Đầu tuần giá lúa gạo ổn định, giao dịch sôi động; Người Việt giảm tiêu thụ mì ăn liền

Việt Phương (Theo Congthuong.vn) 03/07/2023 06:34

(Baonghean.vn) - Đầu tuần giá lúa gạo ổn định, giao dịch sôi động; Giá cà phê tiếp tục giảm; Giá tiêu dao động quanh mốc 70.000 đồng/kg; Người Việt giảm tiêu thụ mì ăn liền... là những thông tin về tình hình thị trường hôm nay.

Đầu tuần giá lúa gạo ổn định, giao dịch sôi động

Giá lúa gạo hôm nay ngày 3/7 tại thị trường trong nước xu hướng ổn định và đi ngang.

Theo đó, tại An Giang, giá lúa tiếp đà ổn định từ cuối tuần trước và vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, nếp AG (tươi) hôm nay được thương lái mua tại ruộng ổn định trong mức từ 5.700 - 5.900 đồng/kg; nếp Long An (tươi) dao động trong khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Lúa IR 50404 trong khoảng 6.300 - 6.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 6.900 - 7.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 6.300 - 6.600 đồng/kg; lúa OM 18 giá 6.500 - 6.600 đồng/kg. Nàng Hoa 9 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

gạo.jpeg
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định ở mức 508 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.

Hiện các địa phương đang thu hoạch lúa Hè Thu. Trong đó tại Hậu Giang, theo ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 8.500ha trong tổng số 75.207 ha lúa Hè thu đã xuống, với năng suất bình quân ước đạt 6,37 tấn/ha.

Về giá bán tại Hậu Giang đang ở mức từ 6.200-6.500 đồng/kg (tùy giống), trong đó có một số loại giống lúa được nông dân thu hoạch chủ yếu hiện nay là OM 18, Đài Thơm 8, OM 5451.

Tương tự, với giá gạo nguyên liệu và thành phẩm hôm nay ổn định. Trong tuần qua giá gạo liên tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng nhẹ. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 HT ở mức 10.000 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 được thu mua ở mức 11.400 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ lẻ, giá gạo không có điều chỉnh nào trong vòng 1 tuần qua.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định ở mức 508 USD/tấn đối với gạo 5% tấm; gạo 25% tấm ở mức 488 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.

Giá cà phê sẽ tiếp tục giảm?

Giá cà phê hôm nay ngày 3/7, ở thị trường trong nước cao nhất là 64.700 đồng/kg. Giá cà phê thế giới tiếp tục có xu hướng tiếp nối đà giảm của tuần trước.

Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng được thu mua phổ biến với giá 64.200 đồng/kg; giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Gia Lai trung bình đạt 64.500 đồng/kg và giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông cao nhất là 64.700 đồng/kg.

c5188403-9414-4285-81cf-ad72d872f1f520221028193304.jpeg
So với tuần trước, giá cà phê mở đầu tuần này đã giảm 1.400 – 1.500 đồng/kg, tùy địa phương.

Giá cà phê trong nước giảm do chịu áp lực từ việc giá cà phê kỳ hạn trên 2 sàn giao dịch London (Anh) và New York (Mỹ) giảm mạnh.

Ở phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm mở cửa ngày 3/7, giá cà phê Robusta trên sàn London (Anh) dao động từ 2.293 – 2.491 USD/tấn, tùy kỳ hạn giao hàng. Trong đó, giá cao nhất và khối lượng giao dịch lớn nhất là cà phê kỳ hạn giao hàng tháng 9/2023 đạt giá 2.491 USD/tấn. Các kỳ hạn giao cà phê còn lại lần lượt khớp giá là 2.391 USD/tấn kỳ hạn giao cà phê tháng 11/2023; 2.326 USD/tấn giao hàng tháng 01/2024 và 2.293 USD/tấn giao cà phê tháng 3/2024.

Theo các chuyên gia, giá cà phê trong tuần qua liên tục giảm mạnh do nhiều lý do. Trong đó, đáng nhắc đến là thị trường Brasil đang bước vào mùa vụ thu hoạch và tiêu thụ hàng mới gây áp lực tiêu thụ lên thị trường, song song với đó, dự trữ nguồn cung trên sàn London (Anh) cũng đã có tín hiệu tăng trở lại. Đây là 2 nguyên nhân trực tiếp nhất kéo giá cà phê tuần qua giảm mạnh. Ngoài ra, kết thúc nửa đầu năm 2023, dự báo không mấy khả quan của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dự báo điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư; hay Tỷ giá đồng nội tệ của Brasil tăng so với đồng USD cũng được coi là những nguyên nhân thúc đẩy giá cà phê giảm.

Dự báo mức giảm này vẫn duy trì trong ngắn hạn, dù vậy, theo các chuyên gia giá cà phê trên sàn giao dịch thế giới sẽ không giảm mạnh như tuần qua.

Giá tiêu dao động quanh mốc 70.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp xu hướng đi ngang sau nhiều phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu dao động quanh 66.500-70.000 đồng.

Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) được thương lái thu mua ở mức 66.500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk giá tiêu tiếp tục duy trì mức giá 67.500 đồng/kg. Tại Đắk Nông giá tiêu hôm nay cũng không thay đổi và duy trì mức 67.500 đồng/kg.

Trong đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mốc 68.500 đồng/kg vào cuối tuần. Tại Bình Phước, giá tiêu ở mức 69.000 đồng/kg. Bà Rịa Vũng Tàu vẫn có giá cao nhất và hôm nay được thương lái thu mua ở mức 70.000 đồng/kg.

tiêu.jpeg
Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu được thương lái thu mua quanh mốc 66.500 – 67.500 đồng/kg.

Tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 156.000 tấn hồ tiêu các loại, với giá trị 498 triệu USD.

Trong số các thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu. Cụ thể, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5 tăng 2,6% so với tháng trước lên mức 10.255 tấn; sang Mỹ tăng 41%, đạt 5.459 tấn; UAE tăng 137,1%, đạt 1.679 tấn; Đức tăng 10,1%, đạt 1.047 tấn; Hà Lan tăng 11,4%,...

Theo giới kinh doanh đánh giá, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại.

Người Việt giảm tiêu thụ mì ăn liền

Nếu như trong giai đoạn 2017-2021, sản lượng tiêu thụ mì gói của người Việt liên tục tăng qua các năm thì sang năm 2022 con số có xu hướng giảm từ 8,56 tỷ gói xuống 8,48 tỷ gói.

Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, tiếp tục đứng thứ 3 sau Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói) và Indonesia (14,26 tỷ gói).

So với năm 2021, nhu cầu của người dùng Việt trong năm 2022 đã giảm nhẹ, ở mức gần 1%. Trong khi đó, năm 2021, Việt Nam tiêu thụ 8,56 tỷ gói, tăng hơn 20% so với 2020. Thống kê của WINA cho thấy sức tiêu thụ mặt hàng này tiếp tục tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ngoài ra, với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm: Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Nam Á đang chiếm khoảng 23,5% nhu cầu về mì ăn liền của cả thế giới.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33% thị phần.

Các sản phẩm mì ăn liền cũng được phân loại rõ rệt với các phân khúc bình dân có giá dao động khoảng 1.500-3.000 đồng/gói; phân khúc trung cấp với giá 3.500-5.000 đồng/gói và phân khúc cao cấp với giá từ 7.000 đồng/gói trở lên. Tuy vậy, phần lớn thị phần vẫn tập trung ở phân khúc bình dân.

Mới nhất

x
Đầu tuần giá lúa gạo ổn định, giao dịch sôi động; Người Việt giảm tiêu thụ mì ăn liền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO