Đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa học đường

Mỹ Hà 22/08/2022 17:29

(Baonghean.vn) - Chiều 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ trì tại đầu cầu Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các ban, ngành liên quan và các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, văn hoá nói chung và văn hoá học đường nói riêng là vấn đề luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.

Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Đây là những quyết định quan trọng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu nghe tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Nhờ đó, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Gần đây nhất ngày 1/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

Cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Tại hội nghị, cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung - giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) cũng đã có bài tham luận về nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường của cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Nghệ An trong bối cảnh giáo dục và đào tạo. Trong đó, đã nhấn mạnh đến 5 giải pháp đó là nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học sinh về tầm quan trọng của việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và xây dựng văn hóa học đường.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các thiết chế văn hóa… để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện năng lực bản thân; đổi mới công tác quản lý, tăng cường giáo dục pháp luật đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học và tổ chức các phong trào thi đua trong nhà trường…


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Nhờ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả.

Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Trong quá trình thực hiện, cần gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.

Tiết học thư viện của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động,…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục.

Mới nhất

x
Đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO