Để nâng cao tiếng nói về tự do thương mại
(Baonghean) - Ngày 14/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016”. Tại diễn đàn này, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO Hanoi) tiết lộ, Nhật Bản đã từng có thời kỳ người dân nghi ngờ cho chính sản phẩm nội địa của mình như Việt Nam hiện nay. Làm thế nào để có thể hoạt động hiệu quả trong thời hiện đại là nội dung Trưởng đại diện JETRO Hanoi trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An tham dự diễn đàn.
Nhà máy may công nghiệp 100% vốn Nhật bản của Công ty TNHH MLB TENERGY tại Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền |
P.V: Ông có thể cho biết trong quan điểm của Văn phòng JETRO Hanoi, thì Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang Nhật Bản hay không?
Ông Atsusuke Kawada: Liên quan đến thương mại đối với Nhật Bản của Việt Nam, tôi nhận thấy năm 2015 xuất khẩu sang Nhật của Việt Nam giảm 3,9% (14,1 tỷ USD), nhập khẩu tăng 11,3% (14,4 tỷ USD) so với năm trước. 5 năm kể từ năm 2010, thu chi thương mại đối Nhật của Việt Nam rơi vào trạng thái thâm hụt, nhưng về cơ bản là cũng gần cân bằng. Lý do chính của việc xuất khẩu sang Nhật giảm là do lượng xuất khẩu dầu thô giảm 23,4% so với năm trước, và do giá dầu thô thấp nên số tiền thu nhập từ dầu thô cũng giảm 60,4% so với năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật chính là ngành Dệt may (2,8 tỷ USD), cáp kim loại là phụ kiện dùng cho ô tô cũng như máy móc vận tải và các linh phụ kiện kèm theo (1,9 tỷ USD), thủy sản (1 tỷ USD), giày da (600 triệu USD)… Ngược lại, những mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản là máy móc khí cụ và các linh phụ kiện: Mặt hàng điện tử, máy vi tính và linh phụ kiện kèm theo, thép và vụn thép, linh phụ kiện ô tô…
Từ trong thâm tâm tôi kỳ vọng vào việc mở rộng và đẩy mạnh thương mại mặt hàng giữa hai nước Nhật - Việt. Các DN khi khởi nghiệp tại Việt Nam thì hơn bất cứ điều gì, việc tạo nên được các sản phẩm của Việt Nam có tính cạnh tranh là điều rất quan trọng. Để làm được điều này, thì cần phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. Tôi cho rằng sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam cho các hoạt động trên là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực từ chính các DN.
P.V: Một cách cụ thể hơn, ông có thể cho biết làm thế nào để đạt được các bước đi buộc phải có mà ông vừa nêu ra?
Ông Atsusuke Kawada: Rõ ràng nhé: Để giảm chi phí sản xuất thì DN nên áp dụng một cách linh hoạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có hiệu lực từ nay về sau để cân nhắc việc có thể xuất khẩu các sản phẩm của công ty mình sản xuất ra với chi phí thấp hơn hay không? Hay có thể mua được các nguyên vật liệu, linh phụ kiện với giá thấp hơn không? Còn để nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng sản xuất thì cân nhắc xem có cần phải tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến không? Nếu là thực phẩm thì làm thế nào để có thể sản xuất ra các sản phẩm ngon, sạch và đảm bảo an toàn. Theo như tôi được biết thì ngay cả người Việt Nam cũng không tin tưởng vào các mặt hàng và thực phẩm của Việt Nam, nên có khuynh hướng dùng các mặt hàng ngoại được nhập khẩu chính hãng. Trước đây Nhật Bản cũng đã từng như vậy, cũng đã có thời kỳ mà người Nhật tỏ mối nghi ngờ cho chính sản phẩm của Nhật Bản như liệu “có rẻ không?” liệu “có chất lượng không?”. Tuy nhiên, do DN thường xuyên chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm nên tới nay thì các sản phẩm của Nhật Bản đã đạt được trình độ như bây giờ.
Tại Nhật Bản, ngay cả bây giờ vẫn đầu tư vào việc nâng cao động lực của tất cả mọi người liên quan đến việc tạo ra sản phẩm an toàn. Do vậy, Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản tổ chức một sự kiện thường niên để trao giải gọi là giải thưởng Monozukuri, tức là giải thưởng chứng nhận sự ưu tú đặc biệt dành cho những người được gọi là nhân tài (người lao động có kỹ năng đặc biệt) trên nhiều lĩnh vực và được phân theo độ tuổi. Và hiện nay, để tạo ra được những nhân tài như vậy thì Nhật Bản có cả trường đại học gọi là Đại học Monozukuri. Tôi nghĩ là ở Việt Nam để khuyến khích và nâng cao động lực cho mọi người, cho các DN thì có nên tổ chức các giải thưởng và trường đại học như vậy hay không?
Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An thăm Nhà máy chế biến gừng tại Công ty Nishimura (Kochi, Nhật Bản). Ảnh: Châu Lan |
Thứ nữa, cần cân nhắc rằng để nâng cao năng suất của hoạt động sản xuất thì có nên tiếp nhận máy móc hiện đại hơn không? Để đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất thì việc cung cấp cơ hội cho giáo dục và đào tạo như thế nào? Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin thị trường từ nơi xuất khẩu, khâu kiểm tra cũng như việc khai thác thị trường bán, thị trường xuất khẩu cũng rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng thông qua việc tham dự các buổi giao lưu kết nối kinh doanh, hội đàm thương mại và tham dự vào các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam thì DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng việc xuất khẩu hàng hóa của công ty mình hơn.
Tại website của Jetro, chúng tôi quản lý chương trình kết nối kinh doanh TTPP (Trade Tie-up Promotion Program), liên quan đến các giao dịch quốc tế. Thông qua trang này các bạn có thể truy cập, tạo tài khoản để đăng thông tin giới thiệu về công ty mình và cũng có thể tìm kiếm thông tin của đối tác mà bạn muốn. Hiện nay chuyên mục này trên website của chúng tôi có sự đăng ký của hơn 40.000 khách hàng từ 170 nước. Ngoài ra, nếu chọn từ khóa là các “chương trình triển lãm”, “thành phố kiểu mẫu” của thế giới trong hạng mục J-MESSE trên website của Jetro thì có thể tìm kiếm được thông tin liên quan đến việc tổ chức triển lãm theo từng lĩnh vực ngành, nghề khác nhau.
P.V: Theo ông phải làm gì để Việt Nam có thể trở thành quốc gia có sản phẩm nội địa đáng tin cậy, dưới góc nhìn của một doanh nhân Nhật Bản?
Ông Atsusuke Kawada: Liên quan đến các vấn đề mà trên khía cạnh kinh doanh các DN Nhật Bản gặp phải tại Việt Nam thì có một số kết quả điều tra của Jetro cho thấy họ đang nêu lên những khó khăn như: 77,9% DN Nhật Bản chỉ trích rằng tỷ lệ tăng lương cao; tiếp theo, có 65.2% cho rằng khó khăn trong việc mua nguyên liệu và linh phụ kiện tại chỗ và 55,8% DN cho rằng các thủ tục hành chính, thuế quan… phức tạp. “Theo người phụ trách thuế quan thì khi sử dụng HS code sẽ không phát sinh sự giải thích khác biệt” về hải quan, và “sẽ không còn tồn tại những hành vi đề nghị trả các khoản lệ phí không chính thức, bất hợp lý nữa. Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ chuyên tâm vào việc giải quyết các vấn đề trên.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai là nước tổ chức Hội nghị APEC. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ chủ trương nâng cao tiếng nói của mình trên lĩnh vực tự do thương mại và mong muốn hoàn thành vai trò chủ đạo trong việc áp dụng linh hoạt hơn nữa về tự do thương mại thông qua TPP.
Cuối cùng, tôi cam đoan rằng Jetro, với chức năng là cầu nối giữa DN Nhật Bản với DN Việt Nam cũng sẽ hợp tác và hỗ trợ hết mình trong các hoạt động có liên quan đến thương mại của hai nước.
P.V: Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Hồng Hà
TIN LIÊN QUAN