Đẩy mạnh giao rừng và đất lâm nghiệp
(Baonghean) - Tỉnh Nghệ An đang thực hiện đề án “giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021.
Hoạt động này tiến hành tích cực cùng với thực hiện chương trình giảm phát thải từ nỗ lực giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD+).
Những hạn chế trong bảo vệ rừng
Những năm qua, mặc dù địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiến hành chủ trương giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp GCNQSDĐ nhưng lại chưa gắn liền với giao, cho thuê rừng. Do vậy việc chuyển đổi, chuyển nhượng khai thác rừng trái phép diễn ra, nhưng xử lý chủ sử dụng đất vi phạm không thực hiện được. Bởi vì khi giao đất, không gắn với giao rừng nên không đủ cơ sở để xử lý vi phạm.
Theo báo cáo của Sở TN&MT, tính đến thời điểm này, UBND các cấp mới tổ chức giao cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên 108.234 ha sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, trong đó hơn 96.671 ha đã được cấp GCNQSDĐ. Đáng nói, kể từ khi Thông tư 07/2011/TTLH-BNNPTNT-BTNMT có hiệu lực, Nghệ An mới giao rừng gắn với giao đất được 2.060,16 ha. Trong khi số diện tích rừng và đất lâm ngiệp chưa được bàn giao lên đến 157.537,23 ha, gồm 150.676,56 ha rừng tự nhiên và 6.680,67 ha rừng trồng.
Rừng nguyên liệu tại Quỳ Châu. Ảnh: V.T |
Về nguyên nhân khách quan, thực tế các văn bản của Trung ương hướng dẫn chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, tạo nên sự lúng túng trong quá trình xử lý ở địa phương; thiếu hụt về kinh phí thực hiện; việc quy hoạch 3 loại rừng tại nhiều nơi chưa thực sự rõ ràng, khó xác định ranh giới địa chính.
Khảo sát giao đất, giao rừng ở huyện Quế Phong. Ảnh: V.T |
Giao đất không đi kèm với giao rừng kéo theo nhiều hệ lụy. Thực tế một số diện tích đã giao đất, cấp GCNQSDĐ nhưng không xác định được ranh giới ngoài thực địa nên dẫn đến quá trình tranh chấp liên miên, tình trạng này phổ biến ở huyện Kỳ Sơn. Nguy hại hơn là vấn đề mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau (vay mượn, cầm cố, thế chấp, bán trao tay, thất lạc…). Theo số liệu tổng hợp, diện tích đất lâm nghiệp nằm trong dạng này lên đến 10.038 ha, tập trung phần nhiều tại các “điểm nóng” như Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông hay Anh Sơn.
Việc giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp nhưng không tiến hành giao rừng, cho thuê rừng thì rừng vẫn chưa thực sự có chủ quản lý. Nguy cơ rừng bị tác động tiêu cực do khai thác, chặt phá, cháy rừng có thể xảy ra cao.
Bà con xóm 8, xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) chăm sóc cây giống để trồng rừng. Ảnh: Cẩm Tú |
Cần thiết phải giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT: Phấn đấu từ năm 2018 đến năm 2021 hoàn thành cơ bản việc giao rừng, là đối tượng rừng sản xuất với tổng diện tích 265.771 ha cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý, sử dụng có hiệu quả vào mục đích lâm nghiệp. Trong đó đất có rừng tự nhiên 251.561 ha, đất có rừng trồng 14.209 ha.
Công tác bảo vệ rừng ở huyện Con Cuông được thực hiện tốt. Ảnh: P.V |
Nguyên tắc giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp: Giao rừng phải gắn với giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp. Giao rừng có sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và cộng đồng. Thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, chính xác và hiệu quả; phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương và không được chồng lấn trên đất đã có chủ quản lý; ranh giới rõ ràng. Những khu rừng còn tranh chấp, ranh giới không rõ ràng thì chưa tiến hành giao rừng cũng như giao đất, cấp GCNQSDĐ. Giao rừng kế thừa diện tích ranh giới mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định từ trước đến nay, đảm bảo ổn định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột và đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình cá nhân sống ven rừng.
Trồng rừng nguyên liệu tại vùng miền Tây (Yên Thành). Ảnh: P.V |
Trên cơ sở tài liệu giao đất lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương... thực hiện các bước giao rừng theo quy định. Tổng kinh phí thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCNQSDĐ giai đoạn 2018-2021 là trên 108 tỷ đồng được phân bổ từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và dịch vụ môi trường rừng. Về tiến độ thực hiện đề án theo tiến độ cấp vốn. Trường hợp nguồn vốn không cấp đủ theo kế hoạch thì thời gian thực hiện Đề án tiếp tục triển khai đến năm 2024. Quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau” tập trung ở những địa phương có diện tích rừng lớn và các địa phương đã tiến hành thủ tục trích đo ngoài thực địa đang tiến hành hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ. Trong đó, ưu tiên giao diện tích rừng thông nhựa và diện tích đất lâm nghiệp vùng di dân tái định cư. Sớm thực hiện các chính sách hưởng lợi cho người dân vùng tái định cư.