Dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học: Những khó khăn cần khắc phục

17/08/2015 10:04

(Baonghean) - Dạy học 2 buổi/ngày được xem là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ở Nghệ An hiện có 99% trường tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, nhưng chỉ có 81% trường dạy đủ chương trình theo quy định. Thực tế đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập cần khắc phục...

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú ở tiểu học trên địa bàn tỉnh ta được triển khai từ năm học 1995 - 1996 và đến nay đã “phủ” khắp các trường tiểu học trong tỉnh và mang lại những hiệu quả tích cực. Trong đó, rõ nét nhất là đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và nhu cầu chăm sóc trẻ buổi trưa của cha mẹ học sinh. Ngoài ra, khi học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, các em không bị nhồi nhét kiến thức trong 1 buổi; ngoài được học các kiến thức theo khung chương trình theo quy định của ngành, học sinh còn được học thêm các môn: Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống… Nhờ đó, phần nào khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm. Mặt khác, với thời khóa biểu học 2 buổi/ngày, học sinh bán trú được nghỉ trưa ở trường sẽ có nhiều thời gian phục hồi sức khỏe hơn, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống ở giáo dục tiểu học được nâng lên rõ rệt, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trường chuẩn quốc gia được giữ vững và ngày càng phát triển…

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Diễn Quảng (Diễn Châu).

Mặc dù hiệu quả đã thấy rõ, nhưng công tác dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học vẫn còn có những khó khăn, bất cập. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 447 trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày nhưng hiện chỉ mới có 144 trường tổ chức bán trú buổi trưa cho học sinh (chủ yếu tập trung ở các trường thành phố, thị xã, thị trấn). Điều này gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên và học sinh, cũng như ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của trẻ. Vì nếu cho trẻ về buổi trưa sẽ dẫn đến việc đưa đón quá nhiều, ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của trẻ, lịch sinh hoạt thiếu sự ổn định và khoa học và mất đi sự hứng thú với học tập của trẻ trong buổi chiều.

Thầy giáo Nguyễn Đức Vỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Lập (Kỳ Sơn) chia sẻ: Trường có gần 300 học sinh nhưng lại phải chia thành 6 điểm trường. Các điểm trường cách nhau quá xa, điều kiện đi lại khó khăn, học sinh ngoài đi học còn theo bố mẹ đi làm rẫy nên dù đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường vẫn không thực hiện được bán trú… Không giữ được chân các cháu ở trường nên chẳng mấy khi lớp học đủ sỹ số. Có nhiều cháu, sáng đến trường nhưng trưa về, ngại đường xa nên buổi chiều không đến lớp. Ở Kỳ Sơn, hiện cũng chỉ mới 21/33 trường có chế độ bán trú buổi trưa cho học sinh. Nhưng việc bán trú chỉ mới được 50%, nghĩa là 2 buổi thì các cháu được hỗ trợ ăn trưa theo Dự án hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số (Chương trình đảm bảo chất lượng trường học SEQAP), 2 buổi còn lại thì các em phải tự túc, rất vất vả. Chất lượng dạy học 2 buổi/ngày vì thế cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Bên cạnh đó, vì đang thiếu giáo viên nên các trường đang phải “gồng” lên để có thể đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày. Theo quy định của Thông tư 35/2006/TTLT- BGD ĐT- BNV, định mức giáo viên đối với loại trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, tại tỉnh ta, năm học 2014 – 2015, biên chế giáo viên tiểu học mới được bố trí 1,2 giáo viên /lớp (định mức biên chế áp dụng cho trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày), số giờ dạy của giáo viên tiểu học bình quân khoảng 31 tiết/tuần (kể cả 3 tiết kiêm nhiệm làm giáo viên chủ nhiệm), tăng 11 tiết so với định mức lao động của giáo viên theo quy định tại Thông tư 35/2006, ảnh hưởng đến thời gian làm việc của giáo viên. Còn nếu để đáp ứng đủ, toàn tỉnh hiện đang cần 1.583 giáo viên, (trong đó, chủ yếu là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học và các môn khác như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục). Đây cũng là những môn chưa nằm trong ngân sách chi trả của Nhà nước nên các trường phải tự cân đối thu chi, dẫn đến khó khăn trong kinh phí hoạt động.

Thực tế, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có 99% các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhưng chỉ có 81% trường là dạy đủ chương trình (nghĩa là 35 tiết/tuần), còn lại gần 20% mới chỉ đáp ứng được 30 tiết. Riêng khu vực miền núi chỉ mới duy nhất 2 huyện Quỳ Châu, Con Cuông là dạy đủ 35 tiết/tuần.

Theo thầy Võ Sỹ Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quỳ Hợp: Hiện định mức giáo viên tiểu học ở huyện chỉ mới được 1,3 giáo viên/lớp. Do vậy, chỉ những trường vùng thuận lợi có thu được tiền học thêm để chi trả cho giáo viên hợp đồng thì mới dạy đủ 2 buổi/ngày tất cả các ngày trong tuần. Còn ở vùng sâu, vùng xa dù giáo viên đã cố gắng rất nhiều, tự nguyện dạy thêm buổi thứ 2 cho học sinh không thu tiền nhưng các trường cũng chỉ mới đáp ứng được 30 tiết/tuần.

Chất lượng dạy học 2 buổi/ngày cũng chưa được đồng đều, nhiều trường tiểu học còn lúng túng, bất cập. Chủ trương dạy 2 buổi/ngày là nhằm tạo cơ hội cho hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể nhằm cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện cũng như hỗ trợ và tăng cường kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nhiều trường vẫn còn nặng về dạy chữ, công tác giáo dục kỹ năng sống đã được quan tâm nhưng hiệu quả còn thấp; tổ chức dạy học chưa chú ý phát triển năng lực tự học, năng lực thực hành của học sinh; chất lượng dạy học ngoại ngữ tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Khó khăn hơn nữa chính là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hiện nay, toàn tỉnh đang tồn tại hơn 500 điểm trường lẻ, tạm bợ chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi. Tại các vùng đồng bằng, thành phố vẫn thiếu 39 phòng học kiên cố cho bậc tiểu học nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hướng đến hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể của học sinh. Một số điểm trường ở Thành phố Vinh thực hiện dạy học ngày 2 buổi phải chuyển sang học vào thứ 7 vì thiếu phòng. Trong khi đó, nguồn kinh phí để để duy trì 2 buổi/ngày chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa nên các trường không thể chủ động và không phải trường nào cũng có nguồn này để trả kinh phí cho giáo viên…

Từ năm học 2017 - 2018, đồng loạt tất cả các trường tiểu học sẽ học theo chương trình đổi mới sách giáo khoa sau 2015 và khi đó 100% các trường phải dạy học 2 buổi/ngày (theo chương trình 35 tiết). Hiện, bậc tiểu học cũng đang thực hiện đổi mới theo Thông tư 30, vì vậy chỉ dạy học 2 buổi/ngày mới tạo điều kiện để giáo viên và học sinh phát huy được năng lực, phát triển các môn năng khiếu, kỹ năng, giảm được áp lực bài vở cho học sinh.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc giữ vững và mở rộng quy mô dạy học 2 buổi/ngày là hết sức cần thiết. Ngành Giáo dục kêu gọi các trường, các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh, học sinh cùng chung tay, đồng lòng, từng bước khắc phục khó khăn để chủ trương dạy 2 buổi/ngày được thực hiện một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần tạo nền tảng vững chắc nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất

x
Dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học: Những khó khăn cần khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO