Đau vai gáy là bệnh gì, nguyên nhân và các phương pháp điều trị?
Đau vai gáy khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi. Đau vai gáy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Căn bệnh kéo dài khiến tình hình của người bệnh ngày càng trở nặng.
Đau vai gáy là căn bệnh phổ biến, xảy ra do căng cơ hoặc những nguyên nhân không mấy nguy hiểm. Người đau vai gáy có thể kiểm soát cơn đau bằng các phương pháp tập vật lý trị liệu hoặc các bài tập thể dục tại nhà.
Một số nguyên nhân gây đau vai gáy
Thoái hóa: Theo tuổi tác, các đốt sống và đĩa đệm ở cổ sẽ mòn dần. Bạn có thể bị đau cổ dai dẳng hoặc mạn tính nếu chúng bị thoái hóa. Một số tình trạng bệnh lý cũng khiến cho đốt sống, đĩa đệm hay các bộ phận khác ở cổ bị phá vỡ. Những tình trạng đó bao gồm:
- Viêm
- Chèn ép dây thần kinh
- Gãy cổ
- Viêm khớp
- Thoái hóa đĩa đệm ở cổ
Đau vai gáy do tư thế:
Khi ngủ dậy vào buổi sáng, bạn cảm thấy cứng, đau ở vùng vai, lưng hay cổ có thể do bạn đã ngủ sai tư thế. Có thể do nằm gối quá cao hoặc tối nằm đè lên vật gì, hoặc do nệm quá cứng... Cơn đau cũng có thể do tư thế không đúng gây ra như khi ngồi làm việc với máy tính, sử dụng điện thoại với tư thế cúi cổ... Cổ không giữ thẳng hàng với cột sống trong thời gian dài có thể làm căng các cơ ở đó.
Do Stress
Với những người bị stress, bên trong cơ thể sẽ sản xuất ra các hóa chất gây căng thẳng thần kinh, điển hình như cortisol. Đây là các hóa chất cực kỳ nguy hiểm gây phá hủy hệ thống thần kinh và cơ xương khớp trong cơ thể, thậm chí phá hủy hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của người bệnh. Đặc biệt khi bị stress thường xuyên các hóa chất này sẽ càng được sản xuất ra nhiều hơn, chúng xâm nhập và tàn phá hệ gân cơ xương khớp, khiến bệnh nhân bị co cứng cơ vùng cổ vai gáy kèm theo đau khớp...
Do chấn thương đám rối thần kinh cánh tay
Nếu các dây thần kinh liên kết với tủy sống đến tay bị tổn thương, chúng có thể gây đau cổ. Nếu một chấn thương nào đó ở cổ ảnh hưởng đến đám rối thần kinh này, cơn đau cũng có khả năng xuất hiện ở bàn tay. Một nguyên nhân phổ biến của chấn thương đám rối thần kinh cánh tay là chấn thương kín (blunt force trauma), xảy ra do chấn thương thể thao hoặc tai nạn xe.
Do chấn thương đột ngột ở cổ
Chấn thương xảy ra ở cổ khi mà đầu bị bật về phía trước sau đó quay trở lại vị trí cũ rất nhanh. Mọi người thường nghĩ chấn thương này liên quan đến tai nạn xe hơi, nhưng thực tế nó cũng có thể là do các hoạt động thể thao và những chuyển động đột ngột khác gây ra.
Do bệnh lý rễ tủy cổ
Đây là tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, xảy ra khi các dây thần kinh bắt nguồn từ tủy sống ở cổ bị kích thích gây ra cảm giác đau lan tỏa xuống cánh tay. Mặc dù bệnh lý có thể dẫn đến đau vai gáy nhưng các triệu chứng chính khác bao gồm:
- Tê ở cánh tay
- Có cảm giác như kim chích trong cánh tay
- Đau hoặc yếu một phần cánh tay
- Hai nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý rễ tủy cổ là thoái hóa đốt sống cổ hay viêm khớp cổ và trượt đĩa đệm.
Những nguyên nhân hiếm gặp của đau vai gáy
Có một số nguyên nhân gây đau vai gáy ít phổ biến hơn nhưng chúng có thể nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp
- Ung thư
- Chấn thương nghiêm trọng
- Tổn thương dây thần kinh, đốt sống hoặc tủy sống
- Nhiễm trùng…
Những phương pháp điều trị đau vai gáy Giãn cơ đơn giản: Người bệnh có thể tập một vài động tác giãn cơ đơn giản, dễ dàng thực hiện tại nhà để giúp giảm đau vai gáy. Tuy nhiên, tư thế khi tập cực kì quan trọng do đó bạn phải làm đúng kĩ thuật mới có thể kiểm soát tốt cơn đau.
Phương pháp xoa bóp: Sử dụng tay tác động sâu vào mô cơ giúp giảm đau nhức cơ. Xoa bóp có đặc điểm là dùng sự khéo léo và sức mạnh của đôi tay là chính để tác động lên huyệt, da thịt, gân khớp của người được xoa bóp một lực thích hợp tạo cho người được xoa bóp cảm giác sảng khoái nhằm làm dịu đi chứng đau mỏi của cơ, khớp, thần kinh. Làm tăng tính đàn hồi của cơ, tăng khả năng làm việc, sức bền cơ và làm giãn những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Thay đổi tư thế học tập hay làm việc: Nếu đau vai gáy là kết quả từ việc ngồi không đúng tư thế, hãy cố gắng ngồi thẳng lưng và xem lại độ cao của bàn ghế đang sử dụng. Xem lại thói quen khi ngồi viết hoặc sử dụng điện thoại.
Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ là liệu pháp điều trị được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì những lợi ích sau đây:
- Không dùng thuốc tránh được nhiều tác dụng phụ có hại cho dạ dày, gan, thận.
- Không phẫu thuật, hạn chế nhiều rủi ro, tiết kiệm chi phí.
- Giảm đau nhanh chóng, ngăn ngừa cơn đau tái phát.
- Hạn chế co cứng khớp cổ hiệu quả.
- Tăng cường khả năng lưu thông máu đến vùng vai gáy và cổ.
- Giúp các cử động ở vùng cổ và vai gáy trở lại bình thường và linh hoạt hơn.
Vật lý trị liệu có thể giảm bớt các cơn đau vai gáy tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Mục tiêu của phương pháp này là tăng cường sức mạnh cơ bắp ở khu vực bị tổn thương, đồng thời giải tỏa căng thẳng cho các cơ. Vật lý trị liệu như sóng xung kích, sóng ngắn, siêu âm,... là những phương pháp hỗ trợ điều trị bảo tồn vừa an toàn lại hiệu quả đang được rất nhiều người áp dụng chữa trị hiện nay.
Siêu âm trị liệu
Tác dụng đầu tiên của siêu âm trong tổ chức là tác dụng cơ học, do sự lan truyền của sóng siêu âm gây nên những thay đổi áp lực tương ứng với tần số siêu âm, tạo nên hiện tượng gọi là "xoa bóp vi thể". Với tần số càng lớn (3MHz), sự thay đổi áp lực nhanh hơn so với tần số thấp (1MHz). Sự thay đổi áp lực gây ra:
- Thay đổi thể tích tế bào.
- Thay đổi tính thấm màng tế bào.
- Tăng chuyển hóa.
- Tác dụng cơ học phụ thuộc vào cường độ siêu âm (W/cm2) và chế độ liên tục hay xung điện.
Vận động vùng cổ gáy
Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các thầy thuốc sẽ đưa ra cho các bệnh nhân một số bài tập nhẹ nhàng kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống,… giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông máu trong cơ thể.
Ngoài việc tuân thủ theo lời chỉ dẫn của các bác sĩ trong quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng người bệnh khi bị đau vai, gáy có thể phối hợp thêm với phương pháp không dùng thuốc YHCT và nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như calci, kali và các vitamin C, B, E, luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng cũng là những cách giúp bệnh sớm hồi phục.