Dấu hiệu ung thư dạ dày và cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn
Phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không phải hóa trị, cơ hội khỏi bệnh cao.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 10.400 người ung thư dạ dày được phát hiện, dự báo tăng lên khoảng 11.500 ca vào năm 2020. Ung thư dạ dày xếp thứ 3 trong số các bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam nhưng tỷ lệ phát hiện sớm bệnh rất thấp. Phần lớn người bệnh khi đến bệnh viện điều trị đều ở giai đoạn muộn, mất cơ hội điều trị trong thời gian vàng.
Bác sĩ Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị, cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao.
"Bệnh sẽ được điều trị dứt điểm ngay từ khi khởi phát, tỷ lệ khỏi bệnh trên 90% sau 5 năm, tiết kiệm chi phí, người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường nhanh. Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư dạ dày tốt nhất là nội soi dạ dày", bác sĩ Long nói.
Bác sĩ phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Ung thư dạ dày ở giai đoạn tiến triển là ung thư ở giai đoạn thứ hai trở về sau. Ở giai đoạn này, ung thư bắt đầu xâm lấn cơ quan khác, di căn hạch, di căn xa nên khả năng điều trị triệt để rất khó, bệnh dễ dàng tái phát sau điều trị.
Với sự phát triển của y khoa, người bệnh mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn vẫn còn cơ hội điều trị nhờ vào phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới.
Tùy theo thể trạng và giai đoạn người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp như phẫu thuật trước rồi hóa trị, hóa trị trước rồi phẫu thuật hoặc hóa trị giai đoạn muộn, dùng thuốc nhắm trúng đích.
Bác sĩ Long cho biết phương pháp "cắt bán phần trên dạ dày" đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày và "cắt gần toàn bộ dạ dày" đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày là hai phương pháp không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày của người bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị và có thể áp dụng điều trị cho cả bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn.
Hiện khoa học chưa biết nguyên nhân rõ ràng của ung thư dạ dày. Các yếu tố gây bệnh như thói quen ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác. Người bị mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mạn tính, đã phẫu thuật dạ dày, polyp dạ dày, có các yếu tố di truyền, nhóm máu A thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường.
Người mắc ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường có triệu chứng bình thường như đau bụng, chán ăn, có máu trong phân, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày... Vì triệu chứng không rõ ràng, người dân thường bỏ qua việc khám tầm soát ung thư làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội điều trị.
Bác sĩ Long khuyến cáo nếu cơ thể có dấu hiệu đau bụng, ăn không tiêu, đầy bụng trên hai tuần, tiểu sử gia đình đã có người bị ung thư hoặc người bệnh bị nhiễm virus HP, mọi người nên tầm soát ung thư dạ dày. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng các phương thuốc gia truyền, thuốc không rõ nguồn gốc, cần ăn uống đủ dinh dưỡng và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao.