Đầu tàu của HTX sữa Đồng Tiến
(Baonghean.vn) - Nhiều năm trước, người dân xã Quỳnh Thắng – Quỳnh Lưu đã quen thuộc với hình ảnh ông Bùi Văn Vinh với chiếc xe máy ngày hai lần vượt 20 km chở hai bên hai thùng sữa tươi thu được của bà con trong xóm để lên Nghĩa Đàn nhập cho đại lý sữa mà không nhận một đồng tiền công nào của người dân. Thấu hiểu nỗi khổ người dân chắt chiu để mua được cặp bò sữa, hi vọng vào một nghề mới lạ lẫm và đầy khó khăn, ông đã không quản nắng mưa, gió rét, giúp người cũng là để giúp mình. Tấm lòng vì mọi người của ông đã được đền đáp, đó là phong trào chăn nuôi bò sữa ở đây ngày càng phát triển mạnh, người dân đã có thu nhập ổn định và họ thành lập được một HTX chăn nuôi bò sữa đầu tiên trong tỉnh.
Vượt đường xa đi nhập sữa cho bà con
Năm 1999, tỉnh Nghệ An có chủ trương đưa nghề bò sữa về với một số huyện miền Tây như Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu để đáp ứng phần nào nguyên liệu cho nhà máy sữa Vinamilk ở Cửa Lò chuẩn bị xây dựng. Quỳnh Thắng là một trong 6 xã của Quỳnh Lưu được sự quan tâm của Sở NN&PTNT và huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ tập huấn chăn nuôi, đưa đi tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển ở miền Bắc. Nhưng rồi với những khó khăn ban đầu của một nghề hoàn toàn mới, trong khi kỹ thuật chăn nuôi mới mẻ đối với nông dân, bên cạnh đó nhà máy sữa chưa xây dựng, những lít sữa đầu tiên đã không được thu mua dẫn đến nghề chăn nuôi bò sữa không phát triển như mong đợi.
Ông Bùi Văn Vinh- chủ nhiệm HTX bò sữa Đồng Tiến. |
Sau khi các xã của Quỳnh Lưu như Quỳnh Mỹ, Quỳnh Thạch, Quỳnh Hoa , Quỳnh Thắng … nhiều hộ dân bỏ nghề chăn nuôi bò sữa thì các hộ ở Quỳnh Thắng vẫn kiên quyết bám trụ nghề bởi nhờ có ông Bùi Văn Vinh lo đầu ra về sữa của 15 hộ dân Quỳnh Thắng.
Ngày hai lượt, ông Vinh đi nhập sữa cho bà con ở tận trạm thu mua sữa huyện Nghĩa Đàn. Ông Bùi Văn Vinh nhớ lại: “60 con bò ban đầu đưa về cho Quỳnh Thắng do không có kinh nghiệm chăm sóc, đầu ra không có, cứ chết dần, giá sữa rẻ, chỉ còn lại 36 con. Bà con nợ nần ngân hàng nhiều hồi đó ngân hàng cho vay 30 triệu đồng một con bò sữa. Mỗi nhà mỗi ngày chỉ có dăm ba cân sữa nên nhà máy sữa mới chưa muốn thu mua, tôi nhìn sữa vắt ra phải bỏ đi mà xót xa. Bò con đẻ ra nếu là bê đực thì phải làm thịt ăn, bởi không cày kéo được. Vừa ăn vừa nuốt không vào. May mắn thì được con bê cái nhưng nhiều gia đình không dám nhân giống tiếp vì sữa không bán được. Bao nhiêu khó khăn. Tôi nằm nhiều đêm khong ngủ được, thế rồi tôi quyết định mình phải tự cứu mình.
Tôi đứng ra nói với bà con: Tôi sẽ đứng ra gom sữa cho bà con để đi nhập ở Nghĩa Đàn, không thể để thế này được”. Thế rồi ngày 2 lần sáng và chiều, ngay sau khi bà con vắt sữa xong, đưa đến, ghi sổ nhà bao nhiêu rồi gom lại tôi lên đường đi lên Nghĩa Đàn nhập, lúc đó ở Nghĩa Đàn có một bồn lạnh trữ sữa ở đó. Mỗi ngày tôi nhập được 30-40 kg sữa. Ngày đó đi nhập tôi cũng hi vọng cấp trên sẽ hỗ trợ cho 1.000 đồng/ kg sữa, nhưng sau đó cũng không có. Theo sổ sách tôi ghi chép lại, thống kê trong 6 tháng từ tháng 7 đến tháng 12/ 2006 tôi đã nhập được 5, 3 tấn sữa của bà con Quỳnh Thắng lên Nghĩa Đàn để từ đó nhà máy đưa về cho Công ty Vinamilk”.
Người đàn ông tóc đã bắt đầu râm bạc, gương mặt hiền hậu, khóe mắt rơm rớm nhớ lại ký ức ngày trước. Đã có bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa, cả gió rét của núi rừng miền Tây… nhưng ngày hai lượt ông đã miệt mài từ Quỳnh Thắng lên Nghĩa Đàn, rồi từ Nghĩa Đàn về nhà, tới 80 km. Đường sá lúc đó cũng không dễ đi như bây giờ.
“Mình phải chịu hi sinh, vất vả để cho bà con một lối ra, một niềm hi vọng. Lúc đó đường lối của tỉnh đưa nghề bò sữa về rất đúng. Mình đã nuôi được bò là thành công rồi, nhà máy đã có không có lý do gì mà đầu hàng. Thực tế bây giờ chứng minh suy nghĩ của tôi là đúng. Đã có mấy trẻ em nông thôn được uống sữa, nhu cầu sữa tươi đang rất lớn”. Ông Vinh quả quyết.
Gần 6 tháng cần mẫn đi nhập sữa cho bà con như vậy, ông Vinh đã nhận được sự đồng cảm của nhà máy, sự nể phục, yêu quí của bà con láng giềng. Mọi người họp nhau lại bàn cách phải phát triển nhiều hơn đàn bò để có sản lượng sữa nhiều hơn, từ đó yêu cầu nhà máy đầu tư bồn trữ sữa. Có sản lượng sữa lớn thì sẽ không còn vất vả. Phải làm được đầu ra về sữa là vấn đề then chốt nhất. Nói là làm, lòng ai cũng quyết tâm, họ đã chắt bóp, vay thêm ngân hàng để nhân đàn, phát triển đàn bò thêm, nhà ít thì ba con, nhà nhiều 8- 10 con bò. Niềm vui lớn đã đến với Quỳnh Thắng khi đầu năm 2007 nhà máy sữa Vinamilk đã đầu tư cho dân Quỳnh Thắng bồn trữ sữa đầu tiên tại nhà ông Vinh để bà con đến nhập sữa, từ đó ngày hai lần công ty đưa xe đến thu mua”. Có bồn lấy sữa tại nhà, ông Vinh đã được nghỉ ngơi, không còn phải đi nhập sữa tận Nghĩa Đàn nữa.
Lo được đầu ra ổn định hơn cho bà con, ông Vinh quay trở lại phát triển đàn bò nhà mình, họp dân, báo cáo với xóm, với xã ủng hộ thành lập Hiệp hội chăn nuôi bò sữa của Quỳnh Thắng. Xã đồng ý và Hiệp hội chăn nuôi bò sữa Quỳnh Thắng ra đời, tập hợp những gia đình chăn nuôi bò sữa, phổ biến kiến thức, kỹ thuật thú y cho nhau, đồng thời liên kết để bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Phong trào chăn nuôi bò sữa của xã ngày một vững vàng, nẩy sinh ra vấn đề mà Hiệp hội không giải quyết được. Được sự tư vấn của Công ty, của chính quyền, các hội viên đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến - Quỳnh Thắng và thống nhất bầu ông Bùi Văn Vinh làm chủ nhiệm. HTX có trách nhiệm lo đầu ra cho sữa, cung ứng giống, thức ăn cho các gia đình khi cần đồng thời cũng ứng các dịch vụ thú y, chăm sóc bò, dịch vụ phối tinh, chữa bệnh cho bò. Nhiều nhiệm vụ như thế nhưng hầu hết đều do “đầu tàu” Bùi Văn Vinh lo lắng, đảm nhiệm bởi bà con ngày ngày tất bật với chăn nuôi và vắt sữa bò. Điều hiếm có ở HTX này là hoạt động hoàn toàn công ích. Ai cần bắt giống ở Hà Nội, Hà Tây .. ông Vinh đi cùng để chỉ thêm kinh nghiệm, ai có bò đau, bò ốm, ông Vinh cùng những người có kinh nghiệm đến cùng chạy chữa cho bò. Riêng thức ăn những ngày giáp hạt, ông Vinh luôn có cách mua ngô từ những lúc rẻ nhất để bán cho xã viên giá thấp thua thị trường vài ba giá nên ai cũng hài lòng.
Xã viên Hồ Vĩnh Thìn ở Đồng Tiến - Quỳnh Thắng nuôi 8 con bò sữa cho biết: "Người dân nuôi bò sữa ở đây nhờ ông Vinh mới có được như ngày hôm nay, ông ấy không có chức quyền gì nhưng luôn vì mọi người".
Năm 2014, một bước tiến mới đến với nông dân Quỳnh Thắng khi ông Bùi Văn Vinh được nhà máy cho vay 200 triệu đồng để đầu tư bồn trữ sữa lạnh đạt tiêu chuẩn Châu Âu trị. Ông được nhà máy trả cho một phần hoa hồng/ tổng sản lượng sữa bởi thu gom, tính toán sản lượng sữa nhập cùng với nhà máy và bảo quản, vệ sinh bồn. Với nhiều công việc của HTX, ông Vinh hiện nuôi ba con bò sữa, trong đó hai con cho sữa, sản lượng sữa một ngày được 35 kg, thu nhập cũng 400 ngàn đồng/ ngày.
Khi tôi hỏi xin báo cáo về HTX bò sữa Đồng Tiến, ông Vinh thật thà: Mọi người cùng sản xuất, cùng có lợi, lợi là mỗi nhà hưởng, thực sự HTX không có doanh thu, không có lãi nên tôi chưa bao giờ làm báo cáo thi đua khen thưởng.
Xóm trưởng xóm 7 Nguyễn Văn Năm chia sẻ: Ông Bùi Văn Vinh là “chủ nhiệm không công” ở Quỳnh Thắng, không có ông ấy thì Quỳnh Thắng không có nghề chăn nuôi bò sữa như hiện nay, ông Vinh còn là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh của xóm. Còn chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng Bùi Văn Tiến nhận xét: Cuộc họp xã, họp HĐND xã nào ông Vinh cũng báo cáo và nhờ chính quyền tạo điều kiện về đất trồng cỏ, phát triển trang trại cho bà con chăn nuôi sữa. Ông ấy thật tâm huyết, tận tụy với bà con!
Nông dân nhận lương từ thẻ ATM
Hằng tuần, những nông dân nuôi bò sữa Quỳnh Thắng vui sướng xuống Giát để nhận tiền sữa do nhà máy Vinamik thanh toán qua thẻ ATM. Thông báo tiền sữa đã được Công ty Vinamilk gửi xuống từng nhà qua HTX bằng văn bản. Cuối tuần vừa rồi, chị Hoàng Thị Thường xóm 7 vui mừng xuống Giát nhận 13.675.000 đồng tiền sữa trong 14 ngày, đây là số tiền tăng vượt bậc so với tuần trước, nguyên nhân là do bò đang giai đoạn “đỉnh” cho sữa. Bình quân một ngày tiền sữa của gia đình chị thu nhập 700 ngàn đồng, trong đó 2 lao động chính hằng ngày phải đi cắt cỏ, chăm bò, vắt sữa, nhập sữa… Chị khẳng định nuôi bò sữa bền vững nhất. Năm 2013 chị nhận được 146 triệu tiền sữa trong thẻ ATM, số tiền này đủ lo cho cả nhà. Mình làm sao trồng cỏ phải sạch, chăm cho bò thì bò sẽ cho mình tiền.
Gia đình anh Hồ Vĩnh Thìn xóm 7 còn hướng cho tất cả các con trong gia đình nuôi bò sữa. Anh cho biết: cả 5 đứa con lập gia đình đều muốn đầu tư mua bò sữa và sinh sống bằng nghề này. Con Hồ Vĩnh Tài đã có 5 con , Hồ Thị Phương 2 con, Hồ Thị Liễu 2 con … Đứa con gái út Hồ Thị Yến cũng nèo bố bắt cho chị một con để phát triển dần. Điều này cho thấy nghề nuôi bò sữa đang rất hấp dẫn người dân nơi đây. Anh Hồ Vĩnh Thìn 3 tháng qua không lấy tiền, góp được hơn 60 triệu đồng. Những gia đình khác cũng được 10-15 triệu đồng/ tháng. Các gia đình ở đây hạnh phúc với đồng tiền mồ hôi nước mắt làm ra, họ đã giữ dìn từng tờ hóa đơn (số lượng sữa, tiền sữa, tiền thưởng…) tiền sữa hàng năm cẩn thận như một thành quả lao động của gia đình.
Nhịp sống mới của người chăn nuôi bò sữa ở Quỳnh Thắng là 4- 5 h dậy vệ sinh cho bò, chuồng bò, vắt sữa bò cho kịp để 6 h sáng ra nhập tại HTX cho nhà máy sữa chuyển đi. Sau đó về cắt cỏ, xay cỏ cho bò ăn . Khoảng 8 h cho bò ăn xong thì lại ra vườn chăm sóc cỏ, tìm thêm thức ăn cho bò hoặc chăm sóc bê con. Chiều lại cắt cỏ, vệ sinh chuồng, cho bò ăn và vắt sữa để 6 h tối nhập đúng giờ cho nhà máy. Thức ăn của bò chủ yếu là cỏ voi, hoa thạch thảo (loại hoa nhỏ mầu trắng, nhị vàng), thức ăn tinh, ngô xanh ủ chua… Công việc cứ quay liên tục cả ngày nhưng nhà nhà đều thấy vui và hạnh phúc bởi có thu nhập đều.
Chủ nhiệm HTX thay mặt bà con kết nối với Công ty sữa Vinamilk, nhận trách nhiệm thu gom sữa cho bà con, cùng công ty hỗ trợ một số kỹ thuật khó trong chăn nuôi bò đối với hộ mới.
Với sự phát triển ổn định của sản lượng sữa, những năm gần đây, Công ty sữa Vinamilk chuyển tiền vào thẻ ATM cho ngân hàng tại Giát và bà con đã quen với một thói quen mới là nhận tiền từ ngân hàng tự động. Tưởng xuống Giát nhận tiền vất vả, hóa ra các hộ ở đây vui vẻ, ai cũng muốn xuống Giát lấy tiền xong còn mua sắm các vật dụng gia đình, từ cái chiếu hoa, cái áo mới, gửi tiền cho con học Đại học ở Hà Nội… Có những nhà có kế hoạch đầu tư lớn thì hai ba tháng không xuống nhận tiền mà góp lại để mua cho được con bò mới. Một con bò sữa cái tốt hiện giá lên tới 60 triệu đồng. Đắt như vậy nhưng nông dân Quỳnh Thắng ai cũng mong nhà mình có thêm nhiều bò, đồng nghĩa với thu nhập tăng lên.
Được biết hiện nay HTX có 34 hộ xã viên chính, bình quân mỗi hộ nuôi ít nhất 3 con bò, nhiều nhất là 10 con. Tổng số bò 151 con, năm 2014 tăng thêm gần 20 con bò. Hàng ngày, Quỳnh Thắng đã cung cấp cho nhà máy sữa Vinamilk từ 2.250 kg sữa đến 2.400 kg sữa. Với giá sữa hiện nay 12.500 đồng/ kg, thì doanh thu từ sữa của người dân nơi đây khá lớn: khoảng 28 triệu đồng/ ngày. Đây là con số ấn tượng nếu so với thời ông Vinh đi nhập ở Nghĩa Đàn mỗi ngày 30 - 40 kg sữa.
Bên cạnh đó, HTX cũng hướng dẫn cho các xã viên chăn nuôi bò đầu tư hệ thống bioga để bảo vệ môi trường và có gas để đun nấu. Trước khi vắt sữa, bò được tắm rửa sạch bầu vú và dọn chuồng sạch sẽ. Bà con dùng máy vắt sữa tự động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con con bò được đầu tư lớp lót đệm cao su để bò nằm và bảo vệ đôi chân vì chân bò sữa khá yếu do ít được di chuyển. Cỏ cho bò ăn không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà bà con dùng bằng phân hữu cơ. Những nông dân ở đây phải biết được khi nào bò chuẩn bị mang thai, chuẩn bị đẻ, đỡ đẻ cho bò… Mặc dù chăn nuôi nhiều song với cách làm trên, môi trường ở Quỳnh Thắng vẫn xanh - sạch – đẹp.
Từ một vùng quê nghèo khó, từ khi có nghề nuôi bò sữa, người dân xã Quỳnh Thắng đã một cuộc sống khấm khá. Có được thành quả đó là nhờ sự chung tay tháo gỡ khó khăn của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự năng động cần cù của bà con, đặc biệt là tấm lòng, trách nhiệm của ông Bùi Văn Vinh, một cựu chiến binh ở Quỳnh Thắng.
Bài và ảnh: Châu Lan