Để “đông” về lượng, “nặng” về chất
(Baonghean) - Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)- Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được thực hiện đều đặn hàng năm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến công tác, chất lượng dân số và có ý nghĩa đối với việc tăng - giảm mức sinh hàng năm ở từng địa phương. Tại Nghệ An, đến cuối tháng 10 này, chiến dịch đợt 2 trong năm sẽ kết thúc nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa như mong muốn.
Với mục tiêu tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, năm nay chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ của tỉnh được triển khai tại 191 xã thuộc 19 huyện, trong đó ưu tiên 100% số xã đặc biệt khó khăn và 30% các xã còn lại thuộc các xã đông dân có mức sinh cao, vùng đặc thù. Qua đợt đầu tiên, theo đánh giá của Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh, ngoài các xã thực hiện theo kế hoạch thì có hơn 150 xã khác cũng đã vận động nguồn kinh phí ở các địa phương để mở rộng chiến dịch.
Tuy nhiên, vẫn còn 103 xã chưa được triển khai. Kết thúc chiến dịch đợt 1 có nhiều chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp: tỷ lệ người sử dụng phương pháp thuốc cấy để tránh thai chỉ đạt 23%, triệt sản nam nữ 55%. Đặc biệt, qua khám có hơn 50.000 lượt phụ nữ, phát hiện đến 73% bị viêm nhiễm đường sinh sản. Nhưng tỷ lệ được điều trị phụ khoa thông thường chỉ chiếm 23%. Tại một số địa phương, nhiều chỉ tiêu về sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng còn thấp như huyện Kỳ Sơn 51%, Anh Sơn 62%, Tương Dương 63%. Công tác truyền thông trong chiến dịch mới chỉ tập trung vào vấn đề chăm sóc SKSS - KHHGĐ chứ chưa lồng ghép cung cấp các nội dung, thông điệp của các đề án tại các địa phương. Điều đó, càng đặt ra yêu cầu của chiến dịch đợt 2 là mở rộng chiến dịch cho toàn bộ các xã và nâng số người được sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Vậy nhưng, thực tế tại một số địa phương đã triển khai chiến dịch đợt 2, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Cán bộ dân số xã Tiến Thủy phát tờ rơi, tờ gấp, các phương tiện tránh thai tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Nguyễn Thị Hiếu |
Diễn Ngọc, là xã vùng biển của huyện Diễn Châu có tỷ lệ sinh con thứ 3 khá cao trung bình mỗi năm 35%. Riêng trong 2 đợt chiến dịch, dù xã đã làm rất tốt công tác truyền thông, tuyên truyền và vận động cộng thêm sự vào cuộc của chi hội phụ nữ xóm nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia các biện pháp tránh thai vẫn còn thấp, như: đặt vòng mới có 50/150 trường hợp (đạt 30% kế hoạch), đình sản, thuốc cấy 0 trường hợp (đạt 0%), thuốc uống 57/70 trường hợp (đạt 77%)…
Diễn Hạnh là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất huyện Diễn Châu, trung bình mỗi năm 48%. Chị Tăng Thị Xuân – cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, 9 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai chỉ đạt 70%, trong đó đặt vòng đạt 65%, tiêm phòng tránh thai đạt 56%, sử dụng bao cao su đạt 40%. Còn ở huyện Thanh Chương, tuy chiến dịch đã được triển khai đến 40 xã, thị trấn nhưng đến hết đợt 1, tỷ lệ các xã thực hiện các biện pháp tránh thai theo kế hoạch chỉ đạt 53%. Qua đợt 2, đến cuối tháng 9 vẫn có một số chỉ tiêu chưa đạt như đình sản 61%, dụng cụ tử cung 66%, cấy tránh thai đạt 41,3%, bao cao su đạt 66,1%, uống thuốc tránh thai đạt 43,1%...
Có nhiều lý do khiến kết quả chiến dịch năm 2013 chưa đạt như mong muốn. Trong đó, vấn đề chất lượng các dịch vụ lồng ghép qua chiến dịch chưa cao khiến người dân không mặn mà với chương trình này. Qua tìm hiểu, hầu hết chị em đến tham gia chiến dịch đều được khám phụ khoa nhưng chủ yếu là thăm khám đơn giản chứ chưa có phương tiện hiện đại hỗ trợ, do đó việc phát hiện bệnh hạn chế. Trong trường hợp nếu phát hiện bị viêm nhiễm, số người được cấp phát thuốc cũng chỉ chiếm 30 – 40%, lại không có thuốc đặc chủng…
Chị Trần Thị Lương - Phó Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Diễn Châu cho biết: “Kinh phí quyết định rất lớn đến thành công của chiến dịch, bởi nếu chỉ vận động người dân đi khám mà không có thuốc điều trị thì không hiệu quả và chỉ một hai lần là họ "nản". Trong năm 2013, qua khám và kiểm tra toàn huyện phát hiện 8.560 trường hợp bị viêm nhiễm (chiếm 86%). Trong khi đó, chỉ 3.310 được cấp phát thuốc phụ khoa miễn phí (đạt 39%). Ngân sách chiến dịch phần lớn phụ thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia nhưng hầu như năm nào số tiền này chuyển về cũng chậm gần nửa năm so với kế hoạch, vì thế các xã đều phải "vay chỗ nọ đập chỗ kia". Riêng những ca đình sản, khi vận động được người dân tham gia phải có tiền bồi dưỡng, nhiều địa phương không có kinh phí đành “nợ” dân.
Hai năm trở lại đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia liên tục cắt giảm chi phí và chỉ thực hiện hỗ trợ phần tuyên truyền đối với những xã đặc thù và xã đặc biệt khó khăn. Để thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách tỉnh và kinh phí tự vận động ở cơ sở. Nhưng trên thực tế, số địa phương quan tâm đến dân số còn quá ít, thậm chí có những huyện dù chiến dịch đợt 1 là đợt quan trọng nhất, là “bản lề” cho công tác dân số của cả năm nhưng chỉ mới có phần hỗ trợ từ các xã mà chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ huyện như Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn.
Trong khi đó, trong kế hoạch triển khai của UBND tỉnh đề nghị các huyện bổ sung thêm ngân sách của địa phương để nâng cao hiệu quả và mở rộng địa bàn tổ chức triển khai chiến dịch. Một số huyện khác có hỗ trợ nhưng còn thấp với mức từ 5 – 25 triệu đồng, như: Con Cuông, Thành phố Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Chia sẻ về điều này, chị Hồ Thị Huế (Chuyên trách dân số xã Hưng Tân) cho biết: “Do dân số thuộc quản lý ngành dọc nên không thuộc ngân sách chi thường xuyên của xã. Mỗi đợt chiến dịch chỉ xin được chừng 2 triệu đồng nên cũng không dám tổ chức rầm rộ…”. Chị Lê Thị Thủy (Chuyên trách dân số xã Diễn Ngọc) cho biết: “Xã chúng tôi nằm trong đề án dân số biển, thế nhưng tổng chi phí cho chiến dịch cũng chỉ được cấp 4 triệu đồng (gồm 2,7 triệu đồng từ nguồn mục tiêu quốc gia và 1,3 triệu đồng từ đề án dân số biển). Số tiền đó chỉ đủ để mua dụng cụ, thuê rạp và phục vụ cho bên khám chứ lấy đâu ra mà thuê máy siêu âm và làm các dịch vụ chuyên sâu”.
Thực tế, hầu hết các xã đều có quỹ dân số thu từ việc xử phạt những gia đình sinh thêm con thứ 3. Nếu phát huy nguồn quỹ này có hiệu quả thì sẽ hỗ trợ rất lớn đến việc mua sắm thuốc, vật tư phục vụ cho các chương trình dân số và các chiến dịch khác. Thế nhưng, tìm hiểu tại một số địa phương, hiện nay nguồn quỹ này người dân trực tiếp đóng cho kế toán và do xã quản lý nên chi thế nào chuyên trách dân số không có quyền quyết định.
Chị Trần Thị Lương – Phó Giám đốc Trung tâm dân số huyện Diễn Châu thừa nhận: “Hiện đang lúng túng trong việc xây dựng quy chế hoạt động của quỹ dân số”. Mới đây, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý nguồn lực đầu tư cho công tác dân số KHHGĐ. Theo đó, huyện ghi rõ các nội dung được phép chi từ nguồn thu của quỹ dân số, trong đó có chi cho mua thuốc thiết yếu, hóa chất phục vụ cho chiến dịch chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Điều này giúp các xã chủ động trong việc lên kế hoạch và mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chiến dịch.
Qua tìm hiểu một số tỉnh, thành khác được biết, thay vì chỉ trông chờ vào các dịch vụ từ nguồn ngân sách của tỉnh, trong các đợt chiến dịch, ngành dân số phối hợp với ngành y tế trong thăm, khám phụ khoa và chuyển những trường hợp bị bệnh, bị viêm nhiễm theo chế độ khám bệnh bảo hiểm y tế; phối hợp với ngành y tế đưa dịch vụ chăm sóc SKSS về với người dân, khám theo yêu cầu và người dân trả chi phí khám. Để chiến dịch triển khai có hiệu quả, quan trọng hơn cần có sự phối hợp, vào cuộc và hỗ trợ từ phía các địa phương…
Mỹ Hà