Để làm chủ được những công trình sáng tạo khoa học cần trao 'quyền' chủ động cho học trò

Nội dung: Mỹ Hà; Ảnh, kỹ thuật: Đức Anh

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) -Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học vừa khép lại với một giải Nhất dành cho dự án “Hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh của Nguyễn Xuân Việt và Nguyễn Thùy Linh đến từ Trường THPT Tân Kỳ.

Để hiểu thêm về quá trình thực hiện dự án “Hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT Tân Kỳ - Thực trạng và giải pháp”, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với nhóm tác giả.

Nhóm tác giả đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Ảnh: Đức Anh
Nhóm tác giả đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Ảnh: Đức Anh


Tự tin bởi được “đồng hành cùng bạn”

P.V: Đây là lần đầu tiên Xuân Việt và Thùy Linh tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học và giành giải Nhất với một đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Vì sao các em lại chọn đề tài này?

Học sinh Nguyễn Xuân Việt: Đề tài “Hoạt động tham vấn tâm lý cho học sinh tại Trường THPT Tân Kỳ - Thực trạng và giải pháp” được chúng em triển khai trong 6 tháng và có nhiều điều đặc biệt trong quá trình thực hiện. Trước đó, người gợi ý và hướng dẫn cho chúng em thực hiện đề tài này là thầy giáo Đậu Minh Nghĩa – giáo viên bộ môn Giáo dục công dân.

Học sinh Nguyễn Xuân Việt và thầy giáo Đậu Minh Nghĩa trong giờ học tại Trường THPT Tân Kỳ. Ảnh: Đức Anh
Học sinh Nguyễn Xuân Việt và thầy giáo Đậu Minh Nghĩa trong giờ học tại Trường THPT Tân Kỳ. Ảnh: Đức Anh

Thực tế, khi lựa chọn vần đề này, cả thầy và trò đều đã suy nghĩ rất kỹ về đề tài, bởi hoạt động tham vấn vốn là hoạt động thường ngày ở các nhà trường. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự như mong muốn và vẫn còn nặng về hình thức. Như ở trường chúng em, qua khảo sát chỉ có 2,83% học sinh cho rằng, các hoạt động tham vấn tại trường là rất hiệu quả, 10,01% cho rằng hiệu quả, 36,31% cho rằng không hiệu quả. Trong khi đó, có tới 50,85% học sinh đánh giá thiếu hiệu quả.

Ngược lại, với thực tế này thì nhu cầu cần được tham vấn của học sinh là ngày một nhiều, bởi thực tế hiện nay áp lực nặng nề từ xã hội, gia đình, nhà trường khiến không ít học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và tâm, sinh lý, nhiều bạn rơi vào bế tắc, chán nản, tuyệt vọng, cảm thấy quá khó khăn trong học tập, trong việc thiết lập và xử lý các mối quan hệ gia đình và xã hội. Từ đó, dẫn đến những hành vi tiêu cực, sai lệch, cực đoan và không có những can thiệp kịp thời, cuộc sống các bạn sẽ rất dễ rơi vào bi kịch.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

P.V: Vấn đề áp lực trong học đường không phải là một vấn đề mới mẻ và tôi biết rằng, có không ít đề tài tương tự đã được thực hiện ở các cuộc thi trước. Vậy, làm thế nào để các em có thể thuyết phục ban giám khảo về dự án của mình?

Học sinh Nguyễn Thùy Linh: Em còn nhớ khi bắt đầu triển khai đề tài, thầy giáo Đậu Minh Nghĩa đã từng nói đề tài này quá rộng và “quá tầm” với học sinh trung học. Trước đó, thay vì tham vấn, chúng em đã chọn làm đề tài “tư vấn học đường” nhưng thầy cũng khẳng định điều này là khó khả thi, bởi để tư vấn hiệu quả phải có chuyên gia sâu trong một lĩnh vực. Ngay cá nhân thầy cũng chỉ tư vấn trong học tập ở bộ môn mà thầy giáo giảng dạy. Lựa chọn hình thức tham vấn, chúng em tự tin hơn, vì đó là quá trình chủ động phát hiện, giúp đỡ các bạn có “khủng hoảng” về tâm lý vượt qua khó khăn.

Nhóm tác giả phát tờ rơi thăm dò ý kiến từ học sinh. Ảnh: Đức Anh
Nhóm tác giả phát tờ rơi thăm dò ý kiến từ học sinh. Ảnh: Đức Anh

Qua 6 tháng triển khai, với vai trò của một người tham vấn, chúng em đã tự lên kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Đáng nhớ nhất có lẽ là được nhà trường tin tưởng và được lựa chọn làm thành viên trong tổ tư vấn của trường. Trong đó, Việt được chọn để cùng tham vấn giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và em được chọn tham vấn tăng cường khả năng ứng phó vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Ban đầu, khi đưa học sinh vào tổ tư vấn, nhiều thầy, cô cũng đã lo ngại chúng em khó có thể thực hiện được nhiệm vụ, nhưng thực tế chúng em cũng có những ưu thế riêng, như cùng lứa tuổi nên nắm bắt được tâm lý, suy nghĩ của tuổi học trò, biết được vì sao học sinh chán nản trong học tập... và từ đó sẽ đưa ra những quan điểm riêng để tư vấn cho các bạn và cho cả phụ huynh.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Để triển khai dự án, chúng em cũng đã tổ chức phát phiếu khảo sát và thiết kế hòm phiếu “điều em muốn nói”. Hàng ngày chúng em sẽ mở hòm phiếu, tiến hành đếm phiếu, phân loại lĩnh vực tham vấn, trực tiếp hoặc mời các thành viên tổ tư vấn là các thầy, cô phụ trách lĩnh vực được phân công tiến hành đánh giá thông qua quan sát, phỏng vấn sơ bộ và đôi khi có thể được đánh giá bằng các trắc nghiệm tâm lý chuyên sâu tại trường hoặc ở các đơn vị độc lập. Kết quả đánh giá này sẽ giúp chúng em xác định mức độ ưu tiên của từng vấn đề và quyết định hình thức hỗ trợ như tư vấn riêng với học sinh, tư vấn với phụ huynh... Không chỉ trực ở phòng tư vấn học đường, chúng em cũng đã thành lập câu lạc bộ tham vấn học đường “đồng hành cùng bạn” để có thêm nhiều cơ hội chia sẻ và đồng hành với những bạn học có vướng mắc về tâm lý...

Ròng rã hơn nửa năm thực hiện các hoạt động tham vấn cũng là thời gian để chúng em đúc kết và đưa ra các ý tưởng để triển khai dự án của mình. Những con số, những nhận định mà chúng em đúc kết trong dự án cũng chính là những kết quả mà chúng em ghi lại được từ trong chính hoạt động hàng ngày và có lẽ điều đó thuyết phục được ban giám khảo.

Phải đặt học trò lên trên hết

P.V: Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân nhưng dự án đầu tiên của thầy lại liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và sau đó là Tin học, những lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình. Điều gì khiến thầy say mê với hoạt động này?.

Thầy giáo Đậu Minh Nghĩa: Tôi đã có gần 20 năm đứng trên bục giảng và cũng như nhiều giáo viên khác vẫn rất trăn trở với công việc của mình. Vì lẽ đó, khi ngành Giáo dục phát động Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật, tôi rất hào hứng. Tuy nhiên, để bắt tay vào hướng dẫn một dự án rất khó khăn. Trong đó, khó nhất là ý tưởng, bởi với những vùng đặc thù, xa trung tâm như chúng tôi thì khó có thể tìm được các chuyên gia hỗ trợ. Bên cạnh đó,nguồn kinh phí cũng rất eo hẹp và không phải khi nào cũng được tất cả học sinh ủng hộ. Ví dụ, như trong dự án này, ban đầu tôi hướng dẫn học sinh phát phiếu khảo sát nhưng rất nhiều học sinh thờ ơ. Tuy nhiên, tôi là một người rất đam mê công tác nghiên cứu khoa học và điều đó giúp chúng tôi vượt qua khó khăn và từng bước triển khai các dự án của mình. Việc được tham gia các dự án cũng khiến tôi trưởng thành hơn bởi điều đó buộc mình phải luôn luôn suy nghĩ, tìm ra cái mới và đặc biệt quá trình triển khai dự án sự tương tác giữa thầy và trò sẽ tạo nên mối quan hệ thân thiết và giúp tôi được kết nối và gần gũi với các em hơn.

P.V: Đây là lần thứ 4 thầy trực tiếp hướng dẫn học sinh triển khai các dự án tham dự Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật. Trong đó, 2 năm gần đây thầy đều chọn vấn đề về học đường với khá nhiều câu chuyện xoay quanh đời sống, tâm lý của học sinh hiện nay. Điều gì khiến thầy trăn trở qua quá trình triển khai dự án?

Thầy giáo Nguyễn Đậu Nghĩa là thầy giáo dạy Giáo dục công dân nhưng rất có duyên khi 4 lần hướng dẫn học sinh đạt giải tại các cuộc thi. Ảnh: Đức Anh
Thầy giáo Nguyễn Đậu Nghĩa là thầy giáo dạy Giáo dục công dân nhưng rất có duyên khi 4 lần hướng dẫn học sinh đạt giải tại các cuộc thi. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Đậu Minh Nghĩa: Một trong những quy trình của các học sinh khi tiến hành dự án đó là phát phiếu khảo sát đến học sinh để tìm hiểu về biểu hiện tâm lý ở lứa tuổi học trò. Kết quả qua khảo sát 150 học sinh ở cả 3 khối lớp khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, bởi số học sinh có biểu hiện tâm lý tiêu cực nặng và rất nặng là tương đối cao, chiếm tới 11,33%. Đây là con số báo động. Bên cạnh đó, số học sinh mất hứng thú trong học tập cũng chiếm tỷ lệ cao, tới 15,33%.

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Qua nhiều năm làm công tác tư vấn học đường tôi khá lo lắng khi hiện nay chịu khá nhiều áp lực, từ gia đình, bố mẹ và từ chính việc học của mình. Cá nhân thầy, cô có lẽ cũng không nên nặng về vấn đề thi đua, điểm số để không tạo áp lực với học trò. Đáng lo ngại là có những học sinh học khá, giỏi, nhưng do các em chịu sự kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh nên dẫn đến trầm cảm, học hành sa sút. Từ thực tế này, chúng tôi muốn có giải pháp để phát hiện sớm những suy nghĩ tiêu cực của học trò và hướng các em đến hoạt động ngoại khóa, vui chơi và để các em hào hứng với việc học.

Gần đây chúng ta cũng đã nói đến khái niệm trường học hạnh phúc. Với riêng tôi, muốn làm được điều đó, học sinh hãy xem nhà trường chính là ngôi nhà của mình, ở đó giáo viên như cha, như mẹ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh và xem học trò là con mình. Tôi cũng mong có nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, có thêm những sân chơi, phát động phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao giúp các em háo hức khi đến trường.

P.V: Liên quan đến hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong nhà trường, gần đây có khá nhiếu ý kiến phản biện. Trong đó, có ý kiến cho rằng, gọi dự án là của học trò nhưng đứng đằng sau lại là tác phẩm của các thầy, cô giáo. Cá nhân thầy có đồng tình với ý kiến này không?.

Các tác giả tham khảo ý kiến của giáo viên. Ảnh: Đức Anh
Các tác giả tham khảo ý kiến của giáo viên. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Đậu Minh Nghĩa: Tôi cũng có nghe nói đến vấn đề này và có thể ở đâu đó vẫn có tình trạng trên. Tuy nhiên, ở những dự án do tôi triển khai tôi luôn đặt học sinh lên trên hết và tôi sẽ trao quyền chủ động cho các em. Ví dụ, tôi biết về vấn đề này, nhưng tôi sẽ không làm và tôi sẽ đặt những câu hỏi gợi mở cho học sinh để các em tự tìm tòi, tự nghiên cứu và trong quá trình triển khai thầy và trò cùng trao đổi thẳng thắn.

Tất nhiên, để một dự án thành công cũng không đơn giản. Vì thế, đầu tiên người thầy giáo phải tìm được nguồn học sinh, tìm được những học sinh thích tìm tòi, khám phá và có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, phải có được sự ủng hộ quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, sự ủng hộ của gia đình cả về tinh thần và vật chất và có thêm sự tham vấn, hỗ trợ của đồng nghiệp.

Thầy giáo Nguyễn Đậu Nghĩa cùng các học trò. Ảnh: Đức Anh
Thầy giáo Nguyễn Đậu Nghĩa cùng các học trò. Ảnh: Đức Anh

P.V: Xin cảm ơn nhóm tác giả và thầy giáo Đậu Minh Nghĩa!.

tin mới

Lễ phát động

Ngành Giáo dục phát động thi đua '90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024'

(Baonghean.vn) - Việc tổ chức chương trình nhằm động viên, khích lệ cán bộ, nhà giáo, người lao động cùng học sinh trong toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, góp phần tạo nên những thành công đối với kết quả tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Hướng nghiệp

Hướng nghiệp cho học sinh: Bắt đầu từ nhà trường

(Baonghean.vn) - Hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với các học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp. Hiện nay, đây cũng là nhiệm vụ được các nhà trường quan tâm với mục đích định hướng giúp học sinh có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế và đúng với đam mê.

Tiếng Anh

Nữ sinh lớp 9 đưa danh hiệu Thủ khoa môn Tiếng Anh về với huyện rẻo cao Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Với 15,15 điểm, Phan Thái Anh Thư, lớp 9B, Trường THCS thị trấn Mường Xén là nữ sinh duy nhất giành giải Nhất và là thủ khoa môn Tiếng Anh (bảng B) tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay. Phải chờ đến 14 năm, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn mới một lần nữa đạt được thành tích này.

Hành trình đến danh hiệu thủ khoa môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An của nữ sinh nghèo Khơ Mú

Hành trình đến danh hiệu thủ khoa môn Ngữ Văn tỉnh Nghệ An của nữ sinh nghèo Khơ Mú

(Baonghean.vn) - Bố mẹ đi làm thuê, hai anh em ở nhà nương tựa vào nhau để sống. Để có tiền ăn học, Moong Thị Thơm phải đi giữ trẻ thuê nhưng niềm đam mê học Văn vẫn không bao giờ tắt lụi. Kết quả ngọt ngào đến với em khi giành thủ khoa môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 vừa qua.

Đại diện các bên tiến hành ký Kế hoạch phối hợp xây dựng mô hình. Ảnh: An Quỳnh.

Nghệ An triển khai mô hình 'Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học'

(Baonghean.vn) - Sáng 12/3, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ ký kết kế hoạch phối hợp trong xây dựng, triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Môn Toán

Kỳ tích của đội tuyển Toán ở ngôi trường mang tên Lý Nhật Quang

(Baonghean.vn) - Với 3 giải Nhất, 1 thủ khoa và 100% thành viên đều đạt giải, đội tuyển Toán của Trường Trung học cơ sở Lý Nhật Quang (Đô Lương) đã làm nên kỳ tích tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9. Thành tích có được không phải bằng sự may mắn mà từ sự kiên trì, vượt khó của cả thầy và trò.

Nhân viên

‘Đường dài’ như biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên trường học đã diễn ra tại Nghệ An nhiều năm qua, dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các nhà trường. Trong khi đó, hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng và sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp lại khó xin việc dẫn đến nhiều nghịch lý.

 Bỏ 'đặc quyền' của chứng chỉ IELTS là hợp lý!

Bỏ 'đặc quyền' của chứng chỉ IELTS là hợp lý!

(Baonghean.vn) - Mấy ngày nay, một số học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thường nhắc đến việc Bộ giáo dục và Đào tạo có văn bản chính thức yêu cầu ngành Giáo dục các địa phương bỏ quy định đưa chứng chỉ IELTS vào danh mục điều kiện ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào lớp 10.