Để mãi xanh những "chứng tích thời gian"
Chúng tôi đến Nghi Thịnh đúng mùa thị chín. Khu vườn nổi tiếng đã từng được ghi dấu trong chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" của ông Lê Minh Thưởng thơm dậy mùi thị và rợp mát cả một vùng đất rộng. Tiếp chuyện chúng tôi bữa ấy, không chỉ có chủ nhân khu vườn, mà còn có cả cụ Nguyễn Văn Nam, năm nay đã ở tuổi 80. Cụ kể về những ngày ấu thơ của mình đã ngồi chơi dưới bóng những cây thị trong khu vườn này và "80 năm qua, hình như chúng không có nhiều thay đổi. Hồi đó, mỗi mùa thị chín, cả làng đều đến đây hái quả. Nạn đói năm 1945, những quả thị này đã cứu sống không ít người".
Câu chuyện của ông Lê Minh Thưởng- hậu duệ thứ 16 của dòng họ Lê trên mảnh đất Nghi Thịnh (Nghi Lộc) này dường như ly kỳ hơn. Rằng theo gia phả họ Lê, cách đây đã hơn 600 năm, trận đại hồng thủy đã cuốn đi làng mạc và biến vùng này thành một bãi cát. Cả vùng đất bao la toàn màu trắng khô khát, chỉ còn 5 cây thị vẫn xanh tươi, đơm hoa, kết trái. Vào thế kỷ 15, trên đường đi đánh giặc ngoại xâm, Đô đốc Lê Văn Hoan dừng chân nghỉ lại trên vùng đất này, buộc voi chiến ở chính những gốc thị này. Ông cũng đã ăn thử một quả thị trên cành và thấy rất thơm ngọt. Sau lần nghỉ lại nơi này, đoàn quân của ông đã có trận thắng lớn. Ông được phong đến đại nguyên soái. Cũng từđó, ông đã cho một số con cháu trong dòng họở lại nơi đây sinh sống và lập miếu thờ 5 cây thị. Dòng họ Lê phát tích từđó và trở thành một dòng họ lớn trong vùng.
Cây thịđược công nhận "Cây di sản Việt Nam"
5 cây thị cũng là nơi buộc voi cho đoàn quân của Vua Quang Trung trong lễ hội quân trước khi ra Thăng Long đánh tan quân Thanh năm 1789. Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những năm chống Mỹ, nhiều người làng còn nhớ "vòng tay che chở" của những cây thị này. Ngày đó, địa điểm nhà ông Thưởng là nơi đóng quân của một đơn vị phòng không Quân khu 4. Mỗi gốc thịđã trở thành một căn hầm và được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào. Có những gốc thịđược khoét rỗng trở thành bếp nấu ăn cho đơn vị. Và chúng cứ thế, lặng lẽ tỏa bóng, xanh mát cùng tháng năm, thâu nhận vào mình bao vết tích thời gian, bao biến cố thăng trầm. Cho đến một ngày, chúng được một đoàn khách đến tham quan, một đại gia đã định giá 5 cây thị và trả giá đến 7 tỷđồng để mang đi, nhưng con cháu dòng họ Lê đã chối từ vì "đây là báu vật của tổ tiên".
Năm 2007, những cây thịđược nhiều người biết đến qua chương trình "Chuyện lạ Việt Nam". Năm 2010, đoàn nghiên cứu của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đến tham quan, thu mẫu và đưa ra kết luận về tuổi thọ của những cây thị: khoảng 670 tuổi. Và năm nay, những cây thị này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là "Cây di sản Việt Nam". Niềm tự hào này, không chỉ riêng đối với gia đình ông Lê Minh Thưởng và con cháu dòng họ Lê ở Nghi Thịnh, nó còn là niềm tự hào của xứ Nghệ. Những cây di sản được vinh danh không chỉ bởi tuổi thọ, mà gắn với nó là bao trầm tích văn hóa, lịch sử của mảnh đất này. Và những giá trịấy được xem là vô giá. Chính từđây, đặt ra vấn đề về bảo vệ, quảng bá cho những " chứng tích của thời gian, của lịch sử này" như thế nào.
Để mãi xanh "những chứng tích thời gian"
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Sinh vật cảnh Nghệ An, trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn hàng trăm cây cổ thụ (từ 100 năm tuổi trở lên). Trong đó có cây săng lẻở bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (Tương Dương) trên 1.000 năm tuổi. Bên cạnh cụm 5 cây thịđược xác định 670 năm tuổi ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) còn có cụm 6 cây thị khoảng 500 năm tuổi ở khuôn viên nhà thờ Ngô Trí Hòa thuộc xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), 3 cây thịở xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu), 5 cây lim ởđền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành (Yên Thành) và 2 cây lộc vừng trên 700 tuổi ở chùa Song Ngư (Cửa Lò) và quần thể cây đa ởđền... Có thể nói, dù ít hay nhiều, hiện nay các địa phương đều có cây cổ thụ. Vì thế, yêu cầu cấp thiết đặt ra là thực hiện công tác thống kê, phân loại và lập hồ sơ quản lý để từđó tìm ra những giải pháp thích hợp trong việc chăm sóc, bảo vệ.
Theo kinh nghiệm của một sốđịa phương (như Tuyên Quang, Bắc Giang, Ninh Bình...), bên cạnh đầu tư kinh phí và công sức, giải pháp tối ưu trong việc bảo vệ cây cổ thụ là gắn với các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống để nâng cao ý thức trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, khai thác tiềm năng du lịch để cây cổ thụ có thể phát huy vai trò của nó trong việc phát triển kinh tế- xã hội.
Thực ra, vấn đề này đã được nhân dân một sốđịa phương trong tỉnh thực hiện nhưng có lúc, có nơi còn gián đoạn và tồn tại những vướng mắc nhất định. Trước đây, vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân bản Ná, xã Mường Nọc (Quế Phong) thường tập trung dưới cây đa đầu bản (được xác định gần 250 năm tuổi) để làm lễ cầu may. Hiện nay cây đa này đang nằm trong khuôn viên của một gia đình trong bản. Người dân bản Ná giờđây rất mong muốn được khôi phục lại nghi lễ ngày xưa nhưng hiện còn vướng mắc về mặt không gian, bởi việc tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh trong khuôn viên một gia đình sẽ khó tránh khỏi những trở ngại và không đảm bảo tính chất linh thiêng.
Còn bà con làng Đong, xã Nghĩa Tiến (Thị xã Thái Hòa) lâu nay vẫn luôn ấp ủ nguyện vọng tổ chức lễ tế thần hàng năm dưới gốc cây sui đầu làng (được xác định khoảng 170 năm tuổi). Còn chính quyền xã Thanh Phong (Thanh Chương) đã cho xây bồn bảo vệ cây sui cổ thụ, một chứng tích lịch sử, là nơi cờĐảng tung bay trong cao trào Xô Viết Nghệ- Tĩnh (1930- 1931) và nơi tập trung của lực lượng quần chúng trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8/1945).
Quần thể cây đa bên ngôi đền Bản Cánh, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn)
Gần đây, UBND xã Thanh Phong cho xây dựng lễđài cho các cuộc mít tinh kỷ niệm các ngày lễ lớn nhằm mục đích giáo dục truyền thống và khơi dậy hào khí của cha ông trong quá trình đấu tranh cách mạng. Với bà con xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), nguyện vọng hết sức chính đáng đã trở thành hiện thực kể từ năm 2008, khi lễ hội cây đa làng Trù được tổ chức với các hoạt động hướng về chủđề "Uống nước nhớ nguồn", ôn lại không khí hào hùng của một thời máu lửa. Đồng thời, vào các ngày lễ lớn, bà con làng Trù thường tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ dưới gốc cây đa. Tương tự, từ 2 năm nay, bà con các dân tộc ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) đã khôi phục được lễ hội đền Cây Đa bản Cánh để tưởng nhớ công ơn của Đức Khánh, người đã khai bản, lập mường nơi đầu dòng Nậm Mộ. Bên ngôi đền có một quần thể cây đa khoảng trên 500 năm tuổi, người dân bản Cánh bảo rằng những cây đa này rất thiêng nên không ai dám có ý định xâm hại.
Như vậy, có thể nói việc chăm sóc và bảo vệ cây cổ thụ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các địa phương cần chú trọng giải pháp gắn công tác bảo tồn với giáo dục truyền thống và định hướng phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Bởi khi ý thức của toàn thể cộng đồng được nâng cao, tất cả người dân đều đồng lòng chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ cây cổ thụ trên địa bàn cư trú.
T.V- C.K