Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Hoàng Vĩnh 15/04/2024 12:28

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi

Cuối tháng 3 vừa qua, Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA2) do JICA tài trợ với tổng kinh phí 5.705 tỷ đồng đã chính thức hoàn thành.

3 Hệ thống kênh vách Bắc tại Đô Lương được đầu đồng bộ. Ảnh Hoàng Vĩnh.JPG
Hệ thống Thuỷ lợi Bắc tại Đô Lương được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đây là dự án thủy lợi lớn, được người Pháp xây dựng, trải dài trên 4 huyện và 1 thị xã; chiếm 25% tổng diện tích canh tác được tưới. Do công trình được xây dựng từ lâu nên đã bị xuống cấp trầm trọng, khả năng cấp nước bị giảm sút, thiếu ổn định, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác.

Trước thực tế đó, từ năm 2012, dự án đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương và tỉnh Nghệ An. Năm 2016, dự án được khởi công. Việc dự án hoàn thành, đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với nền nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Hưng- Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An - JICA2 gồm nhiều hạng mục như: Nâng cấp hệ thống tưới, đập dâng Đô Lương, cống Tràng Sơn, kênh chính, kênh nhánh cấp 1, 2, 3, các công trình trên kênh, cấp hệ thống tiêu, nạo vét 3 trục tiêu và mở rộng cống Diễn Thành. Dự án do các nhà thầu có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh thi công.
Việc hoàn thành dự án này đã góp phần quan trọng trong việc cấp nước tưới cho hơn 28.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ sản xuất công nghiệp, nước sinh hoạt cho gần 1 triệu nhân khẩu ở các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Đồng thời, còn giảm ngập úng cho 1.920 ha vùng trũng 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu. Dự án góp phần làm tăng thêm sản lượng lương thực toàn tỉnh khoảng 134.000 tấn/năm.

2   Triển khai thi công dự án kè sông Lam. Ảnh Hoàng Vĩnh.JPG
Triển khai thi công dự án kè sông Lam. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ngoài dự án trọng điểm trên, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực thu hút nhiều dự án hạ tầng thủy lợi trọng điểm như: Dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê lưu vực sông Cả, với tổng mức đầu tư 975,920 tỷ đồng, kinh phí đã được cấp và giải ngân là 290,901 tỷ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bảo vệ tuyến đê Tả Lam khu vực Yên Xuân, huyện Hưng Nguyên thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; Dự án Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Dự án xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê tỉnh Nghệ An thuộc Dự án Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê từ đê cấp III trở lên; Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (giai đoạn 2); Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại – Vực Mấu; Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc...

Đến nay, Dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê lưu vực sông Cả đã hoàn thành một số hợp phần như đê tả Lam đoạn từ K18 -:- K25+546,5, huyện Thanh Chương, đê 3-2, đê cách ly Nam Kim, huyện Nam Đàn. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực thi công các hạng mục khác thuộc dự án như sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Cát Văn, Phong Thịnh, Thanh Liên, Thanh Tiên và đường thi công huyện Thanh Chương...

Nỗ lực thu hút các nguồn vốn

Thời gian qua ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực trong việc vận động thu hút các nguồn vốn Trung ương, vốn ODA tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chú trọng vào các dự án thủy lợi Năm 2022, ngành đã huy động được 232,679 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương; 254,99 tỷ đồng vốn ODA. Năm 2023 đã huy động được 408 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và 477 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA để đầu tư hệ thống thủy lợi trên toàn tỉnh.

bna_ Bara Nam Đàn được đầu tư đồng bộ. Ảnh Hoàng Vĩnh.JPG
Bara Nam Đàn được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đặc biệt, đầu tháng 4 vừa qua, đập sông Lam được Chính phủ phê duyệt vào danh mục dự án ưu tiên thực hiện quy hoạch, phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi. Công trình được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn: 2021 – 2025 và 2026 – 2030 và nguồn vốn ưu tiên từ ngân sách Nhà nước, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Công trình đập trên sông Lam sẽ giúp ngăn mặn, giữ ngọt và cải tạo môi trường trước tình trạng xâm mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến sản xuất và sinh hoạt…

1 Thi công nâng cấp hệ thống kênh vách Bắc. Ảnh Hoàng Vĩnh.JPG
Thi công nâng cấp hệ thống kênh thuỷ lợi Bắc. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục vận động, thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới, trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thành các công trình thủy lợi trọng điểm; đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới các công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, kênh mương, hệ thống đê kè đáp ứng tưới, tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai bằng áp dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai…

Đồng thời, ngành Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư 4 chương trình dự án lớn gồm: Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vốn vay WB; Dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị rau, quả thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (vốn vay WB); Dự án Nước sạch và Vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2027 (vốn vay WB); Dự án Công trình điều tiết và nâng cao mực nước sông Lam kết hợp cầu giao thông và huy động các nguồn vốn khác Trung ương để phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Nguyễn Hào – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An

Mới nhất

x
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO