Thời sự

ĐBQH đề nghị tránh hình thức khi lấy ý kiến người dân trong lập quy hoạch đô thị, nông thôn

Thành Duy 25/10/2024 12:50

ĐBQH đề nghị xem xét phân loại, chuyển hóa các nội dung trong lập quy hoạch đô thị, nông thôn thành đơn giản hơn để lấy ý kiến người dân nhằm tránh hình thức, vì đây là quy hoạch mang tính chuyên ngành, không phải người dân nào cũng hiểu rõ.

bna_266ee36924199c47c508.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 25/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn dự họp.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, các ĐBQH đã cho ý kiến tại tổ và hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật cũng được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn ĐBQH để tiếp thu, hoàn thiện.

bna_d1dc3bcea8b910e749a8.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: Nam An

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Trong đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

bna_b2606afbc38d7bd3229c.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH tại phiên làm việc sáng 25/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giảm lược tối đa các quy hoạch phải lập; bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung; trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước…

Tại phiên làm việc, các vị ĐBQH thảo luận nêu nhiều ý kiến góp ý, trong đó đề nghị cần có quy định mở trong các cấp độ quy hoạch; bổ sung yêu cầu về quy hoạch đô thị và nông thôn; nên quy định rõ đối với các khu vực không phải lập quy hoạch chi tiết; đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024…

bna_5e9b7e08a3781b264269.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Đặc biệt, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng thống nhất sự cần thiết có quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ…, trình độ dân trí chưa có sự tương đồng và không phải người dân nào cũng hiểu rõ. Việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

bna_5daa26bffccf44911dde.jpg
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 25/10 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Cho nên, để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh được hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.

bna_5633f33434448c1ad555.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Nam An

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời tham gia nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật, đặc biệt về các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, giải thích từ ngữ, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, thời hạn và các thời kỳ quy hoạch, tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.

251020240837-z5964831801570_4eddee0fd1d8215e4985ef4946a1cd9d.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua.

ĐBQH đề nghị tránh hình thức khi lấy ý kiến người dân trong lập quy hoạch đô thị, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO