Đầu tư phát triển du lịch: Thiếu quy mô, bài bản
(Baonghean) - Hoạt động du lịch tỉnh ta hiện nay đang nằm trong định hướng lớn theo "Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Nghệ An đến năm 2020" mà UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tiễn, đó chỉ mới là "điều kiện mở" để du lịch tỉnh nhà hoạt động bên cạnh sự điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm mà chưa có "điều kiện thực chất" để đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững dài hơi. Căn cứ theo quy hoạch nói trên, còn quá nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tỉnh nhà nói chung và ngành Du lịch nói riêng.
Một góc đô thị biển Cửa Lò. Ảnh: Xuân Nhường.
Đòi hỏi nỗ lực lớn nhất vẫn là trong xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch. Như đã biết, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, nguồn lực đầu tư cho du lịch hạn chế, nhất là về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch còn rất eo hẹp. Một số công trình du lịch, văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí mang tầm cả nước và khu vực chưa thu hút được đầu tư. Sự vào cuộc, phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cho phát triển du lịch thiếu tích cực và đồng bộ... Các nguyên nhân trên dẫn tới công tác tổ chức thực hiện quy hoạch chậm trễ và chưa đáp ứng yêu cầu. Quy hoạch một số khu, điểm du lịch còn chồng chéo, thậm chí đã trở nên lạc hậu có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong vấn đề liên kết vùng, khu vực, mở các tour, tuyến mới để thu hút du khách quốc tế chưa được triển khai hiệu quả...
Mặc dù vậy, cũng phải nhận thấy rằng, nếu các công trình văn hoá, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh không được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới từ nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hoá, bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể, góp phần thúc đẩy và thu hút khách du lịch nội địa hướng về cội nguồn, du lịch tâm linh Lễ hội, thì du lịch tỉnh nhà khó có thể đưa ra chỉ số trên 2,5 triệu lượt khách đến Nghệ An hàng năm như hiện nay.
Nhưng xét về lĩnh vực kinh tế du lịch thuần túy, đó chưa phải là điều kiện đưa lại giá trị doanh thu du lịch thực sự xứng với tiềm năng. Chỉ số 2,5 triệu lượt khách nói trên chủ yếu là khách nội địa, đến Nghệ An với mục đích hành hương, tâm linh là chính; trong khi, để tạo giá trị doanh thu cao và thực sự phát huy được kinh tế du lịch phải là thu hút được khách quốc tế... Vậy du lịch tỉnh nhà phải bắt đầu tính toán "đi" từ đâu? Đó là phải có giải pháp tốt nhất để nhanh chóng thu hút đầu tư từ bên ngoài (trong, ngoài nước) của các nhà đầu tư lớn để khai thác hiệu quả tiềm năng một cách có chiều sâu với những dự án quy mô lớn, đầu tư một cách bài bản, từ đó khắc phục tình trạng sản phẩm du lịch đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, đẩy hoạt động lữ hành lên trình độ chuyên nghiệp thực sự... Mặt khác, phải có sựđầu tư hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để tránh nguy cơ tiềm ẩn xuống cấp môi trường du lịch ở một số khu, điểm du lịch ven biển. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ con người của hoạt động du lịch theo kịp xu thế phát triển và hội nhập hiện nay, đặc biệt là tính chuyên nghiệp và văn hoá giao tiếp, trình độ ngoại ngữ ...
Thực hiện quy hoạch tổng thể, UBND tỉnh đã phê duyệt, trong phát triển du lịch, tỉnh ta xác định đầu tư và thu hút đầu tư để đưa Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn trở thành cụm du lịch gắn với du lịch quốc gia, quốc tế; tập trung xây dựng quần thể Khu Di tích Kim Liên gắn với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn trở thành khu du lịch quốc gia, là điểm nhấn đặc biệt cho thương hiệu du lịch Nghệ An. Phát triển bền vững sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển trên cơ sở xây dựng Cửa Lò thành đô thị du lịch có môi trường trong sạch, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch Thành phố Vinh và vùng phụ cận, xây dựng Thành phố Vinh trở thành trung tâm lưu trú và trung chuyển khách du lịch. Mở rộng nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có, ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch mới, công trình văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống có quy mô lớn, chất lượng cao.Xây dựng chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng ven biển, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, hệ thống khách sạn và công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách...
Xác định mục tiêu đầu tư như vậy là hết sức nặng nề, nhưng cho đến nay du lịch tỉnh ta gần như mới chỉ đưa ra được giải pháp hiệu quả từ chủ yếu huy động và khai thác các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và nhân dân. Đối với các doanh nghiệp, còn rất ít doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ ở Nghệ An, và nếu đầu tư vào thì chưa phát huy hiệu quả hoặc có dấu hiệu chệch hướng. Như vậy, xem ra việc thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từng bước hình thành một số khu, điểm, cơ sở du lịch chất lượng cao, hiện đại có tính đột phá để thu hút khách du lịch trong nước và quốc của tỉnh ta vẫn còn hết sức khó khăn.
Đình Sâm