Để các em yêu khúc hát dân ca

23/01/2015 17:04

(Baonghean) - Đưa dân ca vào trường học là chủ trương chung của ngành GD & ĐT và ngành VH - TT & DL Nghệ An. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép dạy dân ca trong các tiết âm nhạc. Tuy nhiên, để thành lập riêng một CLB có tổ chức và hoạt động đều đặn, hiệu quả, được đông đảo phụ huynh ủng hộ thì Trường Tiểu học Hiến Sơn là một trong những đơn vị thực hiện đầu tiên. 

(Baonghean) - Đưa dân ca vào trường học là chủ trương chung của ngành GD & ĐT và ngành VH - TT & DL Nghệ An. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép dạy dân ca trong các tiết âm nhạc. Tuy nhiên, để thành lập riêng một CLB có tổ chức và hoạt động đều đặn, hiệu quả, được đông đảo phụ huynh ủng hộ thì Trường Tiểu học Hiến Sơn là một trong những đơn vị thực hiện đầu tiên.

Nằm cách xa trung tâm Thị trấn Đô Lương, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hiến Sơn luôn tạo mọi điều kiện để các em học sinh phát triển toàn diện. Thầy Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhằm phát triển toàn diện cho học sinh theo đúng chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhà trường thành lập các CLB vui chơi học tập như CLB dân ca, cờ vua, bóng bàn, bóng đá, tiếng Anh. Trong đó, sôi nổi và hiệu quả nhất là CLB dân ca. Thông qua các CLB, giáo viên sớm phát hiện năng khiếu của học sinh để định hướng và bồi dưỡng cho các em phát triển”.

TIN LIÊN QUAN

Một tiết mục biểu diễn của CLB dân ca Trường Tiểu học Hiến Sơn (Đô Lương).
Một tiết mục biểu diễn của CLB dân ca Trường Tiểu học Hiến Sơn (Đô Lương).

Thầy Nguyễn Cao Bằng - giáo viên Âm nhạc, chủ nhiệm CLB dân ca chia sẻ: “CLB chính thức thành lập từ tháng 10/2014, nhưng việc dạy hát dân ca đã có từ trước đó. Ban đầu, CLB chỉ có một ít học sinh có năng khiếu âm nhạc, về sau thấy các bạn sinh hoạt đông vui nên nhiều em khác cũng hăng hái tham gia.

Thời gian đầu, CLB sinh hoạt vào chiều thứ Tư, nhưng do nhu cầu học nhiều bài hát mới nên phải tổ chức thêm cả sáng thứ Bảy. Hiện tại CLB có 52 thành viên chính thức”. Các buổi sinh hoạt của CLB được tổ chức ngay ở sân trường, các hội viên nhí được chia thành từng nhóm, tổ với những tên gọi khác nhau như sơn ca, chim vành khuyên, họa mi... luyện tập và thi tài với nhau. Nhiều em lớp 1 đang làm quen với mặt chữ cũng theo anh chị lẩm nhẩm tập hát. Không khí sinh hoạt sổi nổi, ấm tình thầy trò, bè bạn nên các em rất mạnh dạn khi hát trước đám đông. Nhiều bậc phụ huynh đến đón con, nhìn thấy các con vui vẻ, tự tin đã góp tiền ủng hộ...

Trong các buổi chào cờ đầu tuần, sau khi triển khai xong kế hoạch cho tuần mới, các thành viên CLB biểu diễn một số tiết mục dân ca mới học cho thầy cô và các bạn toàn trường nghe. Thời gian 15 phút sinh hoạt đầu giờ được chuyển sang tập hát dân ca. Qua đó, nhiều em có năng khiếu âm nhạc đã được phát hiện và bồi dưỡng, như em Nguyễn Quang Ánh lớp 4A, Lê Thị Thương lớp 4D, Nguyễn Quang Tài lớp 5A... Đặc biệt, em Nguyễn Quang Ánh được coi là “cây văn nghệ” xuất sắc. Cách lấy hơi chả chữ, cách luyến láy trong từng làn điệu được em thể hiện nhuần nhuyễn và tinh tế. Nói về Ánh, thầy Bằng cho biết: “Ánh có năng khiếu thực sự. Em hát rất “sắc”. Nhiều khi thầy cho chép lời bài hát hôm nay thì ngày mai em đã thuộc rồi”. Thấy thầy cho một số hạt nhân tiêu biểu chép lời bài hát mới, các bạn trong lớp, trong trường chuyền tay nhau chép và học thuộc. Các giáo viên trong trường đều phấn khởi khi thấy hầu hết học sinh của trường đều biết hát dân ca, nhiều em vốn rụt rè, nay mạnh dạn hơn rất nhiều...

Yêu ánh mắt ngây thơ của học trò say sưa luyện hát, yêu những phút hồn nhiên trong tà áo tứ thân đung đưa theo tiếng nhạc trên sân khấu, thầy Bằng dành tâm huyết để trao truyền vốn kiến thức về Dân ca ví, giặm cho các em. Thầy từng góp mặt trong Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ năm 2014 và được Sở VH-TT&DL trao Bằng chứng nhận nghệ nhân. Được tham dự nhiều hội diễn, giao lưu với một số nghệ sỹ sống hết mình vì Dân ca ví, giặm, thầy Bằng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc truyền dạy và nhen nhóm niềm đam mê với câu hát dân ca đối với thế hệ măng non.

Việc thành lập CLB dân ca không những là chủ trương của ngành Giáo dục mà đó cũng là tâm nguyện của thầy giáo trẻ Nguyễn Cao Bằng. Không chỉ truyền dạy những làn điệu dân ca quen thuộc, thầy còn tranh thủ thời gian viết lời mới với nội dung ca ngợi trường lớp, quê hương được các em rất thích thú. Những vở kịch dân ca lúc hài hước, vui nhộn, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng được thầy biên soạn, dàn dựng gây hứng thú cho học sinh. Lao động nghệ thuật vốn không hề đơn giản, việc luyện tập cho học trò tiểu học lại còn vất vả hơn nhiều. Bởi không phải em nào cũng có năng khiếu bẩm sinh, nhiều em giao tiếp còn chưa tròn vành rõ chữ nói gì đến chuyện hát dân ca. Thế nhưng, với niềm đam mê và lòng nhiệt tình, mọi vất vả như tan theo từng khúc hát, thầy giáo trẻ Nguyễn Cao Bằng lại say sưa sáng tác, giảng dạy.

Trong các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, CLB Dân ca Trường Tiểu học Hiến Sơn lại ngân vang những khúc hát yêu thương, mượt mà, đằm thắm của các em học sinh để lại ấn tượng sâu sắc. Có thể các em chưa hiểu hết ý nghĩa của từng ca từ nhưng chắc chắn những “mầm non” ấy đã ý thức được giá trị dân ca quê hương mình để mà yêu quý, tự hào. Giờ đây, không chỉ học sinh ở Hiến Sơn yêu thích Dân ca ví, giặm, khắp các đường làng, ngõ xóm những câu hát dân ca vẫn thường được cất lên ngọt ngào tha thiết. Thế mới hay, ở môi trường, hoàn cảnh nào thì mạch nguồn dân ca vẫn không bao giờ vơi cạn, chỉ cần có người khơi dòng là sẽ trào dâng mãnh liệt...

Nguyễn Lê

Mới nhất
x
Để các em yêu khúc hát dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO