ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Số liệu bạo lực gia đình của Nghệ An “có vấn đề”!
(Baonghean.vn) - Đó là phát biểu thẳng thắn của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội sau khi nghe báo cáo của Sở VH&TT Nghệ An về vấn đề bạo lực gia đình.
Tại cuộc làm việc giữa đoàn giám sát Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An vào sáng 9/3, Sở VH&TT đã cung cấp báo cáo về tình hình thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2009 - 2017, Nghệ An ghi nhận 7.490 vụ bạo lực gia đình.
Ông Bùi Sỹ Lợi và các thành viên trong đoàn giám sát băn khoăn về số liệu bạo lực gia đình của Nghệ An. Ảnh: Phước Anh |
Tuy nhiên, các thành viên đoàn giám sát có nhiều băn khoăn xung quanh số liệu này. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cho rằng, số liệu này “có vấn đề”, chưa thể hiện hết thực trạng bạo lực gia đình hiện nay.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội cũng nêu chất vấn: “Hôm chúng tôi giám sát vấn đề này ở TP. Vinh thì báo cáo của thành phố không có trường hợp trẻ em, người cao tuổi bị bạo lực gia đình, nhưng sau đó giám sát ở cơ sở thì có. Thế thì việc giữa thống kê số liệu, tổng hợp báo cáo với thực trạng hiện nay về bạo lực gia đình là thế nào”?
Bà cho biết thêm, đoàn giám sát đã trực tiếp gặp gỡ nhân chứng của bạo lực gia đình - là người mẹ có 2 con ở một xã trên địa bàn thành phố Vinh. “Người phụ nữ này bị bạo lực gia đình hơn 20 năm rồi, và suốt quãng thời gian đó, khi chồng chị bạo hành chị thì cũng thường xuyên đánh, chửi con. Trong những gia đình có tồn tại hành vi bạo lực, trẻ em thường cũng là nạn nhân. Thế tại sao số liệu thống kê không phản ánh được thực tế này”?
Trả lời những câu hỏi của đoàn giám sát, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở VH&TT thừa nhận, việc thống kê số liệu chưa hẳn đã chính xác, bởi vì người Việt Nam vẫn quan niệm gia đình là điều riêng tư, và ở thành phố thì việc thống kê có nhiều thách thức hơn ở nông thôn.
Tranh minh họa: Internet |
Bà Hạnh nói: “Theo chúng tôi nắm bắt được thì ở dưới địa phương, thống kê chủ yếu giao cho trưởng thôn hoặc xóm trưởng, một số nơi giao cho viên chức dân số. Sở Văn hóa là cơ quan thường trực thì cũng chỉ căn cứ vào báo cáo, và trên số liệu đó sẽ lại tổng hợp báo cáo lên”.
Bà Hạnh cũng chia sẻ thêm: “Văn hóa thì chỉ tuyên truyền thôi, còn nếu bạo lực xảy ra thì chủ yếu phải công an vào cuộc để xử lý. Thanh tra văn hóa mà để thanh tra các vụ bạo lực gia đình cũng không có. Ở đây các số liệu báo cáo, bản thân tôi là đơn vị trực tiếp tham mưu cho tỉnh về vấn đề này vẫn thấy hơi mông lung, và nói nhiều khi độ tin tưởng, xác thực vẫn chưa chuẩn lắm”!