Dấu hiệu cảnh báo di chứng Covid-19

Theo Thùy An (vnexpress.net)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
F0 mệt mỏi, mất ngủ, đau tức ngực, khó thở, rụng tóc, chậm kinh nguyệt, ho nhiều, tiêu chảy... kéo dài hơn hai tháng trở lên nên đi khám để được điều trị, theo các chuyên gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng hậu Covid -19 thường xảy ra ở những người nhiễm bệnh được ba tháng, với các triệu chứng xuất hiện và kéo dài ít nhất hai tháng mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho biết di chứng Covid có thể biểu hiện ở một hay nhiều các đặc điểm. Trong đó, mệt mỏi, suy nhược và kém sức chịu đựng,... là phổ biến nhất, dù bệnh nhân có phải nhập viện hay không. Tình trạng này thường thuyên giảm theo thời gian nhưng có thể kéo dài trong ba tháng hoặc lâu hơn, đặc biệt là ở bệnh nhân nặng, từng nằm hồi sức tích cực.

Một số triệu chứng khác như khó thở kéo dài từ hai đến ba tháng, thậm chí 12 tháng; ho mạn tính dai dẳng từ hai đến ba tuần; khó chịu ở ngực; thay đổi vị giác và khứu giác; nhận thức thần kinh; mất ngủ, đau khớp, đau đầu, viêm mũi, rối loạn tiêu hóa, kém ăn, chóng mặt; đau cơ, rụng tóc, đổ mồ hôi và tiêu chảy...

Trong đó, một số biểu hiện hết nhanh hơn những triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh; các triệu chứng khứu giác, tiết dịch thường hết trong vòng hai đến 4 tuần; mệt mỏi, khó thở, tức ngực, suy giảm nhận thức và ảnh hưởng tâm lý có thể kéo dài từ hai đến 12 tháng.

Ngoài ra, F0 khỏi bệnh dễ stress, trầm cảm, rối loạn lo âu..., trong đó lo lắng là phổ biến nhất. Các triệu chứng tâm lý cải thiện theo thời gian nhưng có thể kéo dài, đặc biệt F0 nằm viện có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý dai dẳng hơn.

Theo bác sĩ Hải, thời gian để giải quyết triệu chứng dường như phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước đó cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính và các triệu chứng mà F0 trải qua.

"Trường hợp bệnh nhẹ cần khoảng hai tuần còn bệnh nhân nặng, phải nhập viện điều trị thì kéo dài từ hai đến ba tháng, hoặc lâu hơn", ông Hải nói.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng cho rằng di chứng hậu Covid-19 rất nhiều, song phần lớn nhẹ. "Khi nào bạn thấy triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khiến bạn lo lắng thì có thể đi khám, không nên đi khám theo phong trào", ông Hùng khuyến cáo.

Riêng trẻ em, các triệu chứng không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hậu Covid-19 cũng rất ít nghiên cứu đề cập. Một biểu hiện đáng lưu ý là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), nhưng tỷ lệ này rất thấp.

Các biểu hiện MIS-C là: sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa; một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng. Ngoài ra, trẻ khi khỏi Covid-19 thì cơ thể vẫn đang yếu, cha mẹ không cho vận động mạnh, nên tăng cường vận động từ từ. Nếu sau đó con bạn vẫn mệt mỏi, kèm các biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, tiêu chảy nặng hơn... thì nên đi khám.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang kiểm tra, thăm khám cho người bệnh có di chứng Covid. Ảnh: Chi Lê
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang kiểm tra, thăm khám cho người bệnh có di chứng Covid. Ảnh: Chi Lê

Bác sĩ lưu ý, Covid kéo dài (Long-Covid) là triệu chứng của bệnh nhân khi mắc Covid-19 vẫn kéo dài đến ba tháng mặc dù đã khỏi bệnh. Hậu Covid (Post Covid) là những triệu chứng mới xuất hiện, sau ba tháng (kể từ khi mắc bệnh), mà không lý giải được bằng các chẩn đoán khác. Di chứng là tổn thương các cơ quan do Covid-19 gây ra như tắc mạch, viêm cơ tim, tổn thương gây xơ phổi... Do đó, triệu chứng xuất hiện một đến hai tháng thường là dấu hiệu Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19, "mọi người không nên quá lo lắng".

Hầu hết bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nhẹ không cần xét nghiệm khi khỏi bệnh, bác sĩ Hải khuyến cáo. Riêng F0 đang hồi phục sau bệnh nặng, đã xuất viện hoặc người có các triệu chứng kéo dài không giải thích được thì cần làm các xét nghiệm như: công thức máu; sinh hóa máu: điện giải, urê máu và creatinine máu, chức năng gan, albumin trong máu...

Ngoài ra, tùy vào mức độ, các bác sĩ sẽ yêu cầu điện tim, chụp X-quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, test đi bộ 6 phút.

Khi đi khám hậu Covid-19, người bệnh nên mang theo những hồ sơ sức khỏe trước đây (nếu có) để bác sĩ tham khảo.

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.