Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim ai cũng cần biết
Hiện nay, bệnh nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Tim là cơ quan có vai trò bơm máu đi nuôi cơ thể, được nuôi dưỡng từ hai nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc hoàn toàn, hoặc một phần trong hai nhánh mạch hay tắc nhiều phần trong cả hai nhánh động mạch vành. Nếu một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước, gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim...
Trên thế giới, số người chết do căn bệnh này mỗi năm là khoảng 300.000-400.000 người. Nhồi máu cơ tim trước đây thường được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa dần. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.
Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, vùng cơ tim thiếu máu sẽ được giảm thiểu và hạn chế những biến chứng cấp tính nguy hiểm đến tính mạng cũng như những biến chứng lâu dài sau này.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Đau thắt ngực: Mức độ có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau kéo dài trên 20 phút.
- Khó thở.
- Vã mồ hôi.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Buồn nôn, nôn.
- Tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Kích thích, lo lắng, hoảng sợ.
- Ngất.
- Đột tử.
- Một số bệnh nhân không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị...
Trong đó, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất của nhồi máu cơ tim là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại.
Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở cũng thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực.
Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim
Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Tình trạng này xảy ra là do mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu, thành phần cấu thành bao gồm cholesterol, canxi, mảnh vỡ tế bào.
Từ khoảng 30 tuổi, trong cơ thể chúng ta bắt đầu tiến trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa. Quá trình này diễn ra từ vài năm đến vài chục năm. Một số yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường góp phần thúc đẩy tổn thương mạch máu theo thời gian.
Chính những rối loạn này làm thành mạch máu dễ bị các phân tử cholesterol lắng đọng và bám vào.
Nơi mảng xơ vữa bám vào thành mạch bị viêm, đến một thời điểm mảng xơ vữa này bị bong tróc và nứt vỡ thúc đẩy hình thành cục máu đông làm bít tắc lòng mạch máu. Khi lòng mạch bị bít tắc dẫn đến vùng cơ tim phía sau không được đưa máu đến nuôi hậu quả gây hoại tử và chết vùng cơ tim đó gây nên nhồi máu cơ tim.
Lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm, bên cạnh đó áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim.
Vì thế, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/ lần. Nếu thấy các dấu hiệu nhồi máu cơ tim nêu trên, cần đến viện để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời./.