Phóng sự

'Đầu tàu' ở bản Chà Lấu

Ly-An 03/09/2024 07:44

“Trưởng bản Chà Lấu à? -“Đầu tàu” trong đội ngũ cán bộ thôn bản ở xã mình đấy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…”, Đồng chí Sầm Văn Thành- Bí thư Đảng uỷ xã biên giới Nậm Giải đã nói vậy khi chúng tôi hỏi thăm về anh Vi Văn Kỳ, SN 1989- điển hình làm kinh tế giỏi được chọn tham luận tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số huyện Quế Phong năm 2024

img_2454-1-.jpg

Quyết chí làm giàu trên đất quê hương

Ghé thăm ngôi nhà sàn khang trang của anh Vi Văn Kỳ khi đã gần trưa, trong cái nắng gắt, vẫn thấy trưởng bản trẻ đang chạy ngược xuôi đốc thúc hoàn thiện đường cờ trên khu vực cầu nội thôn.

Được biết, đây là công trình của bản chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9.

img_2710(1).jpg
Anh Vi Văn Kỳ- Trưởng bản Chà Lấu, xã Nậm Giải kiểm tra công tác chuẩn bị đón ngày Quốc Khánh 2-9.Ảnh: KL

Tranh thủ dẫn khách thăm một vòng các công trình của thôn bản, " thủ lĩnh" bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ đồng thời "trải lòng" về hành trình lập nghiệp gắn với việc dân, việc bản tại quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở bản làng bên con sông Nậm Giải lúc hiền hoà như dải lụa, khi cuồn cuộn nước lũ, học hết cấp 3, chàng trai người dân tộc Thái Vi Văn Kỳ không đi làm ăn xa như bạn bè cùng trang lứa mà lựa chọn ở lại bản phát triển kinh tế hộ dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương.

bna_fotojet-1-7b271e9a97f5500468a39b01edfc941e.jpg
Anh Vi Văn Kỳ- Trưởng bản Chà Lấu quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng. Ảnh: KL-QA

Là thanh niên trẻ mang nhiều hoài bão, năm 18 tuổi, Kỳ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tại thời điểm đó, anh là đảng viên trẻ nhất của bản Chà Lấu và đang là Bí thư chi đoàn bản. Sau đó, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản khi mới 25 tuổi.

Hiểu được người dân vùng cao còn ngại trong tiếp cận cái mới, cứ phải “mắt thấy, tai nghe” mới tin, mới làm theo, "thủ lĩnh" trẻ Vi Văn Kỳ luôn nêu gương trong phát triển kinh tế hộ; đồng thời sát cánh cùng chi bộ, ban quản lý bản tuyên truyền, vận động người dân mở rộng sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao chất lượng, năng suất của sản phẩm.

Bản thân anh bắt đầu hành trình lập nghiệp từ việc học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn vay để đầu tư gây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô ngày càng mở rộng. Từ vài con, đến nay, gia đình Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã có 30 con trâu bò khoanh nuôi ở vùng Huồi Ợt, 10 con dê, vài trăm con gà đen.

3ada7bcd61c9c6979fd8(1).jpg
Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ đầu tư chăn nuôi trâu bò quy mô lớn ở vùng Huồi Ợt. Ảnh: KL

Với lợi thế sức trẻ, anh đã tự tìm hiểu thông qua mạng internet, tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi không sử dụng thức ăn tăng trọng để hạn chế tối đa dịch bệnh. Đồng thời chủ động trồng các loại cỏ sạch (cỏ voi, cỏ sứa, cỏ sả, chè khổng lồ...) để sử dụng làm thức ăn cho gia súc nên đàn vật nuôi của gia đình anh phát triển tốt.

Song song với chăn nuôi, với 6 hec ta đất rừng, gia đình anh Vi Văn Kỳ tập trung trồng keo xen lẫn 800 gốc quế mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, bằng sức trẻ cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 800m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xen kẽ rau màu và dưa hấu để phù hợp thời tiết địa phương.

Vào mùa hè, nắng to, anh trồng dưa hấu đỏ; sau đó trồng một vụ ngô vào mùa gần Tết, rét lạnh chuyển sang trồng rau màu (bắp cải, xu hào, súp lơ, cải mẹo...).

Anh còn đầu tư lắp đặt hẳn một hệ thống dàn tưới tự động hiện đại phục vụ cho việc trồng dưa hấu và rau màu; đồng thời đào ao thả cá trắm, cá rô phi... Mỗi năm trừ chi phí, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.

img_2622(1).jpg
Anh Vi Văn Kỳ- Trưởng bản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: KL

Bám sát định hướng phát triển theo mô hình kinh tế xanh của địa phương, năm 2023, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Với sự cố gắng thay đổi hệ thống tưới tiêu, cải thiện chất đất và quy hoạch hợp lý, hiện nay vườn của gia đình anh đã được công nhận là vườn đạt chuẩn.

Đầu năm 2024, với sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Ban Dân vận Huyện ủy, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã tiên phong đầu tư xây dựng chuồng trại để thí điểm nuôi hươu sao. Đến thời điểm hiện tại, đàn hươu đang thích nghi và phát triển tốt.

fotojet(1).jpg
Trưởng bản Vi Văn Kỳ là hộ đầu tiên thí điểm nuôi hươu ở bản Chà Lấu. Ảnh: KL

Qua tìm hiểu thị trường, nhận thấy, giống gà đen bản địa được ưa chuộng, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã mạnh dạn đứng ra thành lập và là tổ trưởng tổ hội nuôi gà đen đầu tiên của bản Chà Lấu với quy mô 3 hộ gia đình, mỗi hộ hơn 300 con (nguồn giống do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ), đến nay đã xuất ra thị trường 1 đợt gần 900 con, được người tiêu dùng rất ưa thích.

Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi giúp gia đình Trưởng bản Vi Văn kỳ mở rộng quy mô, đầu tư tái sản xuất, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm được cả xe hơi đắt tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

img_2441-1-(1).jpg
Kinh tế ổn định giúp Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ (giữa) xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được xe hơi phục vụ sinh hoạt. Ảnh: QA

"Điều quan trọng nhất là phải xây dựng mô hình chăn nuôi có tính bền vững thông qua chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường và phải thường xuyên học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là trong khâu phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng mạng xã hội giới thiệu, quảng bá, đảm bảo thị trường đầu ra tiêu thụ ổn định cho cây, con"- anh Vi Văn Kỳ chia sẻ.

Tận tuỵ với việc dân, việc bản

Bận rộn với phát triển kinh tế nhưng Phó Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ không lơ là "việc dân, việc bản". Mọi công to, việc nhỏ trong bản đều có sự có mặt, chỉ đạo, đồng hành của trưởng bản trẻ tuổi.

Ai có nhu cầu tìm hiểu kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cũng đều được anh hướng dẫn tận tình.

8ac29efafbd45c8a05c5(1).jpg
Đường vào khu vực cụm phía trong của bản Chà Lấu. Ảnh: KL

Chà Lấu có 57 hộ, 241 khẩu, hiện nhiều người dân trong bản đã học theo trưởng bản chăn nuôi, trồng rừng. Toàn bản hiện có 60 ha keo, mỗi hộ bình quân 3-4 ha.

Người dân cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây. Toàn bản hiện có 220 con trâu bò, trong đó có vài hộ chăn nuôi hơn 20 con trâu bò trở lên.

Trong năm 2022, bản Chà Lấu có 4 hộ thoát nghèo, đến năm 2023, bản có thêm 3 hộ thoát nghèo trong đó có hai hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo là hộ ông Hà Văn Hoạch và ông Lộc Văn Vinh.

013f605a7a5edd00844f(1).jpg
Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân trong bản Chà Lấu đã tập trung chăn nuôi quy mô lớn. Ảnh: KL

Bên cạnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vi Văn Kỳ đã cùng với chi bộ, Ban quản lý bản thực hiện "dân vận khéo", qua đó phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhân dân đã đóng góp hơn 800m2 đất, 500 ngày công, 75 triệu đồng phục vụ xây dựng Nông thôn mới.

Riêng trong năm 2023, bản Chà Lấu làm được 210 m bê tông hoá các tuyến đường nhánh, lắp 20 bóng đèn đường, làm đường cờ cố định ở cầu khe Một. Đồng thời huy động nhân dân đóng góp ngày công hỗ trợ san nền, đổ móng dựng nhà lắp ghép do Bộ Công an hỗ trợ cho 6 hộ khó khăn trong bản.

fbdf3f58b9761e284767(1).jpg
Đường cờ do Trưởng bản Vi Văn Kỳ huy động dân triển khai lắp đặt. Ảnh: KL

Trao đổi về dự định trong tương lai, "đầu tàu" bản Chà Lấu Vi Văn Kỳ trăn trở: "Để xoá nghèo bền vững và giữ chân lao động ở lại địa phương thì phải có những mô hình kinh tế ổn định, có tính liên kết theo chuỗi hàng hoá. Vì thế, tôi ấp ủ ý định đầu tư máy ấp trứng về phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con, qua đó, mở rộng quy mô các tổ hội chăn nuôi nghề nghiệp trên địa bàn".

doan-dai-bieu-quoc-hoi-du-ngay-hoi-dai-doan-ket-o-ban-cha-lau-xa-nam-giai-que-phong-.-anh-tu-lieu-dc(1).jpeg
Đoàn Đại biểu Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Chà Lấu, xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh tư liệu Đặng Cường

Mới nhất
x
x
'Đầu tàu' ở bản Chà Lấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO