Đầu tư công lãng phí: Lỗi từ quá khứ, không truy được trách nhiệm
Đầu tư công, nợ công là nội dung quan trọng được kỳ họp Quốc hội đang diễn ra bàn luận sôi nổi. Trước đây việc này được thực hiện theo Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, đầu tư công được Quốc hội giám sát chặt chẽ và đã có Luật đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Hiện Chính phủ đang soạn thảo các quy định để Luật có thể đi vào cuộc sống.
Một trụ sở UBND được cho là hoành tráng so với qui mô dân số ở địa phương |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thắt chặt đầu tư công là làm sao đầu tư cho hiệu quả và phải tập trung vào những công trình hạ tầng cơ sở tạo ra sự phát triển như giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… Nhưng cũng có chuyện phải đầu tư xây dựng trụ sở, cụ thể như trụ sở làm việc của xã, hiện nay cũng chưa phải là đủ hết.
Tuy nhiên, một số nơi đầu tư trụ sở cấp tỉnh hoành tráng, theo ông Hiển, việc này là đáng phê phán. Việc đầu tư những công trình như vậy phải hạn chế còn những cái đã đầu tư rồi thì phải chấp nhận để đấy, tiếp tục khai thác.
Phân tích về nguyên nhân gây lãng phí tràn lan như hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng: “Đây được xem là lỗi của quá khứ và nay chúng ta vẫn đang phải giải quyết hậu quả này tuy nhiên vấn đề trách nhiệm lại không truy được vì trước đây chưa quy định rõ”.
Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, những ‘khuyết tật’ của đầu tư công trong thời gian qua là có thật và hy vọng điều này sẽ được thể chế hóa khi Luật Đầu tư công có hiệu lực.
Cho rằng, khắc phục tình trạng kém hiệu quả trong đầu tư công cần có thời gian nhất định, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nói: “Chúng ta cũng cần phải có thời gian để chuyển sang giai đoạn có hiệu lực của Luật Đầu tư công. Điều này cũng cần phải có quá trình chứ không phải cứ ngủ một đêm tới sáng là mọi việc thay đổi được”.
Cũng theo ông Trần Du Lịch, quá trình đầu tư trước đây liên quan đến lợi ích địa phương, lợi ích bộ ngành tôi nghĩ rằng chúng ta phải rà soát lại. Chính vì cái sai, cái không đúng đó mới ra đời Luật Đầu tư công sau này.
Đây cũng chính là lý do khiến cho từ năm 2011 trở về trước nhiều công trình dở dang và các địa phương rất muốn chạy theo thành tích rồi tự ứng vốn làm dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. “Nay chúng ta vẫn đang phải giải quyết hậu quả này”, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân.
Trách nhiệm không rõ ràng
Nhìn nhận cả mặt được và chưa được trong đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dường như chúng ta đang chỉ nhìn những mặt tiêu cực chứ những mặt tích cực của đầu tư công vẫn đem lại. Rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã đi vào sử dụng như trong giao thông, bệnh viện, trường học… mang lại hiệu quả thực sự.
Chia sẻ điều này, đại biểu Trần Du Lịch nói: Chắc chắn có những dự án cũng mang lại hiệu quả nên mới có nhận định không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ kia. Tuy nhiên về điều này trong tương lai phải chỉnh lại.
Thế nhưng, cũng phải nghiêm túc thấy rằng, vẫn còn những dự án thi công dở dang, không hiệu quả. Thậm chí tính quy hoạch tổng thể cũng có vấn đề. Ví dụ như những thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh rất cần những bệnh viện mới đáp ứng nhu cầu thực tế thì lại không quyết liệt.
Không hiệu quả, lãng phí là vậy, tuy nhiên, khi truy đến trách nhiệm cá nhân trong việc này, cả ông Trần Hoàng Ngân và Trần Du Lịch đều không có bình luận gì và bày tỏ niềm tin: “Tương lai Luật Đầu tư công gắn với trách nhiệm của người ra chủ trương đầu tư gắn với trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư… Làm rõ điều này thì sẽ giảm tiêu cực.
Hiện bản thân Hội đồng nhân dân các cấp phải giám sát quá trình đầu tư, Quốc hội khi thực hiện các chương trình rồi phát hành trái phiếu là phải có địa chỉ cụ thể.
“Những dự án đó phải đủ điều kiện thì mới được triển khai còn lãnh đạo địa phương nào sai phạm thì căn cứ vào đó để xử lý” – ông Trần Hoàng Ngân nói.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Du Lịch cho rằng, trong Luật Đầu tư công sẽ quy định trách nhiệm rất rõ, hơn nữa trước đây phương thức đầu tư là theo năm, bây giờ là theo trung hạn, có kế hoạch. Tức là chúng ta sẽ tính toán cân đối được nguồn.
“Trước đây trách nhiệm không được xác định rõ ràng, cơ chế cũng không rõ nên quy cho ai cũng khó. Nhưng nay theo Luật mới thì rõ ràng rồi và sẽ quy được trách nhiệm cụ thể. Việc đầu tư công cũng được siết chặt hơn nên sẽ không còn tình trạng như vừa qua nữa” – ông Trần Du Lịch khẳng định.
Còn theo ông Phùng Quốc Hiển, phải giám sát tất cả các hoạt động đầu tư. Một nguyên tắc đặt ra là kiểm toán không chỉ kiểm toán tài chính, tuân thủ và mà phải đặc biệt chú trọng đến kiểm toán hoạt động. Nghĩa là kiểm toán hiệu quả đầu tư của dự án. Đó mới là việc chúng ta phải làm và mới là quan trọng. Giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách và Kiểm toán là đã đặt ra mục tiêu đó.
Theo VOV