Dầu, hồ tiêu tiếp đà tăng, gas giảm mạnh trong phiên cuối tuần

Xuân Hoàng 08/07/2023 07:27

(Baonghean.vn) - Trong ngày 8/7, giá xăng dầu trên thế giới tiếp đà tăng; hồ tiêu trong nước cũng tăng giá 500 đồng/kg; trong khi đó khí đốt (ga) trên thị trường thế giới giảm giá.

Xăng dầu tiếp mạch tăng

Giá xăng dầu hôm nay 8/7 trên thị trường thế giới tiếp mạch tăng từ đầu tuần, do nhu cầu tiêu thụ của Mỹ tăng.

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 3/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm.

Theo đó, giá xăng RON 95 xuống mức 21.420 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 về mức 20.470 đồng/lít. Giá dầu diesel là 18.160 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.920 đồng/lít.

gia-xang-dau-1-854-1185.jpg
Giá dầu tiếp đà tăng. Ảnh: Reuters

Trênthị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (8/7) vẫn tiếp nối đà tăng từ đầu tuần.

Hôm 7/7, giá xăng dầu tiếp tục đi lên do lo ngại nguồn cung thắt chặt.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 11h08' ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,79 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 72,06 USD/thùng, tăng 0,26 USD, tương đương 0,36% so với phiên liền trước.

Đến 19h43' ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,88 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,47% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 72,17 USD/thùng, tăng 0,37 USD, tương đương 0,52% so với phiên liền trước.

Theo giới phân tích, giá dầu tiếp đà tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ của Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - tăng lên.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này giảm nhiều hơn so với dự kiến do nhu cầu lọc dầu mạnh, còn dự trữ xăng giảm sâu do nhu cầu lái xe gia tăng vào tuần trước.

Nhiều chuyên gia dự đoán, triển vọng nhu cầu dầu thô ở Mỹ có dấu hiệu khả quan hơn khi mùa du lịch hè ở nước này sắp đến.

Nhu cầu dầu tăng lên dẫn đến dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, lấn át những lo ngại về triển vọng lãi suất của nước này có xu hướng tăng lên.

Bên cạnh đó, trong tuần này, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện trong tháng 8.

Theo tính toán, tổng sản lượng dầu cắt giảm của các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) trong tháng 8 sẽ lên tới hơn 5 triệu thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế phần nào bởi những yếu tố bất lợi về kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và xu hướng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Thị trường Gas trên thế giới giảm mạnh

Không giữ được đà tăng trong mấy ngày qua giá gas hôm nay ngày 8/7/2023 trên thị trường thế giới giảm mạnh tới 1,76%.

Theo Investing, giá khí đốt tương lai gần chạm mốc 3 USD trong phiên giao dịch trước đó trong bối cảnh nhiệt độ ấm hơn có thể khiến người Mỹ bật máy điều hòa nhiều hơn bình thường vào mùa hè.

Trong những tháng gần đây, một loạt các thỏa thuận LNG dài hạn đã được ký kết, bao gồm cả từ những người mua ở châu Âu, nơi an ninh năng lượng đã trở thành trung tâm do lo ngại về khí thải từ nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

khi-dot20230708061848.jfif
Hệ thống dẫn khí gas.

Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thoả thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.

Giá khí đốt tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraina và cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành các lô hàng LNG đã mang lại một bài học tức thì về sự ổn định của nguồn cung. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc tiến hành đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm nhằm phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.

Điều đó cũng cho thấy, Trung Quốc đang có một tầm nhìn dài hạn để tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các hợp đồng LNG dài hạn đang rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay - nơi giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra.

Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, cơ sở lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) gần như đã đầy 74%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.

Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm nay, EU đã bắt đầu dự trữ khí đốt song dòng khí đốt gần đây đã chậm lại do nhu cầu cao từ người tiêu dùng công nghiệp. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, các địa điểm lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã dự trữ cao hơn 48% so với mức trung bình 10 năm trong cùng kỳ.

Cũng trong tháng 6/2023, giá khí đốt tự nhiên tăng 38% chủ yếu do lo ngại rằng thời tiết nóng ở Bắc Âu và việc ngừng sản xuất ngoài kế hoạch ở Na Uy vì bảo trì mỏ khí đốt tự nhiên Oseberg.

Theo một báo cáo của Natural Gas World (NGW), nếu mùa hè nóng hơn về tổng thể, nó sẽ nhanh chóng gây áp lực lên nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên được sử dụng trong điều hòa không khí.

Mặc dù giá khí đốt của châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với mức mùa hè năm ngoái, khi lục địa này rơi vào tình trạng bế tắc về năng lượng với Nga, nhưng sự tăng giá nhanh chóng trong tháng 6 cho thấy khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước bất kì sự gián đoạn nguồn cung nào sau sự sụt giảm nhập khẩu từ Nga.

Tại thị trường trong nước, sau khi giảm mạnh vào tháng 6 tới 35.500 đồng/bình loại 12 kg thì từ ngày 1/7/2023 , mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ giảm tiếp khoảng 18.000-18.500 đồng, tùy thương hiệu.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7, giá gas của hãng sẽ giảm 18.500 đồng/bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 347.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức giảm 18.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 385.000 đồng/bình 12 kg; 1.443.500 đồng/bình 45 kg...

Như vậy, giá gas trong nước đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng và 5 lần giảm với tổng mức giảm tới hơn 140.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá nhiên liệu này ở mức tương đương tháng 4/2022.

Đà giảm của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 7 chốt ở mức 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá thế giới.

Giá tiêu trong nước tăng 500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay ngày 8/7/2023 tại thị trường trong nước điều chỉnh tăng 500 đồng/kg tại các vùng trọng điểm. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu được thương lái thu mua quanh mốc 67.500 – 68.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 67.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk giá tiêu duy trì mức giá 68.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 68.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

3237_ht43.jpg
Giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam bộ giá tiêu hôm nay không có biến động so với hôm qua. Hiện giá tiêu tại khu vực này đang được thu mua quanh mốc từ 69.000 – 70.500 đồng/kg.

Trong đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 69.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá tiêu ở mức 69.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 70.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg tại các vùng trọng điểm. Nguyên nhân giá hạt tiêu đi lên một phần được cho là do giá USD hạ nhiệt, khiến các thị trường hàng hóa bớt gánh nặng và khởi sắc hơn.

Trên thị trường thế giới, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cập nhật và niêm yết mức giá giảm với tiêu Indonesia. Theo đó, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.719 USD/tấn, giảm 0,32%; giá tiêu trắng Muntok 6.364 USD/tấn, giảm 0,33%.

Với các quốc gia còn lại, giá tiêu đi ngang. Hiện giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.050 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Hiệp hội hồ tiêu và gia vị Việt Nam cho biết, với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường như hiện nay, hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa, với giá thấp.

Nguyên nhân là khi vào vụ thu hoạch, giá tiêu các nước sẽ hạ xuống nhưng đến thời điểm doanh nghiệp cần giao hàng thì giá đã tăng, không mua đủ để giao sẽ gặp rủi ro và tổn thất như đã xảy ra trong vụ mùa 2022, ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm thị trường mới, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm quốc tế và đăng ký sớm để có vị trí tốt, kết nối với khách hàng trước sự cạnh tranh của các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia, Sri Lanka...

Theo Theo Congthuong.vn/Vietnamnet.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Dầu, hồ tiêu tiếp đà tăng, gas giảm mạnh trong phiên cuối tuần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO