Để dân ca đi vào cuộc sống
(Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban tổ chức Liên hoan dân ca, ví, dặm xứ Nghệ lần thứ nhất 2012 trả lời PV Báo Nghệ An)
PV: Thưa đồng chí, từ ý tưởng nào mà tỉnh ta quyết định kể từ năm 2012 sẽ tổ chức Liên hoan Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Dân ca là một hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể mà trong đó nó được kết tụ bởi hương sắc đồng quê của những tâm hồn và nhịp điệu cuộc sống người dân lao động. Và dân ca Nghệ Tĩnh cũng nằm trong dòng chảy của dân ca Việt
Trước sự tác động của giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nói chung, gìn giữ các làn điệu dân ca, ví, dặm nói riêng đã được tỉnh ta đặc biệt chú trọng. Đó là việc ngành VHTT và DL phối hợp Sở DG-ĐT, Đài Phát thanh Truyền hình mời các nghệ nhân, nghệ sỹ dạy dân ca trên sóng truyền hình, đưa dân ca vào giảng dạy trong các trường học. Đặc biệt, ngành Văn hóa đã tiến hành thành lập các câu lạc bộ dân ca, ví, dặm ở những địa phương có truyền thống như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương… Việc tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn dân ca xứ Nghệ trên cơ sở Nhà hát Dân ca có nhiệm vụ vừa biểu diễn, vừa sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca, những nghệ nhân dân ca. Hàng năm, trong các lễ hội, các địa phương cũng đã có những động thái như tổ chức giao lưu các CLB dân ca, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các CLB dân ca hoạt động. Riêng cấp tỉnh, đã tổ chức Liên hoan các CLB dân ca toàn tỉnh, Liên hoan kịch ngắn, kịch vui toàn tỉnh; triển khai dự án “Đưa dân ca vào học đường”… Và lần này, chúng ta quyết định tổ chức Liên hoan dân ca, ví, dặm lần thứ 1/2012 để tiếp tục bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị vốn có, giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân ca, ví, dặm xứ Nghệ, hướng tới việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Liên hoan cũng là dịp để các CLB hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh gặp gỡ, giao lưu với những người đã có công vun đắp cho nền văn hóa của vùng đất xứ Nghệ như An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Tài Tuệ... Đồng thời đẩy mạnh phong trào hát dân ca xứ Nghệ trong các ngành, các tổ chức với mục tiêu “ngành ngành và nhà nhà biết hát dân ca”, làm cho dân ca thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ, thực sự đi vào cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở mỗi kỳ liên hoan, hay được UNESCO cấp bằng công nhận.
PV: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị từ cơ sở đến tỉnh đã và đang được tiến hành như thế nào? Nội dung, hình thức của Liên hoan Dân ca, ví, dặm lần này ra sao?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Việc thưởng thức các làn điệu dân ca xứ Nghệ là mong muốn của đông đảo người dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và nhất là những người con xa quê. Để tổ chức thành công Liên hoan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 98/KH.UBND.VX ngày 12/3/2012 về kế hoạch tổ chức Liên hoan Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ. Liên hoan lần này đã nhận được nhiều ý kiến cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, cá nhân.
Đặc biệt, Liên hoan đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Vì thế công tác chuẩn bị được Ban tổ chức rất quan tâm: Từ xây dựng kịch bản, tổ chức họp báo, chỉ đạo các CLB, các Trung tâm VHTT huyện, thành, thị… Đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm các thành viên Ban tổ chức; chú trọng công tác truyên truyền trên báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh. Riêng Ban giám khảo Liên hoan là những nghệ sỹ ưu tú, nhạc sỹ từng sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca. Để Liên hoan đạt được mục đích, ý nghĩa như mong muốn, bắt đầu từ ngày 19/4 đến 10/5 sẽ tổ chức ở cấp huyện, thành phố, thị xã, đối tượng tham gia là các CLB dân ca, các đội văn nghệ phường, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị; từ 19/5 đến 31/5 tổ chức liên hoan theo cụm (cụm 1 tại Đô Lương; cụm 2 tại Diễn Châu, cụm 3 tại Tân Kỳ và cụm 4 tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Riêng Liên hoan cấp tỉnh sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 16/6 đến 18/6/2012 tại TP Vinh.
Ngoài chương trình so tài của các CLB, đội văn nghệ xuất sắc chọn từ Liên hoan các cụm, còn có sự tham gia của một số CLB dân ca tiêu biểu khối trường học do Sở GD – ĐT chọn cử, đồng thời mời một số CLB dân ca của tỉnh Hà Tĩnh cùng tham gia. Đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật “Lung linh hồn quê xứ Nghệ” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng NTV. Hiện nay, tại cơ sở đang tổ chức tập huấn; các CLB triển khai tập luyện để có nội dung xuất sắc nhất tham dự liên hoan. Tin rằng, liên hoan lần này sẽ có hình thức và nội dung đáp ứng yêu cầu đề ra và đây là điều kiện để dân ca, ví, dặm tiếp tục phát triển sâu rộng trong cuộc sống của người dân xứ Nghệ để du khách mỗi khi đến Nghệ An là nhớ đến câu hát ví dặm bình dị mà sâu lắng lòng người.
PV: Để dân ca được bảo tồn, phát triển với thời gian và liên hoan thực sự là diễn đàn tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể của xứ Nghệ, theo đồng chí, chúng ta cần có những định hướng lâu dài như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Để dân ca xứ Nghệkhông những trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa thiết thực trong đời sống văn hóa nhân dân mà còn là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Nghệ Tĩnh nhằm giới thiệu, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì, phát triển các CLB dân ca tiêu biểu. Thực hiện xã hội hóa hoạt động hát dân ca. Huy động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia hát dân ca, ví dặm gắn với các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nâng cao hình thức, chất lượng, nội dung các làn điệu dân ca, ví, dặm tạo sự hấp dẫn, thu hút lớp trẻ nhiệt tình hưởng ứng.
Riêng Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cần làm tốt hơn nữa công tác sưu tầm, gìn giữ các làn điệu dân ca, ví dặm lời cổ. Tiến hành lập danh sách tôn vinh các nghệ nhân dân ca. Các cấp chính quyền địa phương cần có cơ chế khuyến khích, động viên để các CLB dân ca có điều kiện duy trì hoạt động thường xuyên. Tiếp tục đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca cho mọi tầng lớp nhân dân. Đưa việc xem biểu diễn hát dân ca, ví dặm vào một trong những nội dung chương trình tham quan du lịch tại Khu di tích Kim Liên và các di tích, danh thắng khác trên địa bàn toàn tỉnh. Hy vọng, khi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì dân ca Nghệ Tĩnh sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
PV: Xin chân thành cảm ơn!
Thanh Thủy (thực hiện)