốn chưa quen với công việc nặng nhọc, khuân vác nhưng làm việc rất hăng say, đặc biệt là các bạn nữ, không kém nam giới.

Cao Thị Thu Hiền - một đội viên tình nguyện chia sẻ: “Tuy không khoẻ như những bạn nam, nhưng ở đây hễ việc gì bạn nam làm được, thì chúng em cũng làm được. Từ sáng đến chiều, làm những việc như xúc đá, đẩy xe ben, em đều cảm thấy bình thường chứ không quá sức”.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y khoa Vinh tham gia xây dựng sân bóng chuyền tại bản Chăm Hiêng, xã Châu Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: Mỹ Nga
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Vinh tham gia xây dựng sân bóng chuyền tại bản Chăm Hiêng, xã Châu Thành (Quỳ Hợp). Ảnh: Mỹ Nga

Một nhóm thanh niên dùng những chiếc xe rùa chở đá dăm, nhóm nữa thì quay trộn bê tông nhịp nhàng. Nhóm khác khi có bê tông bơm vào, dùng những vật dụng xây dựng cào bê tông ra để làm phẳng sân.

“Khi bê tông được xe bồn từ ngoài bơm đến, phải có người làm ngay, nếu không làm kịp thì bê tông sẽ khô cứng nên chúng em lúc nào cũng phải sẵn sàng” - các bạn sinh viên đồng thanh chia sẻ.

Mồ hôi đổ ra như tắm, quần áo lấm lem cát bụi, Nguyễn Nhân Từ Huy (Đội trưởng đội tình nguyện khoa Luật) nói: “Không khí làm việc rất khẩn trương, vui vẻ. Chúng em chỉ mong sao góp một phần công sức nhỏ bé của mình để người dân nơi đây có được khu vui chơi, sinh hoạt sạch sẽ, khang trang hơn”.

Còn đội tình nguyện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thì làm nhiệm vụ sửa chữa hệ thống điện cho các gia đình trong xóm Tiến Thành và hệ thống điện lưới để đảm bảo an toàn, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, thông báo quy định hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, thay thế bóng đèn.

“Được những người trẻ về tận nhà nối dây điện chiếu sáng, bà con nơi đây rất vui mừng và phấn khởi. Ở một làng quê nghèo, có được hàng điện thắp sáng đang mang lại sức sống mới thiết thực” - người dân xóm Tiến Thành hạnh phúc chia sẻ.

Tạm xa giảng đường, những vất vả từ nhiều công việc dẫu nặng nhọc đã không ngăn được ánh mắt hân hoan của tinh thần tình nguyện. Họ đã tới những điểm khó khăn nhất, những gia đình cần sự giúp đỡ để chia sẻ, cùng thắp lên hy vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn.

Tình nguyện kiêm “dân vận khéo”

Trải qua những giây phút đầu bỡ ngỡ khi về với cơ sở. Sau những ngày “cùng ăn - cùng ở - cùng làm” với người dân nơi đây đã khiến cho mỗi tình nguyện viên từng bước trưởng thành hơn, hiểu được phong tục tập quán của địa phương.

“Ngày đầu tiên tiếp xúc với trẻ nhỏ ở đây, em nghĩ sẽ chỉ như các em của mình ở nhà, sẽ dễ dàng chỉ bảo. Thế nhưng, khi dạy học mới cảm thấy có chút khó khăn, vì tiếng phổ thông của các em còn kém” - Nguyễn Thị Thảo Nhi - sinh viên Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật bộc bạch.

Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều “thầy cô áo xanh”. Song dần dần qua tiếp xúc, bằng tình yêu trẻ thơ, những lớp học tình nguyện ngày càng thu hút được đông đảo các em học sinh. Không chỉ ôn tập văn hoá, các em còn được học vẽ, học hát, tham gia các trò chơi.

Trong tiếng hát rộn rã khắp khuôn viên nhà văn hoá bản Na Án, những đôi mắt em thơ ngời sáng trong một mùa hè sôi động, em Vi Thị Thảo tâm sự: “Thường khi hè đến, chúng em hay ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Năm nay, có các anh chị tình nguyện về tổ chức sinh hoạt hè, chúng em cảm thấy rất vui”.

Chính sự nhiệt tình, thân thiện của các thầy cô giáo trẻ đã tạo nên sự gần gũi, xoá hẳn khoảng cách rụt rè, tạo nên sự mạnh dạn cho các em nhỏ nơi đây một mùa hè bổ ích, vừa học vừa chơi.

Ssinh viên Trường Cao đẳng sư phạm và Cao đẳng nghệ thuật dạy học cho các trẻ em miền núi. Ảnh: Mỹ Nga
Ssinh viên Trường Cao đẳng sư phạm và Cao đẳng nghệ thuật dạy học cho các trẻ em miền núi. Ảnh: Mỹ Nga

Một nhiệm vụ của các đội thanh niên tình nguyện là tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, giúp bà con biết cách sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng tránh các bệnh thông thường. Những con đường sạch, đẹp, thoáng đãng được phát quang, khơi thông tạo nên cảnh quan môi trường mới ở các thôn, bản. Các hoạt động đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của người dân địa phương.

Em Nguyễn Văn Chiến - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh chia sẻ: “Đi đến đâu, chúng em cũng nhận được sự ủng hộ. Không chỉ đoàn viên, thanh niên tham gia mà bà con nhân dân cũng hỗ trợ. Điều này tiếp thêm nguồn động lực để chúng em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Không chỉ thể hiện ở các hoạt động thực tế, chính những việc làm, không khí hào hứng của các đội TNTN đã khơi dậy tinh thần cũng như phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới của người dân.

“Thấy các cháu thanh niên tình nguyện từ xa đến mà còn giúp bản mình làm đường, vệ sinh môi trường thì không lý do gì mình không cùng làm. Vừa vui, lại vừa thân tình. Mấy hôm có TNTN đến bản lúc nào cũng thấy rộn ràng, ngày đi làm, tối về sinh hoạt, giao lưu, đoàn kết, thân ái lắm” - người dân bản Cô chia sẻ.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y khoa Vinh khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 500 người dân. Ảnh: Mỹ Nga
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y khoa Vinh khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 500 người dân. Ảnh: Mỹ Nga

“Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Lý tưởng “sống để cống hiến” đã đưa những bạn sinh viên gần nhau hơn và sống hết mình bằng những chuyến đi tình nguyện mùa hè. Những giọt mồ hôi, nước mắt, nụ cười được tạo nên từ những ngọn lửa tuổi trẻ, đã làm nên một mùa hè ý nghĩa.

Chiến dịch tình nguyện hè diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, trong đó cao điểm vào tháng 7 với nhiều hoạt động sôi nổi, mang dấu ấn của các thanh niên tình nguyện. Năm nay, toàn tỉnh có 40 đội TNTN với hơn 1.000 sinh viên đến từ các trường ĐH, CĐ. Ngoài việc tham gia tình nguyện tại Nghệ An, các đội SVTN còn hoạt động tại 2 tỉnh Thanh Hoá và Hà Tĩnh. Đặc biệt, năm nay, Tỉnh đoàn cử 3 đội thanh niên quốc tế hoạt động tại 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Bô-ly-khăm-xay, Lào trong thời gian 1 tháng với nhiều hoạt động ý nghĩa như giảng dạy tiếng Việt cho nhân dân và học sinh Lào; thăm, tặng quà cho các gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu văn hoá với thanh niên và nhân dân địa phương… và đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên khác.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN

Dấu chân tình nguyện ở vùng đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO