Dấu hiệu khởi sắc
Theo Sở Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trở lại. So với cùng kỳ 2011, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng năm nay tăng 14%, trong đó: công nghiệp khai thác tăng 9%, công nghiệp chế biến tăng hơn 6%, công nghiệp điện nước tăng 25%.
(Baonghean) - Theo Sở Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trở lại. So với cùng kỳ 2011, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng năm nay tăng 14%, trong đó: công nghiệp khai thác tăng 9%, công nghiệp chế biến tăng hơn 6%, công nghiệp điện nước tăng 25%.
Chúng tôi có mặt tại Công ty CP bia Habeco (KCN Nam Cấm) công suất 50 triệu lít/năm, chứng kiến một không khí lao động khá khẩn trương. Anh công nhân Nguyễn Văn Hoành nói vội trong ầm ào tiếng động cơ: Anh em đang khẩn trương làm hàng phục vụ thị trường cuối năm. Còn lãnh đạo công ty thì cho biết, mặc dù có những khó khăn về thị trường và trong năm nay chỉ chạy 80% công suất, nhưng kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong thời gian tới. Trước mắt, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cận kề, các dây chuyền chiết bia hơi, chiết lon... sẽ đảm bảo chạy hết công suất. Hiện nhà máy đã sản xuất được trên 5 triệu lít bia chai, gần 40 triệu lít bia lon và 3 triệu lít bia hơi.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng lĩnh vực công nghiệp chế biến tỉnh ta, đặc biệt là sản phẩm bia vẫn đạt kết quả rất đáng ghi nhận, với tổng sản lượng 122 triệu lít. Trong đó, bia đóng chai 49 triệu lít, tăng hơn 25%; bia đóng lon 69 triệu lít, tăng 15,46%; ngoài ra còn có một số lượng không nhỏ bia hơi. Một số nhà máy bia sau thời gian đầu tư đến nay đi vào sản xuất ổn định, sản lượng lớn, đóng góp ngân sách cho tỉnh 700 tỷ đồng (số liệu thời điểm 9 tháng) như bia Sài Gòn 390 tỷ đồng, bia Hà Nội 180 tỷ đồng, bia Sài Gòn - Nghệ An 113 tỷ đồng.
Ngành dệt may đang góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa
Các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy hải sản hầu hết tăng so với cùng kỳ, sữa chế biến 25 triệu lít, tăng 27,43%; đường kính 73.974 tấn, tăng 27,32%. Công nghiệp điện nước tăng, cùng với việc một số nhà máy bắt đầu vận hành đã nâng sản phẩm điện thương phẩm đạt 1.561 triệu KWh, tăng 25%; điện sản xuất 1.180 triệu KWh, tăng 15%... Công nghiệp khai thác tăng nhẹ so với cùng kỳ, thiếc tinh luyện 928 tấn, tăng 0,27%; đá khối 592.000m2, tăng 9,27%. Thời gian qua, trên địa bàn cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực dệt may và đã có nhiều dự án đi vào sản xuất như Havina Kim Liên, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành... Lĩnh vực dệt may nói riêng đã giải quyết lượng lớn lao động có việc làm trên địa bàn, với gần 20.000 lao động.
Điều đáng nói, đã có nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công thương đã tiếp cận vốn vay ngân hàng và phát huy khá tốt. Trong tổng số 35.000 tỷ đồng dư nợ, lĩnh vực công thương chiếm 50% tổng dư nợ và nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, chiếm 4,5% tổng nợ xấu trên địa bàn. Kinh tế khó khăn, mức thu nhập của người lao động không tăng, thậm chí còn giảm do các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu cắt giảm chi phí, nhiều người bị sa thải, thất nghiệp,… ngân quỹ của các gia đình chỉ ưu tiên cho những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu, việc mua sắm ngày càng bị nhiều gia đình gạt khỏi danh sách chi tiêu hàng tháng. Nói cách khác, chính sức mua giảm sút, thị trường tiêu dùng ế ẩm thì doanh nghiệp lớn nhỏ cũng lao đao bởi hàng sản xuất ra không bán được, lượng hàng tồn kho có khi lớn hơn cả vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nguy cơ vỡ nợ cũng ngày càng lớn dần khi thời điểm cuối năm, thời điểm thanh toán các khoản công nợ cận kề, nhưng số liệu nợ xấu của doanh nghiệp lĩnh vực công thương đã phần nào thể hiện sự an toàn, và cả tâm lý thận trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2012, kinh tế đang được dự báo có nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch năm cũng như tạo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, hiện nay ngành đang tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội: Thực hiện có hiệu quả việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường; Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, nguyên liệu, mặt bằng sản xuất. Tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. "Trước mắt, chúng tôi tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, phát huy tối đa năng lực sản xuất (đường kính, bia, sữa, thủy điện..) để đáp ứng nhu cầu thị trường những tháng cuối năm. Song song với đó là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là ngành chế biến; thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho...", ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Thu Huyền