Dạy - học văn ở trường tiểu học: Bức tranh không hồn
Những bài văn dở khóc dở cười của học sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt nguồn từ những bài làm hời hợt, thiếu cảm xúc ở những năm tiểu học.
Kỹ năng viết văn cũng như việc hun đúc tâm hồn cho học sinh (HS) qua môn văn hình thành ngay từ bậc tiểu học. Thế nhưng, trên thực tế việc dạy văn ở bậc học này lại chưa được quan tâm đúng mức.
Chương trình quá ôm đồm
Một giáo viên cho rằng chương trình tiểu học bây giờ đã giảm tải nhưng vẫn còn quá ôm đồm, mảng nào cũng học. Chỉ riêng lớp 4 vừa học viết thư, kể chuyện, tả cảnh..., HS chưa kịp khắc sâu thì đã phải chuyển sang nội dung khác nên khi lên lớp trên bị “rỗng” kiến thức là lẽ đương nhiên. Để “chạy” cho kịp chương trình, giáo viên phải giao bài về nhà mà thiếu sự hướng dẫn tỉ mỉ, chỉnh sửa chi tiết. Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “HS ít có cơ hội phát triển suy nghĩ độc lập và sáng tạo là do lớp học quá đông, cô giáo không thể theo dõi kèm cặp từng em. Những HS trung bình yếu ít có cơ hội phát biểu ý kiến, từ đó trẻ gặp khó khăn khi diễn đạt nên mới mượn văn người khác”.
Một phụ huynh có con học lớp 3 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể lại: "Hễ có bài tập văn - tiếng Việt là cháu lại nhờ mẹ làm. Trước mỗi kỳ kiểm tra, cô giáo thường cho mấy dạng đề về nhà tập làm, sau đó mang đến lớp cô sửa. Các cháu có nhiệm vụ học thuộc để khi làm bài kiểm tra, trúng đề nào thì làm đề đó". Anh T.Thành, phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Hòa Bình, Q.11, TP.HCM, kể con anh năm nay học lớp 4, bắt đầu học viết văn qua cách viết thư. Thế nhưng giáo viên lại yêu cầu bé phải viết đủ 4 trang mới chấm. Anh Thành buồn bực nói: “Con gái tôi mới được học cách viết thư, một trang giấy đã giỏi lắm rồi, đằng này 4 trang thì sao viết cho nổi. Vậy là tôi đành phải viết luôn cho con dù biết làm giùm con là không tốt”.
Sách tham khảo văn mẫu từ lớp 2 nhan nhản trong các nhà sách.
Ảnh: Diệp Đức Minh
Chấm văn như chấm toán
Một giáo viên tiểu học cho biết, cách chấm điểm thông thường cho một bài văn là chấm cách dùng từ, viết câu, liên kết các câu, liên kết ý từng câu và cả đoạn... Sau đó mới đến cách diễn đạt và ý tưởng. Chính vì vậy HS càng viết theo văn mẫu - nghĩa là đúng chuẩn - thì điểm càng cao.
Với cách chấm điểm này, tiến sĩ Tuyết đặt ra trường hợp: “Nếu bài viết đó giống với 29 bài khác thì rõ ràng tiêu chí chấm điểm này không phù hợp. Các tiêu chí chấm điểm bài văn của trẻ chỉ có nghĩa khi bài văn đó do chính các em nghĩ và viết ra, có thể do trẻ tưởng tượng hoặc kể câu chuyện có thật” - bà nhấn mạnh.
Một số giáo viên thừa nhận nhiều khi ra đề kiểm tra rất gần gũi với học trò nhưng kết quả thu về lại là nhiều bài làm văn giống nhau. Và những bài văn này, giáo viên cũng không thể cho điểm thấp vì kết cấu bài, cách viết câu, liên kết... đều đạt dù giáo viên thừa biết chắc chắn xuất phát từ một tập văn mẫu nào đó.
Cô Tạ Thị Tuyết Dung, giáo viên Trường tiểu học Đống Đa (Q.Tân Bình, TP.HCM), tâm sự rằng sau 20 năm giảng dạy HS tiểu học, cô cảm thấy buồn vì chiều sâu tâm hồn trong bài văn của trẻ bây giờ không được như ngày trước. “Trẻ bây giờ viết văn vẫn viết được, khơi gợi thì trẻ vẫn nghĩ ra những câu văn hay, nhưng tìm những bài văn có chiều sâu, có tâm hồn, tình cảm xuất phát từ trái tim các em thì hiếm quá!” - cô Dung ngậm ngùi.
Nói về những bài văn của học trò, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết cũng không khỏi chạnh lòng khi cho rằng: “Qua dự giờ bậc tiểu học, tôi nhận thấy với những đề ra gần gũi như kể lại chuyện em chứng kiến, kể lại việc em đã làm, mô tả những điều em thấy... thì những gì trẻ viết trên bài làm phần lớn đều là giả”.
Sách văn mẫu từ lớp 2
Tình trạng ngôn ngữ trong bài văn của trẻ con thành ngôn ngữ người lớn, HS viết văn giống văn mẫu, bài làm văn phải theo chuẩn mực chung như tóc phải đen nhánh, mũi phải dọc dừa, da phải trắng mịn, mắt mèo phải đen như hòn bi... đã trở nên phổ biến hiện nay.
Nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi những đầu sách văn tràn ngập trong các nhà sách. Ngay như lớp 2 và 3 chỉ học cách viết đoạn văn ngắn, đơn giản nhưng cũng có rất nhiều loại sách văn mẫu không kém lớp cuối cấp. Một giáo viên không giấu được bức xúc: “Lẽ ra nhà xuất bản phải cho ra những cuốn sách hướng dẫn làm văn bằng cách kích thích sự sáng tạo, tăng vốn từ cho trẻ thì lại xuất bản sách văn mẫu từ lớp 2 tới lớp 5. Tôi rất lo nếu phụ huynh không khôn khéo sẽ khiến trẻ mất tính độc lập suy nghĩ khi quá dựa dẫm vào sách văn mẫu”.
Theo cô Dung, khi sách văn mẫu tràn ngập trên thị trường, HS bị nhầm lẫn giữa văn mình và văn người dẫn đến việc ngôn từ, ý tứ bị nhầm lẫn, rối loạn. Mỗi lần sửa những bài văn như thế này, cô Dung cho biết phải tốn khá nhiều thời gian để nhận xét giúp các em điều chỉnh. Cô Võ Thanh Nga, giáo viên Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM), cho biết: “Trên thực tế, nếu HS nào thường đọc văn mẫu, khi vào lớp sẽ không tập trung vào bài giảng của cô. Từ đó, vốn từ của HS bị hạn chế, không biết làm văn bằng ngôn từ của bản thân. Đồng thời, chính giáo viên khi dạy cũng mất hứng thú”
Theo Thanh niên