Để khai thác tốt tiềm năng đất bãi ven sông

Với hơn 1.000 ha đất phù sa tại 9 xã ven sông Lam, Hưng Nguyên là một trong những địa phương được đánh giá đã khai thác tốt tiềm năng đất đai màu mỡ này.

Theo ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, những năm gần đây, huyện đã tập trung chỉ đạo đưa vào các loại giống mới trên những loại cây trồng truyền thống vùng bãi ngô lạc như ngô biến đổi gene, lạc thâm canh giống mới, xây dựng các cánh đồng lớn trồng ngô, lạc với quy mô 15- 30 ha/cánh đồng; đặc biệt phát triển gần 50 ha cây kê cao sản tại Hưng Nhân, cho thu nhập khoảng 40- 45 triệu đồng/ha sau 3 tháng, chịu hạn tốt và dễ chăm sóc, dự kiến vụ hè thu năm nay sẽ mở rộng khoảng 100 ha ở các xã Hưng Long, Hưng Lĩnh.

Đồng thời, tập trung xây dựng vùng sản xuất rau an toàn ở Hưng Khánh, Hưng Nhân, Hưng Long, khuyến khích một số hộ dân phát triển trang trại tổng hợp ở vùng bãi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, tận dụng nguồn thức ăn từ các loại cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu và bãi chăn thả rộng, đưa tỷ lệ đàn bò lai shin ở đây lên tới 90- 100% trong khi ở các xã khác chỉ đạt

50% là cao nhất, một số hộ đã đưa vào nuôi giống bò đực 3B hiệu quả cao.

“Đặc biệt, hiện đã có doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi và dây chuyền giết mổ, chế biến thịt bò Úc, trâu Ấn Độ để xuất khẩu với quy mô khoảng 1.000 con, dự kiến năm 2019 sẽ đi vào hoạt động. Huyện cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống điện, thuỷ lợi tưới ở vùng bãi nhằm khuyến khích các HTX và doanh nghiệp vào đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây trồng hàng hoá cao cấp để khai thác hết tiềm năng, lợi thế đất đai vùng bãi”, ông Hoàng Đức Ân chia sẻ.

Tuy nhiên, những địa phương khai thác tốt tiềm năng đất bãi chưa nhiều. Gia đình bà Nguyễn Thị Thuỷ, xóm 3 xã Nam Tân, Nam Đàn có 5 sào đất bãi. Sau vụ ngô đông muộn xuân sớm, bà trồng tiếp một vụ dưa hấu xuân hè rồi cho đất nghỉ vì chuẩn bị đến mùa mưa lụt, đất bãi thấp thường xuyên ngập úng. Bà Thuỷ cho hay: Ngô cho năng suất khoảng 3,5 tạ/sào, lãi ròng 500-600 nghìn đồng/sào; dưa hấu cho lãi khoảng 2,5 triệu/sào. Tính tổng lại, 5 sào đất bãi của gia đình bà mỗi năm cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Theo ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Tân, thì hầu hết 80 ha đất màu bãi ven sông của xã, bà con chỉ mới trồng được hai vụ. “Đất phù sa rất màu mỡ, phù hợp trồng rau màu các loại, nhưng dân không dám trồng vì không có liên kết, sợ không tiêu thụ được”, ông Hùng bày tỏ. Phó phòng Nông nghiệp huyện, ông Hồ Đình Thắng cũng cho hay: Nam Đàn có trên 1.000 ha đất bãi, tuy nhiên diện tích đất đai màu mỡ này hiện chủ yếu chỉ trồng hai vụ là ngô đông muộn xuân sớm và dưa hấu xuân hè, một số ít diện tích trồng thêm một vụ đậu. Hiện huyện đã chỉ đạo một số vùng đất bãi cao ở Nam Tân, Nam Lộc, Hùng Long chuyển trồng cây ăn quả chanh, ổi, bưởi nhưng cũng chỉ mới đạt khoảng gần 30 ha.

Nghệ An có khoảng trên 20 ngàn ha đất bãi, tập trung tại các huyện ven sông Lam như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ… Đây được coi là tiềm năng rất lớn để phát triển diện tích rau màu hàng hoá, đặc biệt là các loại rau màu cao cấp. Thực tế, những năm qua, chúng ta đã đưa đất bãi trở thành những vùng sản xuất hàng hoá tập

trung đem lại giá trị cao. Một số vùng đã sử dụng sản xuất thâm canh tổng hợp, đưa công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, ngoài một số địa phương thực sự quan tâm, xây dựng đề án riêng cụ thể, nỗ lực đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, khai thác tốt tiềm năng vùng bãi như Hưng Nguyên, Anh Sơn, Con Cuông thì một số địa phương khác vẫn còn khá trì trệ và chậm chạp. Diện tích rau màu hàng hoá ở vùng bãi ven sông còn ít, chủ yếu mới trồng ngô và lạc, chỉ giải quyết được vấn đề phủ kín diện tích, mang lại thu nhập ở mức trung bình, hoàn toàn không tương xứng tiềm năng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Lập cho biết: Nghệ An luôn xác định diện tích đất màu bãi là vùng trọng tâm chiến lược cho sản xuất rau màu, cây trồng hàng hoá chất lượng cao của tỉnh. Khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là do đặc thù vùng đất, mưa lụt ngập úng nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, thuỷ lợi phục vụ sản xuất gặp khó khăn. Bên cạnh việc rà soát, tính toán để có phương án sản xuất hợp lý, các địa phương cần phân vùng cụ thể về mức độ và tần suất ngập úng để đầu tư xây dựng công trình điện, thuỷ lợi phù hợp. Những vùng có thể đầu tư xây dựng thì tập trung để đưa công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả cây trồng; những vùng khó khăn, có giải pháp tận dụng chất đất, lách mùa vụ để sản xuất. Đặc biệt, nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đối với các vùng sản xuất rau màu hàng hoá.

[author]Bài: Phú Hương
Ảnh: Nhóm PV
Thiết kế – Kỹ thuật: Hà Giang[/author]