Để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ngày càng lành mạnh

Thành Chung 26/10/2023 10:14

(Baonghean.vn) - Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 29/1/2018. Trong khuôn khổ hội nghị, đã có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ngày càng lành mạnh hơn.

Bà Trần Thị Cẩm Tú – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh: Tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn thành phố Vinh có 120 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Công tác quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện còn nhiều bất cập, khó khăn. Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Quá trình hoạt động, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không chỉ cung cấp dịch vụ phun, xăm, thêu như đã công bố mà sử dụng các thiết bị, máy móc, thực hiện dịch vụ khác như tiêm các chất như filer, botox... Để kiểm tra, xử lý vấn đề này cần phải có trình độ chuyên môn.

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Việc kiểm tra, thẩm định các giấy chứng nhận nghề hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm của chủ và nhân viên tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp khó khăn do không xác định được tính hợp pháp của cơ sở đào tạo hoặc cơ sở dạy nghề cấp giấy chứng nhận... Một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ năng lực yếu nhưng quảng cáo quá khả năng, thực hiện dịch vụ không đảm bảo chất lượng dẫn đến khiếu nại, tranh chấp, gây mất an ninh trật tự xã hội và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của khách hàng.

Thời gian tới, thành phố Vinh sẽ tăng cường hoạt động giám sát; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm; cung cấp kịp thời thông tin chính thống, khách quan đến người dân về chất lượng và sự hợp pháp của các cơ sở; khuyến khích người dân phát giác, tố cáo các hành vi có dấu hiệu vi phạm; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền phường, xã trong việc giám sát và thực thi vai trò quản lý hành chính đối với các cơ sở.

Trên địa bàn thành phố Vinh có 120 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang thực hiện những dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, đề nghị Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể đối với loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được cấp phép hoạt động giống như: cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà; cơ sở dịch vụ cấp cứu… để quản lý, giám sát hiệu quả. Ngành Công an, Quản lý thị trường chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là hàng hóa chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu: Đẩy mạnh kiểm tra; nâng cao trách nhiệm các phường, xã, thị trấn

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu nêu rõ: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề không phép. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập hiện bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế. Cụ thể: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Hoạt động kiểm tra liên ngành chưa được thường xuyên, liên tục, đạt hiệu quả chưa cao, còn lỏng lẻo, chưa sâu sát, chưa mạnh dạn xử lý các cơ sở vi phạm, còn nể nang… nên khó có thể kiểm soát hết được các cơ sở. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các xã chưa hiệu quả, vẫn mang tính hình thức, chưa triệt để.

Để tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, các huyện, thành, thị nói chung cần tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm, giám sát chặt chẽ các cơ sở hành nghề không phép tái hoạt động, các cơ sở có phép hoạt động đúng danh mục đăng ký; tiếp tục chủ động, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề không phép; phối hợp với cơ quan công an rà soát, làm công tác trinh sát và kịp thời bắt quả tang vi phạm.

Theo báo cáo, đến tháng 10/2023, Nghệ An hiện còn 29 cơ sở hành nghề y dược không phép. Tuy nhiên, con số thực tế đang nhiều hơn. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Giao cho UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát, ký cam kết, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề trên địa bàn; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm; thường xuyên trao đổi thông tin giữa Sở Y tế và UBND cấp các xã nhằm nắm bắt kịp thời, phối hợp ngăn chặn, xử lý các vi phạm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ: Cần có chính sách với các lương y gia truyền

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập thì các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, liên tục. Chỉ thị 03 phải được quán triệt đến tận cán bộ, người tham gia hành nghề. Chú trọng công tác truyền thông rộng rãi trên các hệ thống thông tin đại chúng để mọi người dân hiểu rõ những rủi ro khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở hành nghề không phép. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không để các cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động trên địa bàn; xử lý nghiêm những vi phạm. Công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng…Đưa công tác quản lý hành nghề y, dược vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm cho UBND cấp xã, thị trấn.

Kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh dược liệu, lương y gia truyền. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Thực tế hoạt động quản lý của các cấp, ngành đối với cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hiện vẫn bộc lộ nhiều thiếu sót, tồn tại. Cụ thể là: Cán bộ làm công tác quản lý hành nghề y – dược ngoài công lập còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm công tác quản hành nghề y, dược ngoài công lập. Một số lương y là ông lang, bà mế có bài thuốc nam gia truyền chữa một số bệnh thông thường không đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, khó quản lý.

Để khắc phục những tồn tại nói trên, trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 03 của UBND tỉnh; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền về công tác hành nghề y, dược ngoài công lập; đưa công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập vào xếp loại hàng năm của địa phương… Bộ Y tế, Sở Y tế cần có chính sách với các lương y gia truyền sát hạch công nhận lương y, để cấp chứng chỉ hành nghề, tạo điều kiện cho đông y phát triển theo chủ trương của Nhà nước, đông – tây y kết hợp trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Cục phó Cục Quản lý thị trường Nghệ An: Tăng cường công tác phối hợp, tránh chồng chéo và bỏ sót

Từ khi thực hiện Chỉ thị 03 từ năm 2018 đến nay, Cục Quản lý Thị trường Nghệ An đã kiểm tra 646 vụ; xử lý vi phạm 505 vụ với số tiền phạt hành chính trên 01 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; bán lẻ thuốc khi không có giấy chứng nhận thực hành tốt; không thực hiện việc mở sổ để theo dõi hoạt động mua, bán thuốc theo quy định; người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế theo quy định của pháp luật; không niêm yết giá thuốc…

Đoàn liên ngành thanh, kiểm tra cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập ở tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03, Cục Quản lý Thị trường Nghệ An nhận thấy còn có một số khó khăn, đó là: Việc phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng rất khó khăn do trình độ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện, cần phải giám định hoặc sự hợp tác của các cơ sở sản xuất hoặc đơn vị ủy quyền, hoặc nhà nhập khẩu. Tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng phức tạp, đặc biệt trong kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có rất nhiều dược phẩm do sản phẩm nhỏ gọn, dễ vận chuyển. Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử hiện đang gặp nhiều khó khăn do khó xác định được chính xác địa chỉ giao dịch, kho lưu trữ. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ chuyên môn còn thiếu nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong thời gian tới, đề nghị Sở Y tế tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường trong việc tổ chức kiểm tra, thanh tra hàng năm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường để tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, nâng cao hiệu quả kiểm tra./.

Mới nhất

x
Để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập ngày càng lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO