Để Nghệ An có nhiều VĐV tầm cỡ quốc gia

06/11/2012 20:04

Là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về TDTT nhưng Nghệ An mới chỉ thành công ở môn bóng đá, còn các bộ môn khác vẫn chỉ ở dạng tiềm năng chứ chưa đạt được đỉnh cao, điển hình là bộ môn điền kinh – môn thể thao “nữ hoàng”. Phải chăng do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng?

(Baonghean) Là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về TDTT nhưng Nghệ An mới chỉ thành công ở môn bóng đá, còn các bộ môn khác vẫn chỉ ở dạng tiềm năng chứ chưa đạt được đỉnh cao, điển hình là bộ môn điền kinh – môn thể thao “nữ hoàng”. Phải chăng do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng?

Ở bộ môn điền kinh, trước đây Nghệ An từng có những VĐV ở đỉnh cao quốc gia như Nguyễn Thanh Hải, Ngô Đăng Quang, Ngô Xuân Dũng… Nhưng mấy năm trở lại đây, điền kinh Nghệ An chỉ thành công ở các giải trẻ (năm 2011 xếp thứ ba toàn đoàn Giải Vô địch các lứa tuổi trẻ, năm 2012 xếp thứ 4 toàn đoàn với 5 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ; Giải Vô địch trẻ 2012 đoạt 2 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ…) và liên tiếp trong các năm 2009 đến nay đều có VĐV đoạt HCV, HCB tại các giải vô địch học sinh Đông Nam Á. Thế nhưng, tất cả cũng chỉ nằm ở dạng tiềm năng, bởi khi tham dự các giải đấu lớn như Vô địch quốc gia hay tham gia đội tuyển quốc gia, các VĐV Nghệ An đều không để lại dấu ấn.



Năm nay, điều đó lại một lần nữa lặp lại khi ở Giải Vô địch điền kinh quốc gia 2012 - giải đấu quốc nội lớn nhất trong năm của điền kinh Việt Nam, cũng là thời điểm mở đầu cho chu trình mới để điền kinh Việt Nam tuyển thêm những vận động viên tài năng cho mục tiêu dài hơi tại các đấu trường khu vực và quốc tế trong thời gian tới, như SEA Games, Asian Games. Tham dự giải lần này đoàn Nghệ An có 12 VĐV nhưng chỉ đoạt được 1 HCB (Dương Hữu Tín - nội dung đi bộ 20 km), 1 HCĐ cá nhân (Hoàng Thị Trinh - đi bộ 20 km) và 1 HCĐ đồng đội chạy tiếp sức 4x400m. Với thành tích này, các VĐV Nghệ An khó có chỗ đứng chính thức trong đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự các giải đấu lớn sắp tới.

Vì sao điền kinh Nghệ An không thể phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình để trở thành những VĐV hàng đầu của quốc gia? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Bằng - Trưởng bộ môn Điền kinh kiêm Trưởng phòng Quản lý đào tạo VĐV – Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT. Ông Bằng cho biết: Trong những năm 1975 - 1980, Nghệ An từng có VĐV Trần Thị Soa liên tiếp vô địch quốc gia và trở thành “nữ hoàng điền kinh” của Việt Nam thời bấy giờ. Chị đã 2 lần đứng đầu danh sách 10 vận động viên tiêu biểu trong các năm 1978, 1979, là đại diện Việt Nam tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới được tổ chức tại Cuba vào năm 1979.

Năm 1980, chị đại diện cho Việt Nam tham dự Olympic Mát-xcơ-va. Thế nhưng sau khi giải nghệ, do không có bằng cấp, hiện nay chị đành chấp nhận làm công việc chăm sóc sân cỏ cho CLB bóng đá SLNA. Và mới đây, VĐV Ngô Đăng Quang 3 năm liền vô địch quốc gia môn đẩy tạ (2007 - 2009), rồi Ngô Xuân Dũng 3 năm liền phá kỷ lục quốc gia nội dung 20 km đi bộ nam (2007 - 2009), nhưng đến năm 2010, hai VĐV này đều từ bỏ nghiệp VĐV để ra ngoài tìm kế sinh nhai.

Theo ông Bằng, do chế độ đãi ngộ VĐV có thành tích cao còn chưa tương xứng, đầu ra sau khi giải nghệ cho các VĐV cũng là một vấn đề nan giải, nên ít có người dám dành trọn tâm huyết, sức lực của mình để theo đuổi nghiệp VĐV mà phần lớn họ vừa thi đấu vừa phải tính đến kế sinh nhai sau này. Cũng theo ông Bằng, muốn có một VĐV đạt đỉnh cao thì họ phải thi đấu liên tục từ 5 - 7 năm, trong khi ở Nghệ An nếu VĐV nào thi đấu được 3 - 5 năm có thành tích là các em xin đi học để có tấm bằng CĐ, ĐH cầm tay. Do quá trình vừa học, vừa tham gia thi đấu nên không thể có được thành tích tốt nhất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến điền kinh Nghệ An ngày càng ít có VĐV đạt đỉnh cao.

VĐV Hoàng Thị Trinh - người từng đoạt 6 HCV ở các giải trẻ trong nước và quốc tế và là VĐV triển vọng của điền kinh Nghệ An hiện nay, cho biết: “Ngoài những đợt tham gia thi đấu các giải trong nước và quốc tế, thời gian còn lại là ở trên sân tập. Để có tiền phụ giúp gia đình, em phải tiết kiệm chi tiêu từ tiền thuốc bổ, phụ cấp ăn uống. Mong muốn của em là sau khi giải nghệ sẽ có việc làm ổn định”.

Để có một VĐV đủ độ chín thi đấu giải Vô địch quốc gia và đạt được những thành tích cao ở bộ môn điền kinh nói riêng và những môn thể thao khác nói chung, những người làm công tác thể thao ở Nghệ An, các ngành liên quan cần có cơ chế đãi ngộ tốt cho các VĐV có thành tích cao và đảm bảo đầu ra (sau khi giải nghệ cho VĐV đi học ĐH TDTT rồi về làm HLV hoặc giáo viên giảng dạy bộ môn TDTT) để họ yên tâm tập luyện và thi đấu, đem về những thành tích cao nhất cho tỉnh nhà và quốc gia. Và để Nghệ An xứng đáng là 1 trong 10 trung tâm TDTT lớn của cả nước theo chiến lược phát triển thể thao quốc gia đến năm 2020, chúng ta cần phải có nhiều VĐV đạt đẳng cấp tầm cỡ quốc gia và quốc tế ở những môn thể thao mũi nhọn như: điền kinh, karate, taekwondo, whusu, pencak silat, boxing, vật, đá cầu, bi sắt, cầu mây...


Đức Dũng

Mới nhất
x
Để Nghệ An có nhiều VĐV tầm cỡ quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO