Dạy học trực tuyến và câu chuyện chuyển đổi số

Buổi giao ban công tác mới đây với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong khi yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đã nói một câu khá…bất ngờ rằng: Lúc này, ngồi đây giải thích chuyển đổi số là gì thì loằng ngoằng lắm, chỉ cần hiểu đơn giản thôi, chuyển đổi số là thay đổi cách làm. Và phải thuê một doanh nghiệp công nghệ, để học làm, để người ta bày vẽ cho thì sẽ làm được, làm tốt!

Rộng hơn, từ năm 2018 và sẽ là thường niên, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam; từ năm 2019 đổi tên thành Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam, thu được kết quả vang dội và ngay sau đó, hội đã phát động giải thưởng năm 2020 với nhiều hạng mục, nội dung mới.

Câu chuyện chuyển đổi số, mới nghe có vẻ như chỉ là câu chuyện dễ làm, khó bỏ, được “vẽ” trên giấy tờ, trên một đề án xa vời nào đó dành cho thì tương lai?

Thực ra hoàn toàn không phải vậy! Chuyển đổi số hàng ngày, hàng giờ đang tác động trực tiếp đến công tác, đời sống, sinh hoạt của mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp…trong bối cảnh toàn cầu hóa nói chung (như cách nói quen thuộc lâu nay) hay nói chính xác và cụ thể nhất hiện nay là trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19!

Thời sự nhất là việc gần như cùng lúc, các sở giáo dục và đào tạo trong cả nước phối hợp với các đài và kênh phát thanh – truyền hình tổ chức học trực tuyến cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Có thể thấy, thay cho giáo dục truyền thống, tập trung đông người sẽ là giáo dục số, bắt đầu từ những bài giảng được truyền hình qua mạng hay tiến tới mức cao là áp dụng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường…

Đó là việc các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức giao ban trực tuyến hàng ngày, hàng giờ bên cạnh vô số các giao dịch số được vận hành liên tục trong thời gian qua nhằm mang lại hiệu quả mọi mặt về kinh tế – xã hội.

Đó là việc chỉ 1 tháng qua trong cả nước, chỉ số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi, tức là 1 tháng bằng 20 năm! Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương phải sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và bảo đảm chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm 2020.

Hay đơn giản, thường gặp như việc tổ chức khám bệnh từ xa của ngành Y tế, việc lắp đặt camera giao thông, trong cơ quan, trường học, chung cư… tất thảy đều là những việc làm cụ thể, tác động cụ thể của công cuộc chuyển đổi số vô cùng rộng lớn.

Được biết, Hội Truyền thông số Việt Nam xác định hiện nay nước ta tập trung phát triển, vinh danh 4 hạng mục chính của công cuộc chuyển đổi số, bao gồm:

Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số xuất sắc, hướng đến giải quyết các vấn đề, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống như: mạng xã hội, ứng dụng di động, game online…;
Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc (ở tất cả các lĩnh vực và ngành nghề) thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường làm việc, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; giáo dục, đào tạo; y tế, an sinh xã hội…;
Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc (ở tất cả các cấp) có quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang môi trường quản lý, làm việc dựa trên nền tảng công nghệ số…;
Về thu hẹp khoảng cách số như: Chuyển đổi số cho người khuyết tật (đơn vị, cá nhân có giải pháp công nghệ số để phục vụ người khuyết tật hiệu quả; giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng, thụ hưởng được những thành tựu, tiện ích của công nghệ thông tin); chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…

Câu chuyện chuyển đổi số rõ ràng không hề là câu chuyện đơn lẻ, phong trào và thực tiễn đại dịch Covid-19 càng cho thấy tính cấp bách, sống còn của việc đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số.

Hy vọng việc cùng lúc đồng loạt các tỉnh, thành trong cả nước cùng tổ chức thực hiện việc dạy học trực tuyến trên truyền hình nói trên sẽ là trang mới đồng bộ và hiệu quả của quá trình chuyển đổi số ở nước ta, trong đó các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục lĩnh ấn tiên phong, các cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân sẽ đồng lòng tiếp ứng mạnh mẽ và lan tỏa.,.