Đấu tranh ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật ở khu vực biên giới

18/11/2017 07:34

(Baonghean) - Trước tình trạng đồng bào Mông di cư trái phép sang Lào gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ổn định trật tự xã hội trên địa bàn vùng cao, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp hạn chế di dịch cư, từng bước ổn định cuộc sống cho bà con vùng biên.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn) tuyên truyền Luật Biên giới cho học sinh THCS Nậm Càn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn) tuyên truyền Luật Biên giới cho học sinh THCS Nậm Càn.

Hỗ trợ người hồi cư ổn định cuộc sống

Do nhẹ dạ cả tin nghe lời rủ rê của kẻ xấu, tháng 2/2017, anh Vừ Vả Co ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) đã bán hết tài sản đưa vợ con di cư trái phép sang Lào. Sau 3 tháng trở về, vợ chồng anh cùng 5 người con, cháu trở thành người vô gia cư, không tấc đất sản xuất.

Vạn bất đắc dĩ, ông Và Chư Cở - bố Vừ Vả Co phải ra tay cưu mang gia đình con trai. Ông Cở chia sẻ: “Con trai tôi cứ nghe người ta bảo di cư sang Lào sướng, sang đến nơi mới biết rất khổ, không nhà cửa, không đất đai nên phải tìm đường trở về, vì vậy, bà con người Mông ta nên chăm chỉ làm ăn thôi, đừng di cư sang Lào nữa”.

Ông Già Chống Tểnh, 55 tuổi, bản Ca Dưới xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) cũng là người thấm thía nỗi khổ di cư. Cách đây hai năm với lý do đoàn tụ gia đình, anh em dòng họ ở bên Lào, ông đã âm thầm bán toàn bộ tài sản, đưa vợ con di cư trái phép sang Lào hơn. Mới hơn 1 năm, ông được Chính phủ Lào trao trả về Việt Nam. Trở về với tình trạng nhà không, vườn trống, gần 10 miệng ăn trong gia đình phải sống nhờ tại nhà người con trai đầu.

Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó Chủ nhiệm chính trị (BĐBP) tỉnh cho biết: Nguyên nhân sâu xa của tình trạng di cư trái phép qua bên kia biên giới xuất phát từ sự hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó là tình trạng tập quán du canh, du cư của đồng bào Mông đã có từ bao đời cộng với thực tế một số bộ phận khi tách hộ thiếu đất sản xuất làm nương rẫy nên khó khăn trong đời sống; đặc biệt, nhiều người vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo với lời hứa hẹn có một cuộc sống tốt đẹp hơn phía bên kia biên giới nên đã không ngần ngại rời bỏ làng bản để sang Lào.

Từ năm 2012-2017, toàn tỉnh có 307 hộ/1669 khẩu di cư sang Lào, số hồi cư trở về là 43 hộ, 242 khẩu. Trong đó năm 2016 có 29 hộ/ 146 khẩu di cư nhưng chỉ có 5 hộ/ 30 khẩu hồi cư; năm 2017 có 30 hộ/143 khẩu di cư đến thời điểm này mới có 4 hộ/19 khẩu trở về..., tập trung ở các xã biên giới thuộc địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương.

Hầu hết các hộ di cư theo đường tiểu ngạch, có một số sử dụng hộ chiếu đi công khai dưới hình thức thăm thân, còn lại vượt biên trái phép. Tình trạng này đã gây những xáo trộn, khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, kiểm soát tình hình ANTT biên giới.

Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng việc di cư này để trà trộn thực hiện âm mưu đen tối, vận chuyển trái phép chất ma túy...

Để góp phần hạn chế tình trạng người dân di cư trái phép, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cấp các ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ người hồi cư, trong đó có hoạt động giúp đỡ nhân nhân phát triển kinh tế xã hội bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả, từ việc xây dựng nhà cửa, công trình công cộng cho đến nguồn vốn sản xuất.

Một số hộ dân hồi cư được các đồn biên phòng “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ bò giống, lợn giống, cá giống, vịt trời và phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất phù hợp với đặc thù khí hậu, đặc điểm tự nhiên ở địa phương để ổn định cuộc sống.

Trong năm 2017, cả 4 hộ di cư trái phép sang Lào trở về là Và Tồng Xo ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn; Lỳ Vả Giò ở bản Noọng Hán, xã Đọoc Mạy; Mùa Y Tu và Mùa Bá Mai ở bản Kèo Bắc, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn)... đều được BĐBP và chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ động viên để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật

Cùng với nỗ lực giúp đồng bào di cư trở về phát triển kinh tế, XĐGN, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bà con các dân tộc vùng biên giới với nhiều hình thức như đối thoại trực tiếp về di dịch cư, phòng chống mua bán người; vận động những người hồi cư kiểm điểm, nói chuyện trước dân; triển khai chương trình giáo dục Luật biên giới quốc gia cho học sinh lớp 9 các trường THCS các xã biên giới...

Từ đó, làm cho người dân hiểu rằng việc di cư trái phép qua bên kia biên giới không thể mang lại cuộc sống ấm no, ngược lại còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.

Như đồn Biên phòng Mỹ Lý, phụ trách các xã Mỹ Lý và Bắc Lý - 2 địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, với tổng dân số là 1938 hộ/10.072 khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống.

Từ kết quả khảo sát nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, Đồn đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương, cung cấp tài liệu, tờ rơi, biên soạn giáo án với nội dung dễ nhớ, dễ thuộc bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, trình chiếu qua máy tính điện tử; xây dựng tủ sách pháp luật với 34 đầu sách; đồng thời gây dựng “hạt nhân” nòng cốt là 3 tổ, đội tuyên truyền phổ biến pháp luật và 2 CLB tuyên truyền pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong địa bàn biên phòng.

Năm vừa qua, cán bộ chiến sỹ của Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã tuyên truyền vận động, ngăn chặn kịp thời 19 hộ từ bỏ ý định di cư sang Lào.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.

Một số đơn vị như Đồn Biên phòng Nậm Càn (Kỳ Sơn) đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương tổ chức thành công các hội nghị chống di cư trái phép sang Lào. Ngoài sự tham gia của cán bộ và nhân dân trong xã, còn có sự có mặt của những hộ di cư và trở về cùng những câu chuyện chân thực kể về cuộc sống khó khăn, vất vả trong quá trình di cư như những nhân chứng sống.

Với đặc thù của địa bàn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có 25 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, tình hình di cư diễn biến phức tạp (theo lãnh đạo địa phương trong 8 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn có tới 6 hộ di cư trái phép sang Lào, trong đó nhiều nhất là ở các bản Nậm Khiên, Liên Sơn) thì đây là cách tuyên truyền hiệu quả, sống động nhất đối với người dân.

Theo Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó Chủ nhiệm chính trị (BĐBP tỉnh): Bên cạnh các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, để giải quyết vấn đề người di cư tự do trái phép từ Việt Nam sang, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Cục BĐBP Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Lào đã phối hợp làm tốt công tác quản lý bảo vệ biên giới và đấu tranh ngăn chặn hoạt động di cư trái phép của người Mông Việt Nam sang Lào; xây dựng kế hoạch tiếp nhận dân hồi cư từ Lào về khi 2 Chính phủ Việt Nam và Lào thống nhất các phương án giải quyết.

Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Xiêng Khoảng, Lào tổ chức diễn tập liên hợp ngăn chặn người Mông Việt Nam di cư tự do và xuất, nhập cảnh trái phép sang Lào, góp phần giữ vững bình yên ở các bản làng và đảm bảo trật tự an ninh ở khu vực biên giới.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Đấu tranh ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật ở khu vực biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO